Vị chát trung du

Truyện ngắn của Hồ Thủy Giang 07:45, 31/03/2024

Tôi về bản Suối Cát gặp lại Sầm A Sám. Lão đã ngoại tám mươi. Hơn nửa thế kỷ trôi qua mà cuộc sống của lão vẫn độc thân trong cái chòi canh tựa vào thân cây mít già. Lạ nhất là mọi đồ vật trong chòi, đều giống như chủ nhân của chúng, chỉ già đi, cũ nát thêm.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

          Trông lão hơi thô ráp, nhưng lại xuất thân từ một gia đình nho học.

          Những năm chống Mỹ, tôi theo gia đình sơ tán lên đây thì lão đã trở thành dân thổ cư của bản Suối Cát rồi. Điểm nổi bật của người dân nơi đây là nhà nào cũng có một đồi chè lớn.

          Tôi có dịp kết bạn vong niên với Sầm A Sám. Năm đó, lão ngoài ba mươi, sống cô đơn trong cái chòi canh sơ sài ấy. Chắc phải có một lí do nào đấy lão mới chọn cách sống độc thân như vậy. Tuy thân thiết, nhưng đến tận ngày tôi sắp sửa nhập ngũ, lão mới hé mở chút ít.

          Một buổi tối, sau vài tuần trà, lão kể cho tôi nghe theo kiểu kể chuyện cổ tích.

          “Ở bản Suối Tiên, có một chàng trai nghèo khổ, sống trong một túp lều. Ngày ngày, chàng hái chè, sao tẩm rồi mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Cuộc sống rất vất vả.

          Vào một đêm bản Suối Tiên nghiêng ngả trong mưa gió, ngồi trong chòi, chợt chàng thấy một cô gái đang cố leo lên cầu thang cái chòi canh. Chàng vội xuống kéo cô lên. Được sưởi ấm, cô gái hồi tỉnh. Chàng lặng người vì trước mặt mình là một tuyệt sắc giai nhân. Nghe cô gái kể, chàng mới biết cô đang bị gia đình ép gả cho một lão già nhưng nhà giầu. Cô trốn khỏi nhà nhưng gặp mưa gió nên liều vào đây trú tạm.

          Với sự chăm sóc tận tình của chàng trai, cô đã khỏe trở lại. Nghĩa là tới lúc cô phải ra đi. Nhưng không hiểu sao mấy lần bước xuống cầu thang, cô cứ chần chừ không bước nổi. Có thể cô lo sợ đoạn đường đầy chông gai phía trước, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là cô nhìn thấy những giọt nước mắt ứa ra của chàng trai trong mỗi lần sắp sửa chia tay. Cuối cùng cô đã liều ở lại.

          Từ đấy, trên đồi chè, chàng trai không phải cặm cụi một mình nữa. Những buổi hái chè trở nên thi vị. Vừa hái chè, chàng vừa dạy cô hát. Đồi chè của chàng trai thường ngập trong tiếng hát.

          Cuộc đời của chàng trai và cô gái như đang trôi trong giấc mơ thì gia đình cô phát hiện ra mọi chuyện. Họ tới bắt cô đi. Từ đấy, chàng lại lủi thủi một mình”.

          Tôi hiểu đó chính là lí do lão không lấy vợ.

                                                       * * *

          Tôi và Sầm A Sám ngồi uống trà, lão chậm rãi:

          - Có lẽ cậu thấy lạ vì đã hơn năm mươi năm mà mọi vật không có một chút thay đổi phải không?

          - Quả như vậy.

          - Nhưng đấy chỉ là những thứ cậu nhìn thấy thôi. Cậu sẽ lạ hơn khi ta nói điều này.

          Lão chỉ tay xuống đồi chè:

          - Cậu nhìn xem, đồi chè của ta có gì thay đổi không?

          Tôi nhìn đồi chè, khó hiểu.

          Lão phẩy tay:

          - Cậu không hiểu cũng phải thôi. Ta nói cậu nghe. Cả cái huyện này, chỉ có đồi chè của ta là vẫn giữ giống chè truyền thống, còn gọi là chè trung du.

          - Giữ giống chè truyền thống cũng tốt chứ ạ.

          Lão xua tay:

          - Bây giờ người ta bỏ hẳn giống chè trung du rồi. Vì nó năng suất thấp, chỉ những người không cần tiền như ta mới giữ lại thôi.

          Giọng lão trầm xuống:

          - Cậu có biết vì sao ta làm vậy không?

          Tôi ấp úng:

          - Dạ…

          Không đợi tôi trả lời, lão giải thích:

          - Ta làm vậy… là vì… Nương đấy. Cô ấy tên là Nương, hẳn cậu còn nhớ.

          - Vâng, chị ấy, người trong câu chuyện cổ tích.

          - Cám ơn cậu. Kể từ khi Nương bị bắt đi, ta muốn giữ nguyên mọi thứ đã được sắp đặt khi Nương còn ở đây. Ví như cái nhà tắm quây bằng những tấm phên nứa kia - Mắt lão bỗng trở nên mơ màng - Chính trong cái nhà tắm ấy, ta đã múc từng gáo nước dội xuống cái thân thể nõn nường như ngọc của Nương… Rồi từ cái chén Nương uống trà, từ cái gáo Nương múc nước… vẫn còn nguyên đấy…

          Gắng gượng mãi lão mới nói nổi:

          - Chỉ có tiếng hát của Nương là mãi mãi ta không còn được nghe nữa. Nương hát hay lắm…

          Bỗng lão cất tiếng hát:

          - "Ngày xưa có anh Trương chi, người thì thật xấu hát thì thật hay, cô Mỵ Nương…”. Bài hát ta dạy Nương đấy cậu ạ. Nhưng Nương hát hay hơn ta nhiều.

          Chợt lão ôm mặt khóc.

          Tôi cầm chén trà, ngậm. Tôi nhận ra đó chính là vị chát của trà trung du Suối Cát hơn nửa thế kỉ trước.

          Để kìm những cảm xúc của lão, tôi chuyển đề tài:

          - Cháu thấy cái vị trà trung du này uống rất thú vị.

          - Cậu nói phải. Tuy năng suất không cao nhưng nếu chè trung du tuyệt chủng thì tiếc lắm. Và, điều này chắc cậu chưa biết. Búp chè trung du bao giờ cũng có một màu tím mơ màng. Mỗi kì ra búp, đồi chè lại ánh lên trong nắng mặt trời. Những lúc ấy, ta nhớ Nương da diết.

          Sầm A Sám lôi ra một cái chén to:

          - Đây là chiếc chén bằng gỗ mít. Ngày ấy, ta đã kể cho Nương nghe tích Trương Chi, có đoạn nói về chiếc chén khoét bằng gỗ bạch đàn. Mỗi lần Mỵ Nương rót đầy rượu, bóng chàng Trương Chi lại hiện lên chèo thuyền và cất tiếng hò khoan. Nghe ta kể, Nương khóc nấc lên. Vậy là ta đã nẩy ra ý định khoét cái chén bằng gỗ mít lấy từ cây mít của chính cái chòi này. Nhưng chiếc chén khoét chưa xong thì Nương đã bị người ta bắt đi. Cái chén này, đêm nào ta cũng rót đầy trà. Và cậu có biết không, vừa tuần trước thôi, vô tình một giọt nước mắt của ta rớt xuống chén trà, bỗng nhiên bóng Nương hiện ra từ đáy chén. Nương nhìn ta bằng ánh mắt buồn lắm. Có phải vậy là Nương oán trách ta không hả cậu?

           Tôi biết, đó chỉ là ảo ảnh, nhưng hãy cứ để lão tin là thật.

                                                          * * *

          Bây giờ tôi hiểu vì sao Thái Nguyên lại trở thành đệ nhất danh trà. Có thể có nhiều lí do nhưng tôi muốn tin rằng bởi trà Thái Nguyên thấm đẫm hồn vía con người cùng những nỗi thương đau, những giọt nước mắt thủy chung của những mối tình dang dở. Tất cả những thứ đó đã góp phần làm nên một hương vị trà mà không nơi nào có được.