Việc hiểu về lịch sử, văn hoá trà và nghệ thuật thưởng trà của Việt Nam nói chung và tiềm năng, văn hoá trà Thái Nguyên nói riêng có ý nghĩa vô vùng quan trọng đối với lãnh đạo, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, chủ thể sản xuất, kinh doanh trà. Bởi chỉ khi chúng ta hiểu sâu sắc, yêu và làm ra sản phẩm trà Thái Nguyên bằng cả trái tim mới đánh thức tiềm năng, tạo ra những giá trị, đưa thương hiệu Trà Thái Nguyên vươn tầm thế giới.
Nhà báo, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chia sẻ tại cuộc trao đổi phát triển văn hoá trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên. |
Ngày 30-11, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tổ chức “Trao đổi phát triển văn hoá trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên”. Chương trình do nhà báo, nghệ nhân, đại sứ văn hoá trà Việt Hoàng Anh Sướng, người nghiên cứu chuyên sâu về tâm linh, đạo Phật, về thiền, trà đạo truyền đạt. Đây là buổi trao đổi văn hoá và nghệ thuật thưởng trà thứ 3 của Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng tại Thái Nguyên kể từ tháng 10-2024 đến nay.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt đã xác định rõ: “Đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè”. Lộ trình “Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành Văn hoá trà”, đưa trà Thái Nguyên trở thành một biểu tượng văn hoá, niềm tự hào của đất nước Việt Nam đang được tỉnh Thái Nguyên hiện thực hoá bằng nhiều hoạt động. Những buổi trao đổi, truyền đạt trực tiếp về văn hoá trà từ nghệ nhân Hoàng Anh Sướng là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa như vậy.
Buổi trao đổi về văn hoá trà diễn ra trong không khí đầm ấm, đầy cảm xúc, mang năng lượng bình an. Trên 300 đại biểu là các lãnh đạo, cán bộ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, chủ thể sản xuất, kinh doanh trà được trải nghiệm thời thiền ngắn tạo không gian tĩnh lặng, bình yên trong tâm hồn mỗi người. Tất cả mọi người đều chăm chú lắng nghe những câu chuyện lịch sử, văn hoá trà Việt Nam, trà Thái Nguyên.
Với kinh nghiệm 20 năm làm trà và truyền bá văn hoá trà Việt, tổ chức hàng ngàn buổi thiền trà cho đủ các tầng lớp từ các nhà lãnh đạo trên thế giới đến các doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức… trong và ngoài nước, nhà báo, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã say sưa truyền đạt những nội dung, giá trị cốt lõi về văn hoá trà.
Anh khẳng định: Trà Việt Nam là một trong 3 cái nôi chè nổi tiếng thế giới cùng với Nhật Bản và Trung Quốc (trong đó Việt Nam là nơi phát tích đầu tiên của cây chè thế giới). Điều này có đủ các bằng chứng để chứng minh. Theo anh, trà không chỉ là một thức uống, mà còn là biểu tượng giao thoa văn hóa và nghệ thuật sống của người Việt. Trà có vai trò quan trọng trong việc kết nối con người với thiên nhiên và tái tạo sự cân bằng trong đời sống hiện đại. Điều làm nên sự khác biệt của trà Việt nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng, không chỉ nằm ở hương vị mà còn ở tinh thần và nghệ thuật pha trà - một nét đẹp văn hóa đã được gìn giữ qua bao thế hệ.
Các đại biểu, chủ thể doanh nghiệp, hợp tác xã giao lưu, trao đổi về phát triển văn hoá trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên. |
Thái Nguyên không phải là vùng chè cổ của Việt Nam nhưng từ lâu đã khẳng định vị thế là vùng có diện tích lớn, sản xuất chè chất lượng cao trên cả nước. Những đồi chè xanh bạt ngàn ở Tân Cương, La Bằng, Trại Cài hay Khe Cốc không chỉ mang đến những sản phẩm chè thơm ngon mà còn chứa đựng chiều sâu văn hóa của người dân Thái Nguyên.
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng cũng đã trực tiếp hướng dẫn các đại biểu cách chọn ấm, pha trà, cách ướp trà sen và phân tích một các sâu sắc về nghệ thuật thưởng trà, giúp mọi người cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của văn hóa trà Việt. Trong đó nhấn mạnh, người Việt có 3 cách thưởng trà: độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người) và quần ẩm (nhiều người). Uống trà độc ẩm là cách để trở về với chính mình, để hiểu mình là ai, từ đó nhận ra những hạt giống tốt, xấu bên trong mình để hiểu và thương người khác.
Theo Nghệ nhân Trà Hoàng Anh Sướng, với người Việt Nam, trà không chỉ là một thức uống mà còn là phương thức để tu tâm dưỡng tính. Qua việc thưởng trà, dạy dỗ chúng ta nhiều thứ như sự sạch sẽ, ngăn nắp, về lòng kiên nhẫn, sự khiêm nhường. Trà khiến chúng ta nhận ra một điều: Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc nhiều vào tiền bạc, địa vị, danh vọng. Hạnh phúc đích thực chỉ có khi ta có một cái tâm an, trong đó, chứa đầy hiểu biết và thương yêu".
Thái Nguyên không phải là vùng chè cổ nhưng có diện tích nguyên liệu chè lớn và được thiên nhiên ưu đãi để tạo nên chè thơm ngon, riêng có. Cây chè ở Thái Nguyên có từ gần 100 năm nay, đã chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên qua các thế hệ. Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế to lớn, cây chè còn mang những nét văn hóa truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.
Ông Đinh Huy Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, người dành nhiều tâm huyết, đồng hành với việc nâng tầm thương hiệu, văn hoá trà Thái Nguyên chia sẻ. Năm 2011, đơn vị đã đồng hành cùng tỉnh tổ chức Festival chè lần thứ nhất. Nối tiếp thành công đó, năm 2024, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ cho các hộ trồng trà, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, doanh nhân làm về trà có kiến thức văn hoá trà Việt Nam, nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên để lan toả cho người tiêu dùng toàn quốc hướng tới phát triển ngành chè bền vững.
Còn bà Kiều Thị Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Bình (Hoá Thượng, Đồng Hỷ), đơn vị đã dành nhiều năm để nghiên cứu, đầu tư và cải tiến quy trình sản xuất chè, với mục tiêu chính là tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt chia sẻ: Những buổi trao đổi thế này đã giúp chúng tôi hiểu sâu hơn các kiến thức về thiền trà, văn hoá trà, các dòng trà của thế giới và Việt Nam. Tôi nghĩ đây là cú hích để các đơn vị kinh doanh sản xuất, kinh doanh như chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình trước người tiêu dùng về trước mắt lâu dài. Từ đó tập trung sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước, cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Tôi tin rằng đây là cơ hội để mỗi chúng ta hiểu về văn hoá trà, yêu và tôn vinh trà, tạo nhiều giá trị, thành công trong sản xuất, kinh doanh từ những giá trị cốt lõi như vậy...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin