Trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Thái Nguyên luôn quán triệt các cấp, ngành nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa, lấy phát triển con người làm trung tâm. Vì thế, tỉnh chú trọng công tác giáo dục - đào tạo và chính sách phát triển con người toàn diện; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ, bảo đảm luôn năng động, sáng tạo trong công việc, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Cơ sở vật chất của Trường Mầm non Cổ Lũng (Phú Lương) - ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 - được chú trọng đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong khu vực. |
Giáo dục đào tạo là “đòn bẩy”
Dự án xây dựng Trường THPT Tức Tranh được khởi công giữa năm 2022 tại xóm Đồng Danh, xã Tức Tranh (Phú Lương), với tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng. Ngôi trường có tổng diện tích hơn 2,5ha, quy mô 2 dãy nhà lớp học, với 24 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, nhà đa năng, sân chơi, bãi tập rộng rãi, nhà để xe. Trường được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2023-2024.
Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Trường được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh 4 xã phía Đông của huyện Phú Lương, gồm: Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô, giúp chống quá tải cho hệ thống trường THPT trên địa bàn. Từ giờ các em không phải đi xa hàng chục ki-lô-mét mỗi ngày về trung tâm huyện, hoặc xuống TP. Thái Nguyên học nữa.
Cùng với Trường THPT Tức Tranh, tìm hiểu thực tế tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt sự đổi thay trong cơ sở vật chất ở các nhà trường. Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Thực hiện Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, toàn tỉnh đã xây mới 1.149 phòng học, 631 phòng chức năng và các công trình phụ trợ; sửa chữa 1.616 phòng học; mua sắm nhiều trang thiết bị cho các trường học… với tổng kinh phí gần 1.773 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu học tâp, rèn luyện, vui chơi của học sinh.
Bên cạnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, ngành Giáo dục cũng chú trọng tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Hiện nay, số cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh đạt chuẩn trở lên là hơn 89%; trong đó số trên chuẩn là hơn 31%. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả, đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 605/681 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 88,84%)...
Là địa phương có Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đứng chân với 7 trường đại học và Khoa Quốc tế; Trường Cao đẳng; 2 phân hiệu tại tỉnh Lào Cai, Hà Giang và các đơn vị phục vụ đào tạo khác, Thái Nguyên luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại đây. Với đội ngũ viên chức, người lao động hơn 3.690 người, trong đó có 2.454 cán bộ giảng dạy, ĐHTN có quy mô đào tạo khoảng 70 nghìn người, với nhiều lưu học sinh của 23 quốc gia, vùng lãnh thổ...
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên: 5 năm gần đây, Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái nguyên đã phối hợp thực hiện 127 nhiệm vụ, chương trình chuyển giao, với tổng giá trị gần 200 tỷ đồng. Nhiều kết quả nghiên cứu về quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học… của các nhà khoa học đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Đến nay, ĐHTN đã đào tạo hơn 500 nghìn sinh viên, hơn 15 nghìn học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, sinh viên do ĐHTN đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Thái Nguyên...
Các em học sinh tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên). |
Nhân tố “then chốt của then chốt”
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (NQ 33), việc chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và tổ chức đoàn thể được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với nhân dân và xã hội. Theo đó, nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tỉnh ban hành đã chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ trong, ngoài nước.
Đồng chí Lê Quang Trung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thông tin: Việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 đều được thực hiện bảo đảm chất lượng, cơ cấu theo đúng hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, là cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Định kỳ quan tâm việc rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm thấp, năng lực hạn chế, vi phạm bị xử lý kỷ luật, từ đó kịp thời bổ sung nhân tố mới, tạo nguồn sinh khí mới trong công tác cán bộ.
Đồng chí Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ: Mức độ hài lòng đối với công chức giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh năm 2023 đạt 90,59%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này cho thấy đội ngũ công chức của tỉnh có nhiều chuyển biến, nâng cao nhận thức và có tinh thần trách nhiệm, có thái độ giao tiếp lịch sự, tôn trọng người dân, vì nhân dân phục vụ...
Kết quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo từng giai đoạn của tỉnh đều có sự phát triển, đáp ứng yêu cầu, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Đơn cử như hiện có trên 70% cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên; hơn 74% Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; 100% có trình độ tin học đáp ứng công tác lãnh đạo, quản lý theo chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã hiện nay có gần 94% trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và 95% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên...
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trao thưởng cho các học sinh đoạt giải quốc gia năm học 2023-2024. |
“Nuôi dưỡng” nhân lực ngành Văn hóa
Nhận thức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Văn hóa là vấn đề then chốt để đánh thức và khơi thông những mạch nguồn văn hóa, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển, tỉnh Thái Nguyên chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị tốt, nhất là tâm huyết với công tác văn hóa.
Đến nay, 100% công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng và tương đương trở lên trong ngành văn hóa có trình chuyên môn từ đại học và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, bảo đảm đúng và đủ các tiêu chuẩn của cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2014 đến nay, Sở đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cho trên 2.000 cán bộ văn hóa cấp huyện, xã. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, tổ chức bộ máy của Sở và các đơn vị được kiện toàn, hoạt động có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn hóa, nghệ thuật; quan tâm đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời thực hiện tốt các quy định, chế độ khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đoạt giải tại các cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi, cuộc thi của khu vực, toàn quốc và quốc tế; khen thưởng kịp thời những người có công bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian các dân tộc...
10 năm qua, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã đào tạo trên 700 sinh viên có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp về lĩnh vực quản lý, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cung cấp cho tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. |
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin