Những cành đào như những cánh tay khổng lồ vươn trên mái nhà của ông Sùng và bà con người Mông bản Phiêng Ang. Cánh đào bung đỏ trong sương sớm tạo nên một vẻ đẹp hiếm có tô thắm một góc trời. Các ngả đường vùng cao, đào đang lần lượt được chuyển về xuôi.
Ông Sùng biết Tết đang đến rất gần và bao giờ ông cũng thốt lên một câu:
- Ây dà. Bố biết mình sai rồi các con à.
Bà con trong vùng ai cũng biết nhà ông Sùng có nhiều nương đào. Nhờ bán đào mà ông mua được trâu, bò và có cả tiền ủng hộ người nghèo neo đơn trong xã. Riêng một nương đào có đến trăm cây đào cổ thụ, tuổi đời hơn ba mươi năm, ông không bao giờ chịu bán. Dù lái thương dưới xuôi trả giá rất cao. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này ông lại ra nương đào cổ thụ ngồi. Ông lặng lẽ ngắm những cây đào già mốc meo, hoa đỏ thắm. Sự tương phản giữa những cánh hoa mỏng manh cùng với sự khô cứng của thân cây và sự trơ cằn của đá xám làm nên vẻ đẹp hoang sơ đậm chất vùng núi cao khiến kỷ niệm vui buồn lại ùa về trong ông.
(Ảnh minh họa) |
***
Cách đây nhiều năm, trên địa bàn quê ông Sùng, ở đâu có người Mông sinh sống là ở đó có cây anh túc. Vào tháng chín nhà ông cũng bắt đầu trồng anh túc cho đến tháng ba năm sau thu hoạch. Những hạt anh túc được vãi trên đồi, khắp các thung lũng núi đá... Quê ông bạt ngàn màu tím ngắt của hoa anh túc. Và như một lẽ tự nhiên, bản ông nhà nào cũng sắm một bàn đèn hút thuốc phiện. Đến nhà nhau chơi mà không có thuốc phiện hút thì câu chuyện mất vui. Bố ông Sùng hút, ông hút, con trai ông hút. Bà vợ ông khi sinh con A Mềnh bị đau bụng ông cũng nướng một tý thuốc phiện cho vợ nuốt để giảm đau… Cứ thế, cây thuốc phiện ăn sâu, bén rễ vào đời sống của gia đình ông và người dân ở Phiêng Ang.
Cũng không rõ từ lúc nào, quê ông đói kém, lạc hậu và bao hệ lụy do cây anh túc gây ra. Ngoài một phần được nhập để chế biến dược liệu, thì cuộc sống bản làng vẫn khó khăn, những ngôi nhà vẫn “trống huơ trống hoác”, tỷ lệ người nghiện gia tăng. Căn nhà nhỏ xiêu vẹo của ông, mùa Đông gió rít lên từng hồi như muốn nhổ tung mấy cây cột…
Ông Sùng còn nhớ, vào đầu năm 1990, A Mềnh - con gái ông đi sinh hoạt Đoàn thanh niên ở bản bên về nói:
- Bố à, nhà mình không trồng cây anh túc nữa. Nhà nước cấm rồi.
Ông quát:
- Cái tai mày nghe ai nói, có phải cái thằng Đặng Hồ bản bên dụ dỗ không? Tao không nghe, bao đời nay người Mông vẫn trồng mà. Quen việc, quen tay rồi.
Thực tình ông cũng đã nghe bà con trong bản rỉ tai nhau: Cán bộ xã đang cho người xuống các bản vận động bà con phá bỏ cây anh túc. Cái chân của con A Mềnh cũng đã theo thằng Đặng Hồ đi khắp bản làng, nương rẫy để vận động bà con bỏ cây anh túc sang trồng loại cây khác theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhưng ông và nhiều người bàn nhau sẽ không nghe theo.
Con A Mềnh không biết học ở đâu mà cùng thằng Đặng Hồ giải thích được nhiều người nghe theo thế. Đích thân nó cùng Đặng Hồ và nhiều cán bộ xã đã đến các địa bàn trồng cây anh túc kiên trì vận động, thuyết phục và ra tận rẫy để nhổ bỏ cây anh túc. Nó giảng giải:
- Bố à, nhựa của cây thuốc phiện là tiền chất mà những người phạm tội sử dụng để sản xuất chất ra các chất ma túy. Do vậy, việc trồng cây thuốc phiện là hành vi tội phạm. Mai con sẽ nhổ cây thuốc phiện trên các nương nhà mình.
Ông gầm lên:
- Mày không phải con tao nữa.
Ông Sùng bỏ cơm vào gường trùm chăn nằm. Nghĩ đến những vạt rẫy ngập cây anh túc bị nhổ bỏ mà lòng ông đau như có dao chặt. Mấy ngày sau ra nương nhìn những cánh hoa anh túc tím héo, ông ngồi chết lặng trên đá. Trong tiếng suối thở nhọc nhằn từng cơn, ông nghĩ không biết con A Mềnh sẽ trồng gì vào mấy cái nương đất ngắn không quá ba bước chân này.
***
Cây đào đã có mặt ở bản Phiêng Ang từ ngày ấy. Đào trồng xung quanh nhà, trên nương. Hoa đào đỏ, xen lẫn với hoa mơ, hoa mận trắng xóa sườn núi. Mỗi khi đông qua, xuân về, bản làng trông như một thảm hoa. Họ đặt cho những tên gọi “Đào đá”, “Đào mèo”… để chỉ cây đào già trên mười mấy năm tuổi của người Mông được trồng trên nương, trên rẫy…
Ngày ấy, khi Đảng ủy xã ra Nghị quyết xây dựng mô hình phát triển kinh tế trồng cây đào, A Mềnh đã cùng bà con hăng hái thực hiện. Nương đào cô trồng được nuôi dưỡng bằng những hạt đất chắt chiu trong sườn núi đá, bằng cái lạnh cắt da cắt thịt đã nhú ra những mầm non mơn mởn. Mỗi mùa Xuân về, những đốm lửa hoa đào tròn xoe nẩy ra từ những cành khẳng khiu, mốc thếch, xù xì đẹp như những giấc mơ của người bản Phiêng Ang.
Nhu cầu đào chơi Tết của người dân miền xuôi mỗi ngày một nhiều, cho người Mông thu nhập cao nên người dân nơi đây đã hăng hái trồng nhiều rừng đào quanh các nương rẫy. Chỉ cần chặt một cành đẹp trên một cây là đủ tiền mua được một con dê, con lợn béo.
Nhưng mỗi khi cái rét ngọt theo ngọn gió vấn vít thổi vào rừng hoa đào khoe sắc và khi các cô gái Mông đem những chiếc váy thổ cẩm rực rỡ ra phơi nắng trước hiên nhà, ông Sùng lại thấy mắt A Mềnh ướt và giấu buồn vào trong ngực. Chả là ông cấm không cho Đặng Hồ đến nhà và nói nếu 2 đứa còn gặp nhau ở nương đào ông sẽ chặt phá hết. Nhưng A Mềnh bảo nếu ông không cho cưới Đặng Hồ nó sẽ không về làm con ma nhà khác. Vợ ông Sùngchỉ biết cắn môi để không bật ra tiếng khóc. Bà thấy thương A Mềnh mà không dám nói.
***
Nhưng rồi "cơn mê" hoa anh túc trong lòng ông Sùng cũng phải phai dần trước những cánh hoa đào năm nào cũng nở thắm bản làng. Vì thế, Đặng Hồ bao năm nay luôn thầm cảm ơn ông Sùng đã từ bỏ lời nguyền, đồng ý cho anh cưới A Mềnh xinh đẹp giỏi dang làm vợ.
Cô A Mềnh xưa, giờ là bà A Mềnh đã theo chồng về bản bên mấy chục mùa hoa đào rồi. Nhưng năm nào vào dịp trước Tết bà cũng háo hức như thuở má còn ửng thắm cánh đào khi về thăm bố mẹ và nương đào cổ thụ của gia đình. Năm nay vui hơn vì cả hai vợ chồng bà được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và là gia đình đi đầu trong phát triển kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địaphương.
Cùng vợ chồng con gái A Mềnh đứng trên nương đào cổ thụ, ông Sùng dõi mắt theo đường về xuôi, nườm nượp những chiếc xe tải chất đầy đào. Những cành đào Mông như những cô sơn nữ mang mùa Xuân từ rừng xuống phố. Xa xa vẳng lại tiếng hát“Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng...” của thanh niên bản đang tập cho chương trình “Mừng Đảng mừng xuân mới”của xã cùng tiếng khèn dập dìu khiến ông Sùng bâng khuâng. Vui vậy, nhưng ông vẫn không quên quay lại nói với vợ chồng A Mềnh cái câu mà năm nào ông cũng nói:
- Ây dà. Bố biết mình sai rồi các con à.
Cái lý của người Mông là thế. Nhận ra cái sai không dễ, nhưng đã thấy sai thì phải nhận sai đến suốt đời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin