Nhà bà Xoong ở đầu làng Chèm nên hễ mở cửa ra trông con bò buộc chuông leng keng thả bên bờ kênh có thể thấy đủ người qua kẻ lại. Bà đã ngoài bảy mươi tuổi, sống cùng cô Sang bị tật về mắt không lập gia đình. Chồng đuổi bà đi từ hồi cô Sang còn đỏ hỏn, dù đã cố gắng kiếm thêm một anh con trai nhưng khi đã lo yên bề gia thất, nó quay sang từ mặt bà và sống sung túc dưới thành phố cho đến khi bị tai nạn xe qua đời.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Thằng cháu đích tôn nghe ngóng biết tin bà nội có nhiều đất, lâu lâu nó kéo theo một đám đầu trâu mặt ngựa lên ngồi lỳ ở nhà bà cả buổi để cằn nhằn việc bà về ở với nó rồi sang tên những thửa đất màu mỡ người ta nhòm ngó hứng đền bù, bà vác gậy ra đuổi và chửi thành bài ca đến lũ trẻ chăn trâu ở khu mả lạng còn thuộc làu. Sợ con cái mình sinh hư, nhiều người trong làng Chèm đã cấm lũ trẻ không được bén mảng đến gần nhà của bà Xoong. Bà buồn lắm, thường than thở:
- Cha bố chúng nó, việc nhỏ việc to người ta biết hỏi thân già này vậy mà chúng lại coi tao như mả hủi. Thôi, không sang tao càng đỡ đồng quà tấm mía.
Chuyện nhà người làng trên xóm dưới, hai mẹ con bà Xoong đều tỏ tường nên bô lô hết chuyện bất bình, thế nên nhiều kẻ theo phe phái không ưa mẹ con bà. Không ưa thì dưa có dòi, ngay cả các cụ thượng trong làng cũng từ chối nhận phẩm lễ của bà Xoong ra chùa cúng Phật. Niềm tin của người đàn bà chẳng còn được mấy hơi cũng đã bị đánh đòn hội đồng. Lần đầu tiên, người ta thấy bà khóc. Miệng méo xệch sang một bên. Ở hai khoé mắt nhăn nhúm nếp gấp của nắng mưa, hai dòng nước đục chảy xuống ướt ngực áo bà ba đã bạc. Tay bà run run cắp thúng oản với nải chuối tiêu đã dậy màu trứng cuốc còng lưng đi trong nắng quái. Bọn trẻ con nuốt nước bọt, lẽo đẽo theo sau, từng đứa đùn đẩy nhau đến xin nhưng chẳng đứa nào dám.
Có mấy chị nàng dâu mới thường hay đến nhà bà để mua cân bồ kết với chùm kê về đun nước tắm khi thấy những nốt mẩn ngứa bắt đầu nổi lên trên má của con mình. Thế nhưng, họ cũng sợ cái nguýt dài của mẹ chồng đành rời nhà bà đi sớm, chưa kịp để cho bà Xoong gợi chuyện buôn dưa.
Mấy hôm nay, trời trở dạ, cô Sang sốt, hàm răng sâu tự dưng sưng vù lên. Bà Xoong cắp cái gậy sau lưng, đi gọi cửa từng nhà nhờ cánh trai khoẻ chở một cuốc vào bệnh viện. Mặc người già van vỉ, ỉ ôi, đáp lại chỉ có cái lắc đầu nguây nguẩy. Cái Ngoan - cháu họ xa đang ngồi tán gẫu với cánh thợ hồ trong quán nước hấp háy con mắt nghe thủng câu chuyện từ đời nào vẫn giả bộ tỉnh queo hỏi chuyện. Nó cho bà Xoong ngồi quắp sau xe máy, khư khư ôm cây gậy xé gió đi về nhà, đánh điện gọi chuyến taxi đưa cả hai mẹ con bà lên bệnh viện huyện. Từ đó, chuyện đồng quà tấm bánh hay bát gạo nếp, nắm xôi đều thơm như tấm lòng cái Ngoan. Có cụ nguýt dài: "Ôi dào, mới hôm nào bà bới tận tổ tông bảy đời nhà nó lên để chửi, giờ lại coi nó như thánh sống, thật thà chẳng phải con Ngoan".
Kệ hết ngoài tai, chỉ cần ai nhắc đến cái Ngoan là bà Xoong bảo vệ hết mình. Bà đem tiền tích cóp được nhờ nó làm cho cái hợp đồng bảo hiểm thân thể cả hai mẹ con, cô Sang không biết chữ thì điểm chỉ. Còn đất cát, bà dự tính sau này mình yếu quá sẽ thảo một tờ cam kết, có chính quyền xác nhận hẳn hoi, nếu cái Ngoan bảo đảm cuộc sống yên ổn cho cô Sang và hương khói cho mình thì mọi thứ là của nó tất. Đương nhiên chuyện này, cả làng Chèm đều biết. Thằng cháu đích tôn mới nghe thế đã rủ mẹ nó lên quấy vài buổi tợn, công an xuống gọi lên đồn xử một trận mới im. Bà Xoong vẫn là hộ nghèo bền vững. Trong cuộc họp bình xét cuối năm, nhiều ý kiến đưa ra:
- Chúng ta cho bà ra khỏi hộ nghèo thôi.
- Ồ, con bà bị khuyết tật, bản thân hơn bảy mươi tuổi, nhà ba mươi mét vuông, không ti vi, không điện thoại, chỉ nghe đài, uống nước giếng khơi, ngày ngày đi bộ, không tủ lạnh, đun nước ấm tắm, tháng hơn chục số điện,...
- Bà có vàng cho vay lãi kìa!
- Kệ, bà chỉ ăn lạc, ăn khoai, chè kê, thỉnh thoảng đánh con cá dưới ao, mua vài lạng thịt, mỗi năm, bà bán bê con mua vàng, cho vay lấy vài đồng lãi ăn trầu vỏ, làm gì nhau?
- Đất đai bà nhiều, bà cắt dần cho chị Ngoan hết.
- Ông tiếc thì đi mà mua.
Đấy, đời là thế. Sống thôi cũng khó vừa lòng miệng lưỡi thế gian. Bà Xoong cảm thấy mình là người chiến thắng, ra khỏi nhà văn hóa, bước vội vàng quàng phải cành tre toạc mất ống quần đến đầu gối. Đời cứ trương cái mặt ra đường, sợ gì lạc lối nhà ai mà xin xỏ? Bà về lấy kim chỉ ra khâu, qua cặp kính lão mà lỗ xỏ vẫn nhòe nhoẹt. Cái Sang bưng nồi cháo kê từ bếp lên nhà để ăn trưa, vấp phải con chó con đổ kềnh ngoài sân, nó chửi um lên với con chó con bị đau sủa ăng ẳng.
Mấy hôm nay, bà nghe đài, thấy bao vụ nộp bảo hiểm nhân thọ không đòi được tiền đã nộp, bà chột dạ, bấm đầu ngón tay, giật mình thấy đã quá hơn bảy năm chưa thấy tăm hơi. Nhờ người gọi một cuộc cho cái Ngoan thì nó gắt đang bận công việc ở trên thành phố. Bà ra ngoài hiên, chống tay vào cột để duỗi cái lưng còng cho đỡ mỏi, mưa ở đâu đổ xuống ràn rạt, đàn gà con nhớn nhác tìm chỗ náu. Có con đâm quàng vào hàng rào. Bà chợt nhận ra cái khoảng đất mênh mang trước sân kéo dài ra sát bờ đập bây giờ đã bị cái Ngoan dựng hàng rào đến tận đầu hồi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin