Giữa rừng Mường Phăng, ngân vang ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”

Duy Phương 14:36, 06/05/2024

Trong hành trình đến với tỉnh Điện Biên, chúng tôi được tham quan, nghe giới thiệu về Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại cánh rừng Mường Phăng. Tại đây, 70 năm trước, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Đi trong rừng Mường Phăng, trong lòng tôi cứ ngân vang ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tôi lẩm nhẩm lời mở đầu với niềm vui bất tận: “Giải phóng Điện Biên/ bộ đội ta tiến quân trở về/ giữa mùa này hoa nở/ miền Tây Bắc tưng bừng vui”.

Bài hát này tôi thuộc từ nhỏ. Ngày ấy, bố tôi đi làm được phát một chiếc đài. Chiếc đài mang cả thế giới tươi đẹp đầy sắc màu đến với tuổi thơ tôi. Tôi vẫn nhớ, mở đầu các buổi phát thanh vào lúc 5 giờ sáng hằng ngày của Đài tiếng nói Việt Nam, tôi đều được nghe nhạc hiệu là giai điệu ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”. Song phải đến hôm nay, khi có mặt ở mảnh đất Điện Biên, tôi mới cảm nhận được rõ hơn khí thế hào hùng và ý nghĩa của bản hùng ca này.

Trong cuốn nhật ký của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông kể lại hoàn cảnh ra đời của ca khúc này. Những ngày cuối tháng 4-1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là tổ trưởng đơn vị làm đường ở một bản gần Điện Biên. Một hôm, có một cán bộ của Tổng cục Chính trị tìm gặp, gợi ý với ông chuẩn bị sáng tác bài hát về Chiến thắng Điện Biên. Nhạc sĩ băn khoăn, nghĩ cách viết bài hát. Theo ông, trước hết phải có một khung cảnh tươi sáng, rộn ràng của đất rừng Tây Bắc, nơi mà bộ đội, văn công và đồng bào các dân tộc đã làm nên chiến thắng vĩ đại.

Và chiều 7/5/1954, trong lúc ông hì hục vác đá vá đường, thì một chiến sĩ đi xe đạp qua, reo to “Hồng Cúm hàng rồi, chiến thắng rồi!”. Tin thắng lợi làm nức lòng tất cả mọi người. Thế là tất cả chiến sĩ bỏ cuốc xẻng, cầm tay nhảy múa, chẳng cần nhạc đệm.

Đêm ấy, ở bản Mường Phăng, bên bếp lửa nhà sàn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thức trắng đêm hoàn thành bài hát. Sau này, nhạc sĩ có kể lại: Khi đó, tôi nghĩ đi nghĩ lại, câu “giải phóng Điện Biên” phải đặt lên đầu, rồi từ câu nhạc chủ đề này mở đầu cho sự phát triển của giai điệu. Rồi tôi lao vào sáng tác trong niềm vui sướng, hạnh phúc trào dâng. Lúc thì ghi nhạc trước, lúc thì viết lời ca trước. Cứ thế, những nét giai điệu và lời ca nối tiếp xuất hiện.

Ngay buổi sáng hôm sau, ông hồ hởi phổ biến bằng miệng cho các chiến sĩ. Bài hát truyền khẩu lan truyền nhanh chóng được các nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, họa sĩ Mai Văn Hiến, ca sĩ Kim Ngọc, ca sĩ Trần Thị Ngà, nhạc sĩ Thanh Phúc… trực tiếp hát vang tại mặt trận. Cũng ngay trong buổi sáng 8/5/1954, tốp ca của đơn vị pháo cao xạ thể hiện đầu tiên ca khúc này.

Đang miên man trôi trong dòng hồi tưởng, bỗng lời người thuyết minh văng vẳng bên tai đoàn du khách khiến tôi bừng tỉnh: Bài hát “Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - lúc đó nhạc sĩ là tổ trưởng phụ trách cung đường bản Mường Phăng vào Sở Chỉ huy Chiến dịch cùng chiến sĩ văn công tay cuốc, tay choòng mở đường thắng lợi. Tại Lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 13/5/1954 trong rừng Mường Phăng, Đoàn văn công Tổng cục Chính trị đã hát vang bài ca chiến thắng…

Hoàn thành cung đường tham quan, từ cánh rừng Mường Phăng trở ra, tôi mở điện thoại, bật bài hát “Chiến thắng Điện Biên”, trong lòng hân hoan lạ thường trước những ca từ, với không khí vui tươi: “Bản mường xưa nương lúa mới trồng/ Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa/ Dọc đường chiến thắng ta tiến về/ đoàn dân công tiền tuyến/vẫy chào pháo binh vượt qua/ Súng đại bác quấn lá ngụy trang/ từng đàn bươm bướm trắng rỡn lá ngụy trang”.

Từng ca từ vang ngân như đưa người nghe trở về không khí náo nức năm xưa của quân và dân ta khi biết tin Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. Cả đất nước như bừng sáng, cánh đồng Điện Biên rực rỡ cờ hoa. Lời bài hát chân thực, ý nghĩa cùng giai điệu sôi nổi cũng đã khắc họa được khí thế hùng dũng, sức mạnh của bộ đội Việt Nam đánh tan thực dân Pháp xâm lược.

Du khách tham quan Mường Phăng.
Du khách tham quan Mường Phăng.

Kết quả ấy có được nhờ những ngày gian khổ kéo pháo vào, kéo pháo ra, những ngày đổ mồ hôi phá núi làm đường, chuyển phương án tác chiến từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc: “Giải phóng miền Tây bộ đội ta đã mau trưởng thành/ thắng trận Điện Biên Phủ càng tin quyết tâm ở trên/ Đổ mồ hôi phá núi bắc cầu vượt rừng/ qua suối đắp đường thắng lợi về đây/ phương châm đánh chắc ta tiến lên lực lượng như bão táp/ Quân thù mấy cũng phải tan vang lừng tiếng súng/ Khi mừng công thỏa lòng ta dâng Bác bấy lâu chờ mong”. 

Trong “Chiến thắng Điện Biên”, ngoài giai điệu hào hùng ngân vang, thể hiện niềm tự hào mãnh liệt, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn dự cảm về tầm vóc chiến thắng lịch sử sẽ chấn động địa cầu trong lời kết: “Thế giới đang đón mừng/Chiến dịch đại thắng lợi góp sức xây dựng hòa bình”.

Đã 70 năm trôi qua, song âm hưởng hào sảng của những câu hát trong bài "Chiến thắng Điện Biên” vẫn còn vang vọng trong lòng bao người dân Việt Nam, nhất là các chiến sĩ Điện Biên. Ông Hồ Chí Ân (ở phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Mỗi lần ca khúc "Chiến thắng Điện Biên” vang lên, là mỗi lần không khí hào sảng của những tháng ngày đánh trận Điện Biên ùa về trong tôi. Nhớ giai điệu và giọng hát hòa ca, cùng những tràng vỗ tay không ngớt của cán bộ, chiến sĩ dành cho những văn công thể hiện ca khúc này.

Còn khi ngồi viết bài này, giai điệu bài hát “Chiến sĩ Điện Biên” lại vang lên trong sân nhà văn hóa khu dân cư tôi ở. Tôi mở cửa sổ ban công, ngó ra thấy các bà, các chị đang tập điệu dân vũ khỏe khoắn trên nền bài hát cho đợt giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5). Tôi khẽ mấp máy môi hát theo, trong đầu không thôi suy tưởng: Thật tuyệt vời khi bài hát trở thành giai điệu đi cùng năm tháng và sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Suốt 7 thập kỷ qua, ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” đã được triệu triệu người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước cất vang, với niềm tự hào và biết bao kiêu hãnh…