Tình yêu biển đảo

Truyện ngắn của Phạm Khánh Duy 10:42, 17/09/2023

Tiếng trống trường đã vang lên một hồi dài nhưng cô giáo Ngân vẫn còn hăng say giảng bài. Giọng cô lảnh lót như chim hót:  - Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma/Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn/Để một lần Tổ quốc được sinh ra/Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm/ Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/Phút cuối cùng đảo đá hoá biên cương…”.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Cô ngừng lại, nghẹn ngào không thể đọc trọn vẹn khổ thơ của tác giả Nguyễn Việt Chiến, trong một bài thơ viết về biển cả Tổ quốc mình.

- Cô đọc tiếp đi, cô Ngân! - Lớp trưởng đứng dậy, lễ phép thúc giục.

Không để học trò đợi lâu, Ngân đọc tiếp cho đến khi kết thúc bài thơ. Bên ngoài nắng ấm lan dần.

                                                                     ***

Rất nhiều lần Ngân đã nói về Trường Sa, về vùng biển đất nước mình cho học trò nghe. Ngân nhấn mạnh với đám học trò rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Mãi mãi thuộc về Việt Nam!”. Đám học trò vỗ tay vang dậy. Chúng nó cũng đủ lớn để hiểu rằng, để giữ vùng biển trời thiêng liêng ấy, ông cha ta đã không ít lần đối mặt với quân thù, hy sinh xương máu, hoá thân mình vào biển mình, hồn mình hoà thành hồn thiêng biển đảo quê hương. Và Ngân yêu biển cũng vì nơi đó có người Ngân yêu thương. Ngày đó, Ngân cũng định ra đảo dạy học, nhưng Đoàn khuyên:

- Em là con gái, ra đảo sẽ rất vất vả. Đó là em chưa hình dung cuộc sống ngoài ấy cơ cực, thiên nhiên khắc nghiệt thế nào mới nghĩ rằng mọi việc là giản đơn.

Ngân cúi mặt, thoáng buồn. Mẹ cũng không ủng hộ việc Ngân ra đảo xa để dạy học. Con người ta có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu Tổ quốc.

Lần ấy, Đoàn nhận được quyết định ra đảo.

 - Ngân này, em có muốn anh ở lại đất liền không? Nếu em muốn, anh sẽ xin thủ trưởng được ở lại đất liền công tác, để vị trí ấy cho người khác.

Cô suy nghĩ một lúc lâu. Cát trắng lấp lánh trong màn đêm huyền diệu. Sóng nhấp nhô ngoài khơi. Ngày kia, ở bến cảng đằng xa kia, con tàu sẽ băng băng tiến về biển Đông, ra đảo xa, nơi có cây bàng vuông, cây phong ba, bão táp và đàn chim hải âu trập trùng trên đầu ngọn sóng. Con tàu sẽ mang Đoàn về với đảo, để Ngân trong những thương nhớ, đợi chờ.

Và rồi Ngân thì thầm bên tai Đoàn:  - Anh đi ra đảo, có dịp em sẽ ra thăm anh. Anh yên tâm, thỉnh thoảng em sẽ sang nhà thăm hai bác.

Đoàn thầm cảm ơn tấm lòng bao dung, độ lượng của Ngân.

- Em không sợ anh đi luôn hay sao? - Đoàn nhìn sâu vào mắt Ngân.

Ngân đặt tay lên môi anh “suỵt”, ra hiệu anh đừng nói gì thêm nữa.

- Mỗi khi nghĩ về anh, em sẽ nghĩ về biển cả. Anh, biển và đảo xa từ đây sẽ là một phương, một hướng để em nhìn về.

Đoàn đan chặt tay Ngân. Sóng biển êm ả. Những con sóng khẽ vỗ vào bờ cát, làm ướt mềm đụn cát dưới chân hai người. Họ cùng nhau đi trên biển, nghe tiếng biển thở, ngửi thấy mùi nồng nàn của đại dương thăm thẳm.

                                                                       ****

Năm ngoái, Ngân may mắn được một vé ra đảo cùng với Đoàn công tác. Chuyến đi ý nghĩa và đầy cảm xúc. Trên hết là Ngân được gặp Đoàn, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh sống và làm việc của người mình yêu mà không cần phải tưởng tượng qua lời kể của Đoàn hay xem qua những tấm ảnh anh gửi về đất liền.

Khi đi ngang qua mái trường tiểu học có tên của một hòn đảo: Sinh Tồn, dưới tán bàng vuông mát rượi trong cái nắng gay gắt giữa trùng khơi, Ngân đã nghe được tiếng trẻ con bi bô tập đọc, tiếng Đoàn trầm ấm vang lên hoà cùng tiếng sóng ì oạp ngoài kia. Ngân dừng lại, im lặng đến nỗi nghe được cả âm thanh viên phấn cọ vào bảng đen và từ đó những dòng chữ ngay ngắn, thẳng tắp hiện ra trên mặt bảng. “Trường Sa”, “Việt Nam” - Đoàn đã viết như thế!

Chuyến đi ấy, Ngân sẽ chẳng bao giờ quên. Ngân cứ nhớ mãi ngày Đoàn tiễn Ngân ra bến cảng, cùng với bao đồng chí nữa, Ngân đã bật khóc. Đoàn hái tặng Ngân ít trái bàng vuông gói trong giấy bóng kính, cùng lá thư Đoàn viết, cuối thư có dòng chữ: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”.

Tàu rời bến cảng, Ngân đứng trên boong tàu vẫy tay về phía đảo, thoáng thấy bóng Đoàn lặng nhìn theo Ngân cho đến khi con tàu xa tít. Cuộc đời là những lần tiễn đưa nhau, và sẽ gặp lại nhau trong những điều tuyệt vời nhất. Đoàn và Ngân, cả hai đều có niềm tin vào những cuộc gặp lại, niềm tin vào tình yêu lâu bền. Ngân và Đoàn yêu nhau cũng như họ đã dành cho đất nước một tình yêu son sắt không phai. Tình yêu lứa đôi đã hoà cùng tình yêu Tổ quốc, mãnh liệt và nhân hậu vô cùng.

Tình yêu của họ có biển làm chứng.

                                                                         ***

- Cô Ngân kể về biển đảo, về Trường Sa cho chúng em nghe với!

Lớp trưởng đề xuất trong buổi sinh hoạt lớp cuối tuần, cả lớp vỗ tay rần rần. Ngân gật đầu đồng ý. Cô đứng trên bục giảng, mắt long lanh. Đám học trò dõi theo từng nhịp bước của Ngân. Cô kể về biển Đông. Qua lời kể của cô là những năm tháng hào hùng cha ông ta đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ biển trời quê hương. Đó là ngày những chiến sĩ trên đảo đá Gạc Ma đã lấy thân mình làm lá chắn, kết thành vòng tròn bất tử để lá cờ Tổ quốc bay lên muôn đời.

Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió, đảo đá chỉ những loài cây như bàng vuông, phong ba, bão táp mới trụ nổi, nơi đó có những người ngày đêm lặng thầm cống hiến cho Tổ quốc. Và nơi đó còn có tình yêu to lớn của Ngân… Trường Sa là như thế! Vùng hải đảo máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

 - “… Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu/Sóng quặn đỏ máu những người đã mất/Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam…”

Những câu thơ của Nguyễn Phan Quế Mai được phổ nhạc lại vang lên trên môi của Ngân. Tự dưng Ngân thấy mắt mình cay xè. Đám học trò cũng rưng rưng nước mắt. Ngân biết rằng, trong số những cô cậu hồn nhiên ngồi ở bên dưới, có đứa đã từng đặt chân đến bờ cát nghe tiếng biển xôn xao, có đứa chưa từng đến biển, chỉ hình dung mà thôi. Nhưng có bao nhiêu trái tim ở đây là có bấy nhiêu tình yêu biển đảo.

Còn đêm nay, Ngân ngồi đây nghĩ về anh và biển quê mình.