Thực hiện hiệu quả chính sách văn hóa vùng dân tộc thiểu số

Hoàng Bách 10:10, 17/09/2024

Trong số hơn 1,3 triệu dân, người dân tộc thiểu số (DTTS) tại Thái Nguyên chiếm gần 30%. Thời gian qua, phát triển văn hóa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm.

Học viên thực hành nghi lễ Cấp sắc của người Dao tại Lễ bế mạc lớp truyền dạy về thực hành nghi lễ Cấp sắc, chữ Nôm của người Dao tại xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ).
Học viên thực hành nghi lễ Cấp sắc của người Dao tại Lễ bế mạc lớp truyền dạy về thực hành nghi lễ Cấp sắc, chữ Nôm của người Dao tại xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ).

Theo chia sẻ của ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, những năm qua, chính sách văn hóa ở vùng DTTS của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, trên tất cả các lĩnh vực như bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động văn hóa, văn nghệ...

Minh chứng rõ nét nhất cho nhận định trên chính là các địa phương trong tỉnh đã thực hiện một số chương trình, đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở vùng DTTS. Đơn cử như huyện Đồng Hỷ đã triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, làng nghề và du lịch huyện Đồng Hỷ, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, cho biết: Triển khai Đề án, địa phương đã thực hiện được nhiều phần việc quan trọng trong bảo tồn chữ viết, phong tục tập quán… của đồng bào. Mới đây nhất (cuối tháng 7 vừa qua), huyện đã tổ chức lớp truyền dạy về thực hành nghi lễ Cấp sắc, chữ Nôm của người Dao tại xã Hợp Tiến. Dưới sự truyền dạy của 2 nghệ nhân là ông Triệu văn Thuận và Triệu Văn Phương, 35 học viên tham gia lớp học (đều là người dân tộc Dao của xã, trong đó có 9 học sinh) đã có thể viết một số bài bằng chữ Nôm, hiểu về hơn về việc thực hiện nghi lễ Cấp sắc…

Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, đến nay, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở vùng DTTS của tỉnh đã được bảo tồn và phát huy. Đến nay, vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã có 1 di tích Quốc gia đặc biệt (13 điểm); 57 di tích Quốc gia; 232 di tích cấp tỉnh; có 19 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ông Hoàng Phong cho biết thêm: Các di sản này chính là bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc sinh sống ở Thái Nguyên, trong đó hầu hết là của đồng bào DTTS.

Học viên biểu diễn tiết mục thổi sáo tại Lễ bế mạc lớp truyền dạy về thực hành nghi lễ Cấp sắc, chữ Nôm của người Dao tại Hợp Tiến (Đồng Hỷ).
Học viên biểu diễn tiết mục thổi sáo tại Lễ bế mạc lớp truyền dạy về thực hành nghi lễ Cấp sắc, chữ Nôm của người Dao tại Hợp Tiến (Đồng Hỷ).

Bên cạnh đó, việc sưu tầm, phục dựng các di sản văn hóa cũng được thực hiện hiệu quả khi chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Thái Nguyên đã tổ chức sưu tầm, phục dựng Lễ hội cầu mùa của người dân tộc Dao Lô Gang huyện Võ Nhai. Đồng thời xây dựng được nhiều mô hình, mẫu hình văn hóa, văn nghệ gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển du lịch cộng đồng; tổ chức hàng chục buổi biểu diễn nghệ thuật; chiếu phim phục vụ người dân vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, thực hiện chính sách phát triển du lịch vùng DTTS, Thái Nguyên đã xây dựng phát triển 4 sản phẩm du lịch chính là du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE (sự kiện, hội nghị, hội thảo), thể thao, khám phá hang động.

Nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách văn hóa, trong thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục triển khai Dự án 6 (Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho 3 dự án đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; xây dựng 1 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ 8 dự án tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia có giá trị tiêu biểu; khôi phục, phục dựng bảo tồn trước nguy cơ mai một cho 1 lễ hội truyền thống của các DTTS...