Cuối tháng 11, tàn Thu, tưởng Đông về với những cơn gió mùa buốt giá, nhưng không, năm nay rét muộn, hình như Đông mới chỉ ló mặt để mùa biết đến sự hiện diện của mình rồi lại tiếp mạch rong chơi. Thế nên người ta cảm giác Thu chưa hẳn tàn phai, Thu dùng dằng đâu đây bởi hoa sữa - biểu tượng của mùa Thu vẫn nồng nàn trên phố.
Chẳng ai biết vì sao loài hoa ấy lại có tên là hoa sữa. Trong dân gian hoa sữa còn được gọi với nhiều tên khác như: Cây mò cua, mồng cua… Nó thuộc chi hoa sữa, sống ở vùng nhiệt đới, có tên khoa học là Alstonia Scholaris. Phải chăng nguồn gốc của cái tên hoa sữa chính là vì loại cây này có nhựa màu trắng giống như sữa và hương thơm nồng nàn.
Một câu chuyện về hoa sữa được truyền lại như thế này, có một cô gái yêu tha thiết một chàng trai nhưng chỉ dám gửi tình vào cây bởi cuộc đời cô và anh còn quá nhiều ngang trái, không đến được với nhau. Đau đớn và buồn tủi, linh hồn cô đã dời bỏ trần gian để tìm đến nương náu trong thân cây trước nhà chàng. Cây này chưa bao giờ nở hoa, nhưng cảm động về tình yêu của cô gái nên kể từ ấy, cứ mỗi độ Thu sang, cây lại rộ bông, cây không có mùa trút lá, nên vòm lá vẫn giữ mãi màu xanh bốn mùa như gìn giữ mối tình thầm lặng. Những bông hoa trắng tinh khôi nở rộ và ngát hương kỳ lạ như tâm hồn người thiếu nữ…
Bởi thế người ta thường gọi hoa sữa là loài hoa của những câu chuyện chưa kể, của những mối tình dang dở, những mảnh ghép chưa vẹn cứ mải miết đi tìm nhau. Có cả những nỗi đau khe khẽ mang theo suốt cuộc đời.
Phải chăng vì lẽ đó mà mùa Thu thường man mác buồn. Phải chăng vì thế mà nhạc sĩ Hồng Đăng đã có những lời hát đầy khắc khoải: “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em”.
Phải rồi, hoa sữa vẫn ngọt ngào…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin