Phóng sinh

Truyện ngắn của Trần Giáp 10:27, 01/10/2023

Lễ phóng sinh diễn ra trên bờ sông. Những lồng chim, chậu cá, rổ cua, ốc bầy rải rác. Những đôi mắt hướng xuống dòng sông chờ đàn cá lờ đờ thoát ra từ xô, chậu, túi bóng. Những ánh mắt hướng lên trời cao chờ những cánh chim lảo đảo thoát ra từ những cửa lồng.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Hồi hộp. Bồn chồn. Bao nhiêu lời nguyện cầu mong ước về sức khỏe, tiền bạc, danh lợi gửi cả vào những lồng chim, chậu cá… Người người hân hoan khoe nhau về lòng từ bi của mình, rỉ tai nhau về cái giá của sự từ bi mà mình mua được từ những thợ bẫy chim, vớt cá.

Cá trong chậu chen chúc lờ đờ, chim trong lồng xác xơ lông rụng, tấm tức hỏi nhau vì sao đang tự do dưới nước, đang thênh thang trên trời thì bị loài người bắt nhốt để phóng sinh!

Phía dưới khúc sông có một chiếc thuyền nhỏ. Trên thuyền có người đàn ông gầy mặc áo phao, cầm cái vợt có gắn dây điện, mặt gã lầm lì khó hiểu, miệng gã nhếch lên để lộ hàm răng ám khói…

Giữa đám chúng sinh ồn ã bên bờ sông ấy, thấp thoáng có bóng nhà sư áo vàng lọt thỏm, mắt nhắm hờ, tay nhịp nhịp đều tiếng mõ cốc cốc, tiếng niệm A di đà phật chìm nghỉm trong ồn ã xô bồ của lễ phóng sinh.

                                                                 ***

Trong một chậu cá nhỏ, chị cá vàng vác cái bụng to tướng lặc lè, miệng hớp hớp đứt đoạn vì thiếu ô xy, bên cạnh là một anh cá đực (chắc có ít nhiều kinh nghiệm qua vài lần bị phóng sinh vớt lên thả xuống) căn dặn chị bụng trứng: “Xuống nước nhớ đóng mang, khép miệng, thở từ từ thôi để làm quen với nước mới, kẻo sốc là chết đấy!”. Một thằng cá choai mình dài nhỏng quẫy đuôi, nước bắn văng tung tóe ngứa miệng chen ngang: “Nước nào mà chả là nước, sắp được ra sông lớn rồi, ha ha!”…

Cái chậu cá được một đôi tay người nghiêng từ từ xuống sông, thằng cá choai chưa trải sự đời, hung hăng quẫy mạnh đuôi vọt thẳng xuống nước, nó khoái trá há to mồm, mở rộng đôi mang… thoáng chốc đôi mang đỏ hồng đang phập phồng chuyển sang màu xám, thằng cá ranh chưa trải sự đời há miệng hớp hớp, thân nó giật giật quay tròn, bụng ngửa tênh hênh, lềnh phềnh trên mặt sông...

Chị cá bụng trứng trườn khỏi chậu, cố khép mang khép miệng theo lời anh cá đực, từ từ làm quen với nhiệt độ nước sông, nhưng cái bụng trứng chứa cả ngàn sinh linh trong bụng đòi hỏi nhiều ô xy quá khiến chị ngợp thở. Chị há to mồm hớp hớp, đôi mang đỏ hồng dần tím sẫm lại. Phút chốc, cái bụng kềnh càng trứng của chị lật ngửa lềnh phềnh… Còn lại anh cá đực dạn dày kinh nghiệm qua vài lần phóng sinh, khôn khéo khép mang, ngậm miệng, từ từ thả mình trôi theo dòng nước… Trên bờ, những tiếng A di đà phật lại vang lên lẫn vào tiếng mõ cốc cốc.

Ở một góc sông, có tiếng trẻ con reo lên: “A, con rùa, con rùa!”. Một lão rùa già với cái mai mốc thếch, vằn vện những kí tự cổ, đang được đưa về phía mặt nước bởi một đôi tay người.

Lão rùa già giãy giụa, nước mênh mông phía dưới. Lão gào lên bằng cái giọng kẻ cả của bậc lão làng mà chỉ có giống loài nhà lão và Trời Phật mới hiểu được: “Khoan... Ê, khoan bay ơi… Tao là rùa núi, tao sống ở trên núi! Khoan… Chết tao! Tõm! Lão sặc sụa, bốn cái chân ngắn tũn chấp chới. Lão cố rướn cái cổ lên trên mặt nước để thở, bên cạnh lão nổi lều bều những cái bụng cá nhờ nhờ trắng. Lão định quay đầu trèo lên bờ, nhưng lại vội vàng bơi ra.

Trên bờ đông nghịt người, có cả những tiếng vỗ tay lẹt đẹt chúc mừng lão rùa núi được phóng sinh xuống nước. Lão nín hơi nổi lềnh bềnh, cùng đám cá sống sót ít ỏi thoát dần khỏi đám người đang ầm ĩ, cả đám lờ đờ trôi xuống cuối dòng sông.

Lão rùa khoan khoái thở phào, một chút nữa thôi lão sẽ vào được đến bờ, lão sẽ leo lên bờ tìm đường lên núi, nơi lãnh địa muôn năm của lão. Lão ngóc đầu lên mặt nước, đớp thêm một ngụm không khí lớn để lấy đà lặn vào bờ. Chợt trước mặt xuất hiện thuyền câu chờ sẵn, cái sào dài đầu có gắn cái vợt thò xuống trước mặt lão. Rùa già giật nảy lên vì dòng điện được kích từ ắc quy, cái mai mốc thếch vằn vện những chữ nho lật úp, trước lúc ngửa bụng lên trời, lão vẫn kịp nhìn thấy cái mặt người trên thuyền toang hoác một điệu cười khoái trá...

Nhà sư áo vàng trên bờ cúi xuống gõ mõ cốc cốc. Tiếng mõ xua tan đi u mê? Hay tiếng mõ làm đắm chìm chúng sinh trong mê muội? Tiếng mõ vô tri. Phóng sinh hay sát sinh, u mê hay thức tỉnh là do chúng sinh đang tự tìm về! Mắt nhà sư nhắm lại, miệng lầm rầm A di đà phật…

Dưới tàn cây cạnh bờ sông, những chiếc lồng nhốt những con chim được gom dần gần một tuần trước, từ những tay thợ bẫy chim. Bên trong lồng túm tụm đủ loại chim đang nhao nhác, những đôi cánh tù túng, xơ xác cùng chung nỗi nhớ cây, nhớ rừng. Có cả những đôi chim bố mẹ nhớ con.

Một đôi vợ chồng chim đang đứng ngơ ngác trong chiếc lồng, chim bố quay sang chim mẹ: “Hình như cửa lồng sắp mở...”. Chim mẹ vội cúi xuống máng cám, ngậm đầy một mỏ thức ăn. Một lúc nữa thôi, có thể chúng sẽ được quay về tổ với những con chim non mới nở… Có bàn tay người từ từ tháo chốt cài cửa lồng, đôi chim bố mẹ háo hức… Cánh cửa lồng bật tung, tiếng người reo hò náo nức, những điều cầu ước ẩn trong câu niệm Phật theo những cánh chim lảo đảo bay lên trời xanh. Thoáng chốc chỉ còn lại những chiếc lồng trống không cùng vài con chim kiệt sức hoặc bị cắt cánh, cắt đuôi rơi xuống tại chỗ…

Đôi chim bố, mẹ ngậm đầy mỏ những hạt cám, bay theo bản năng về tổ cũ, nơi có những đứa con đỏ hỏn đang đợi chúng đã gần một tuần. Đường bay xa lắc rã rời đôi cánh. Rồi cũng đến nơi có cái tổ chim nằm trên cành cây thân thuộc, chim bố mẹ sà xuống đậu trên thành tổ…

Chim mẹ ngơ ngác há mỏ, những hạt cám vụn bết nước bọt qua chặng đường xa rơi lả tả trên xác những con chim non trong cái tổ kết bằng cỏ khô… Chim bố ngửa cổ kêu lên một tràng những tiếng khàn khàn thống thiết…

Tổ chim ở trong rừng. Rừng ở một nơi rất xa!

Đôi chim bố mẹ vừa được phóng sinh không nghe thấy những tiếng mõ cốc cốc và tiếng niệm A di đà phật!

Tiếng chim khản đặc bên xác những chim con cũng không vang được tới bờ sông, nơi con người đang làm lễ phóng sinh.


Từ khóa:

Phóng sinh


xem thần số học miễn phí