Minh họa: Thanh Hạnh |
Lớp năm, tôi bị cuốn theo chúng bạn trong xóm chơi diều sáo. Mười đứa trẻ chúng tôi đen nhẻm, quần áo lem nhem hò hét nhau ầm ĩ mỗi lần cánh diều bay lên cao.
Có nhiều đêm, trong giấc mơ tôi trở đi trở lại là hình ảnh chiếc diều sáo mình được bố làm cho. Diều được vót từ thanh tre già ít mấu uốn cong như cánh cung. Cầm diều trên tay tôi tưởng tượng nó là chiếc thuyền chuẩn bị vượt biển của thủy thủ. Cho diều bay lên cao, tôi nằm dài trên thảm cỏ, nhìn nó hút vào tầng mây xanh như chiếc liềm nằm nghiêng mẹ tôi vẫn mang ra đồng gặt ngày mùa. Lim dim mắt, tôi vui vẻ nghe tiếng sáo ngân nga. Tôi ước, mình vẫn còn bố để được ông làm tặng chiếc diều sáo đẹp hơn chúng bạn. Nhưng đó mãi chỉ là ước mơ.
Bố tôi mất năm tôi chưa đầy 4 tuổi, khi ông vừa bước sang tuổi 36 chưa lâu. Trong tâm trí non nớt của tôi không hề có bất cứ hình ảnh nào về người cha của mình. Từ khi không còn bố, mẹ con tôi chuyển đến một nơi xa thật xa chỗ cũ. Và từ đó, mẹ vừa làm mẹ vừa làm bố của tôi.
Nhà tôi ở bình dị, nghèo nàn, xưa cũ. Nhà cấp bốn nho nhỏ đủ kê hai cái giường với những vật dụng đơn giản sinh hoạt hàng ngày. Mùa trăng về, tôi thích nằm trên giường kê sát cửa sổ, ngắm ánh trăng sáng vằng vặc. Tôi còn vui sướng nghe tiếng dế lích chích, tiếng chim non mới nở cựa mình trong ổ se sẽ kêu chiếp chiếp. Những đêm mẹ ra chợ lấy hàng, tôi nằm một mình trên giường rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay.
Nhà tôi lợp bằng loại ngói phế phẩm nên cứ vài năm, mẹ lại phải đảo ngói một lần, vừa tốn công vừa khổ. Tôi nhớ năm học lớp bảy, mưa lớn kèm theo dông giật làm mái ngói nhà tôi xô đảo. Cả buổi tối, mẹ con tôi hết chạy chỗ này lại sang chỗ kia hứng mưa. Rồi lấy nilon che bàn thờ và chiếc màn cho đỡ bụi. Đêm muộn, mưa chừng như đã ngớt, mẹ vẫn ngồi ở góc giường, ôm tôi trong lòng để tôi yên giấc. Sớm hôm sau, khi tôi còn chưa tỉnh dậy, mẹ đã tất tả bắc thang trèo lên nóc nhà lợp lại ngói.
Mẹ cao lớn, lại có sức vóc, nên mọi việc làm thuê trong làng mẹ luôn nhận phần việc ngang đàn ông, từ phụ vữa, khuân gạch, gánh lúa. Mẹ chẳng dịu dàng, hay mắng tôi, còn đánh tôi rất đau bằng cái roi mây vẫn để ở góc nhà. Đã không dịu dàng, mẹ còn là người đàn bà không đẹp. Tuy có nước da trắng, đôi mắt to tròn đen láy nhưng trên khuôn mặt mẹ lại có cái sẹo dài chạy từ má xuống cổ. Tôi vẫn nghe người già trong làng bảo, ai mà có sẹo giống như cái bớt ở chỗ ấy, số phận chẳng tốt đẹp gì.
Tôi nhớ khi mình học cấp hai, có lần cô giao đề văn: Hãy tả lại người mẹ dịu hiền của em. Tôi ngồi mười lăm phút chưa biết viết gì. Ngó sang bên cạnh thấy cái Thảo đã ngoáy tít non trang giấy: “Mẹ em có làn da trắng như tuyết. Môi mẹ đỏ, tóc mẹ dài đến tận gót chân. Mẹ hiền dịu như một bà tiên”... Tôi cắn bút, tặc lưỡi, định tán ra lung tung cho đủ trang rồi chợt nghĩ ra, à, mẹ hiền dịu nhất có lẽ là lúc chăm tôi bị bỏng.
Năm tôi 10 tuổi, buổi chiều đang nấu cám lợn thì tôi nghe tiếng tụi thằng Sơn réo lên đầu ngõ rủ đi thả diều. Vậy là tôi vội vàng bưng nồi cám đổ ra thau cho nguội, chẳng ngờ, bị tràn xuống chân bỏng rát. Cảm giác lúc ấy thật kinh khủng, tôi thét to đau đớn: Mẹ ơi, cứu con, nóng quá...
Khi mẹ về thì tôi đã nằm trên giường, chỗ bỏng được cô hàng xóm tốt bụng vệ sinh và đắp lá thuốc. Nhìn thấy tôi, mẹ hoảng hốt: “Khổ thân con, có đau lắm không? Tại mẹ, tại mẹ hết…”. Mẹ khóc và gục xuống ôm tôi. Trong mùi mồ hôi nồng nồng vị cá của mẹ tôi vẫn thấy thật dễ chịu. Ôi, lúc này sao mẹ dịu hiền đến thế! Mấy hôm sau, khi từng mảng da bị bỏng phồng lên, bong ra đau rát, tôi khóc hết nước mắt, còn mẹ xoa tay, thổi phù phù vừa bôi thuốc mỡ vừa dỗ tôi: “Vết sẹo trên mặt mẹ cũng là bỏng mà ra. Mẹ hiểu cảm giác của con lúc này. Cố lên con gái!”. Tôi định hỏi thêm thì thấy mẹ thở dài cúi xuống lặng thinh nên lại thôi.
Cho đến hơn chục năm sau, tôi mới biết được bí mật ấy...
Hôm đó, tôi từ thành phố về xin dấu của chính quyền địa phương hoàn thiện thủ tục trong hồ sơ kết nạp Đảng ở cơ quan. Mẹ vắng nhà, tôi mở hòm tìm cuốn sổ hộ khẩu và vô tình thấy nhật ký của mẹ. Trong sổ còn kẹp tấm hình đen trắng chụp một cô gái tuổi khoảng mười tám tóc tết đuôi sam thật xinh xắn tôi đoán là mẹ.
Đọc nhật ký, tôi mới biết do mồ côi nên ngày nhỏ mẹ đi ở cho một gia đình khá giả trong làng. Vào một đêm giông bão năm mẹ mười chín tuổi, mẹ bị ông chủ cưỡng hiếp trong nhà chứa củi. Sau khi thỏa mãn, ông ta lấy thanh củi đang cháy dở trong bếp dí vào mặt mẹ. Đêm ấy tỉnh lại, mẹ đau đớn tột cùng nên bỏ nhà chủ ra đi khi vầng đông còn chưa rạng. Mẹ nào ngờ, lúc ấy mẹ đã có tôi. Và bàn chân mẹ sau bao ngày vất vả làm thuê làm mướn đã chọn bến đỗ nơi vùng quê có bố. Cảm thương hoàn cảnh người phụ nữ tốt bụng nhưng kém may mắn, bố tôi đã cưới mẹ về làm vợ. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, vài năm sau bố bị cảm rồi ra đi đột ngột. Những tháng ngày sau ấy, mẹ mang tiếng là người đàn bà sát chồng. Bà nội ban đầu yêu thương mẹ là thế nhưng khi biết tôi không phải máu mủ ruột già đã đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Vậy là mẹ tủi hờn ôm tôi đi biệt xứ…
Mẹ về từ lúc nào đang đăm đắm nhìn tôi, ánh mắt buồn rười rượi. Tôi ào đến bên mẹ, khóc rưng rức:
- Mẹ ơi, sao mẹ lại giấu con về bố!
Mẹ lấy gáo múc nước rửa mặt, che đi sự nghẹn ngào:
- Chuyện đã qua cả rồi. Đi làm cua nấu cơm thôi con!
Tôi gục vào lòng mẹ: Mẹ ơi, con hứa với mẹ từ giờ sẽ không làm mẹ buồn nữa! Con mong mẹ đừng khóc một lần nào nữa. Những tháng ngày sau này mẹ con ta chỉ cười vui hạnh phúc thôi mẹ nhé!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin