Giỏ cua của mẹ

Truyện ngắn của Yến Nhung 16:50, 24/09/2023

Từ khi còn bé, tôi đã tỏ ra là một cô con gái nghịch ngợm và xấu tính hơn hẳn so với bà chị hiền lành đến mức ngô nghê của mình. Mẹ lúc nào cũng phải trợn mắt hết cỡ với tôi vì những “thành tích bất hủ” của cô con gái tám tuổi - người thì quắt queo, tóc thì ngắn cũn cỡn, mắt thì to và bộ răng cửa mới gãy được một cái.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Một chiều, mẹ và chị đi cấy. Mẹ gọi tôi dậy, dặn tôi ở nhà học bài và giao thêm việc làm cua bóc mai để tối về mẹ nấu canh. Tôi đã vâng mẹ rất to nhưng lại quên rất nhanh nên đã rủ cái Lam sang nhà chơi cả buổi. Hai đứa kết thúc cuộc chơi bằng một trận đánh nhau đỏ mặt tía tai. Nó bỏ tôi lại với quyển sách Tiếng Việt đã rách ba tờ liền nhau chỉ vì hai đứa đã gắng hết sức giằng giật.

Chiều hôm ấy, trời bỗng đổ mưa. Chị chạy mưa về trước. Mẹ còn đắp bờ ruộng về sau. Thấy tôi nằm thừ trên giường, ôm quyển sách, chị ngó vào rồi hỏi:

- Gái lười, không học mà ngủ hả?

Tôi liếc chị, không đáp. Chị nhoẻn cười. Chẳng biết là tôi đang lo thế nào. Mẹ đã về. Thấy cuốn sách của tôi tả tơi trong lòng, mẹ ngồi nhìn với ánh mắt mệt nhoài. Rồi, mẹ bỏ ra ngoài bờ giếng, và thấy mẹ kêu toáng lên:

- Hoa. Cua nhà mình đâu hết rồi, hả?

Tôi giật mình, nhỏm dậy. Thôi chết rồi, lúc cái Lam sang chơi, tôi đã gỡ giỏ cua mẹ treo trên cành cây bưởi xuống khoe. Tôi đã đậy nắp lại không chặt và mở đường cho lũ cua bé nhỏ trốn thoát. Mẹ nghẹn ngào, không nói nên lời. Tội chồng tội trong một buổi chiều, thì hỏi ai có thể chịu đựng được.

Bữa cơm tối hôm đó, không có món canh cua, khiến tôi biết buồn. Lần đầu tiên, tôi biết lỗi bởi cái giỏ cua trống hoác. Tôi không ăn được miếng cơm nào, lẳng lặng vào trong giường, nằm ôm cuốn sách và nước mắt khẽ rơi.

Tôi mệt nên thiêm thiếp ngủ. Đến khi bụng tôi réo lục bục như thùng vôi bắt đầu tôi thì mở mắt choàng tỉnh. Quyển sách tôi ôm trên tay cũng không còn. Bên bàn, mẹ vẫn đang ngồi cặm cụi khâu khâu, vá vá cái gì đó. Hóa ra, mẹ mượn sách của em Thắng về ngồi vẽ lại từng trang tập đọc và dùng kim khâu lại cho tôi. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi có một cuốn sách xấu xí nhưng lại biết trân trọng nó.

                                                         ***

Thế giới của tôi, là những cành cây cao để tôi bắt những tổ chim và hấp dẫn hơn nữa là chọc những tổ ong. Mẹ chuyển sang phương án cho tôi đi ra đồng làm cùng chứ không để ở nhà nữa. Nhưng mọi thứ còn tệ hơn, khi mà tôi khoẻ nghịch là thế nhưng lại chóng say nắng và hay gió cảm khi gặp mưa. Chắc là ông trời đã sắp đặt sẵn cho tôi ngồi mát ăn bát vàng và chỉ việc làm những gì theo ý mình thích.

Mọi thứ trong tôi thay đổi, khi bố tôi đi làm ăn xa, bị cảm đột ngột và qua đời. Đó là một cú sốc lớn với gia đình tôi. Mẹ tôi gầy rộc đi trông thấy. Chị tôi vốn hiền, ít nói giờ lại còn ít nói hơn trước. Còn tôi bỗng nhìn ra có những thứ gọi là kỷ niệm thật buồn lồng ghép trong những trò bắt chim, trèo cây,…rộn ràng kia. Và cũng từ khi đó, mẹ không phải dạy tôi bằng những chiếc roi nữa.

Bố tôi mất, mẹ càng vất vả hơn với công việc đồng ruộng và nuôi hai đứa con, nên mẹ tôi phải gửi chị cho lên ở với nhà bác để ăn học. Mẹ hay đi bắt cua bán cho các nhà hàng trên phố huyện. Rảnh rỗi, tôi cũng theo mẹ ra đồng bắt cua. Đêm về, tôi nhấm nháp những vết xước lỗ chỗ trên tay mình và biết thương mẹ nhiều hơn.

                                                   ***

Cuộc sống thật không đơn giản từ khi bố tôi ra đi. Tôi hiểu những vất vả của mẹ, nhưng ở cái tuổi bắt đầu lên mười tôi chưa thể hiểu được sâu sắc chuyện của người lớn, cho nên khi một người đàn ông nữa bước vào cuộc đời mẹ thì tôi đã không còn giữ nổi bình tĩnh. Mẹ yêu ông giáo viên trong xóm. Tôi bắt đầu ghen tức trong suy nghĩ: “Mình không bằng người đàn ông của mẹ để có thể bảo vệ cho mẹ đến suốt đời”.

Tối, mẹ đi soi cua. Tôi ngồi viết thư kể cho chị về chuyện tình yêu của mẹ. Hôm đó, mẹ về sớm và phát hiện ra lá thư viết dở vì hết mực trong lúc tôi đi sang nhà Lam mượn bút. Nhưng tôi vẫn dỗi mẹ:

- Con không muốn mẹ lấy ông giáo.

- Ông giáo là người tốt… - Mẹ nhẹ nhàng với tôi.

- Không. Mẹ chẳng thương con nữa. - Tôi hét lên với mẹ.

Giận mẹ quá, tôi cầm cuốn sách giáo khoa Toán xé tung lên và vứt nó vào góc nhà. Tôi chạy nhanh ra cửa. Ra sân tôi đá phải cái giỏ cua của mẹ, nó bật nắp. Lũ cua lạo xạo tìm đường chạy đi. Tôi kệ. Tôi ghét lũ cua ấy. Nó làm mẹ tôi phải đi sớm về khuya. Nó làm ông giáo thương mẹ. Tôi nói to với chúng:

- Đi hết đi. Mẹ không thương đâu mà ở.

Tôi chạy sang nhà bà ngoại trong đêm. Thấy tiếng mẹ gọi theo, đứt đoạn và tim tôi khi ấy biết đau đến nghẹt thở nhưng tôi không dừng chạy. Tôi ở với bà ngoại. Mẹ gửi cho tôi cuốn sách giáo khoa môn Toán mới. Nhưng tôi không thích. Hay tôi chỉ muốn trở lại như ngày nào để mẹ ngồi khâu lại cho tôi. Mẹ sang đón về, nhưng tôi không nghe. Tôi ở với bà cùng với những ích kỷ tuổi mình. Nếu mẹ lấy ông giáo, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mẹ.

Chiều, bà ngoại mang một giỏ cua về, nói là thèm ăn canh cua. Tôi miễn cưỡng làm cùng bà. Chẳng ngờ, người bị cua cắp, không phải là tôi mà là bà ngoại. Tôi nhảy chồm chồm ra vại, nước trong vại hết, tôi cuống cuồng thả dây gàu múc nước giếng lên, nhúng tay bà xuống. Con cua chịu nhả tay bà ra. Tay bà chảy máu, nhưng chảy chậm rãi như là khoé mắt bà từ từ hoen nước:

- Mẹ con khổ tâm lắm. Nghe bà.

Tôi quay vội vào nhà tìm bông băng nhưng mắt tôi nhòa đi không tìm thấy gì cả. Tôi như đang nhìn thấy tấm lưng phải chịu phơi nắng, chịu ngang dọc của mẹ như con cua kia, để mà sống, để mà bươn chải để nuôi dạy chúng tôi khôn lớn. Đôi tay mẹ đã cứng như cái càng của nó để có thể bảo vệ cho chị em tôi, để làm tất cả mọi việc dù là nhỏ nhặt cho tôi, để khâu sách cho tôi, nấu cho chị em tôi những bữa canh ngon lành,...

Sao giờ phút ấy, tôi lại muốn chạy về nhà với mẹ đến vậy…


Từ khóa:

Giỏ cua của mẹ