Thương về ngày xưa

Huệ Dinh 09:41, 05/05/2024

Mẹ sinh tôi vào một ngày cuối tháng Tư. Mẹ bảo, hôm ấy, trời đã không còn mưa nữa, cả nước đang hân hoan chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 3 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau những cơn đau “chết đi, sống lại” của mẹ, tôi đã đến với thế giới này bằng tiếng khóc rất to. Ở bên ngoài phòng đợi, bố và mọi người cứ nghĩ, khóc to như thế đích thị là một thằng cu. Dù vậy, trái với mong muốn của đấng sinh thành, tôi lại là một bé gái bụ bẫm.

 

Khi mẹ vừa sinh tôi, chị cả mới lên 6 tuổi nhưng đã biết giúp mẹ rất nhiều việc. Vừa phải trông chị hai, vừa hộ mẹ nhặt rau, nấu cơm, nhưng chị cả rất vui vì gia đình có thêm một bé gái đáng yêu nữa. Chị còn quá nhỏ nên không hiểu được tâm tư của mẹ - dâu cả của dòng họ nhưng sinh đến lần thứ 3 vẫn là con gái...

Có lẽ khi mang thai, mẹ rất mong tôi là con trai. Bởi thế, sau này, càng lớn, tôi càng mạnh mẽ và cá tính. Theo lời chị cả kể lại, khi còn nhỏ, trông tôi giống như một thằng con trai với mái tóc tém và nước da cháy nắng. Hồi học cấp 1, do gia đình nghèo khó, bố mẹ phải tất bật đi làm kiếm tiền nuôi lũ con thơ trứng gà trứng vịt nên ít có điều kiện quan tâm đến mấy chị em chúng tôi. Vì thế, tôi thường xuyên bị mấy đứa bạn cùng trường bắt nạt mà bố mẹ không hề hay biết. Ban đầu, tôi rất sợ lũ bạn nghịch ngợm. Nhưng rồi “con giun xéo mãi cũng quằn”, tôi đã dám đánh nhau tay đôi với mấy thằng con trai ở lớp kế bên. Chẳng biết là do may mắn hay do bị “đàn áp” quá lâu mà dù 1 “chọi” 3 nhưng tôi vẫn “chiến đấu” rất hăng và giành phần thắng về mình...

Cũng bởi đi học trái tuyến nên khi lên cấp 2, mẹ chuyển tôi về học ở trường gần nhà. Thoát khỏi cảnh bị bắt nạt và được đi học cùng với lũ bạn trong xóm, tôi vui lắm! Từ đây, việc học của tôi cứ “thăng tiến” đều đều. Do phát hiện tôi có chút năng khiếu sử dụng ngôn từ, lối tư duy và cách hành văn nên năm lớp 9, tôi được cô giáo dạy Văn “gọi” vào đội tuyển của trường để bồi dưỡng, chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi văn cấp thành phố. Hồi mới vào đội tuyển, tôi luôn có cảm giác tự ti và rất hoang mang vì lũ bạn đều có gia cảnh khá giả, được bố mẹ tạo điều kiện học hành từ nhỏ, sách tham khảo chất đầy nhà. Trong khi đứa trẻ nhà nghèo như tôi, cứ năm học mới đến gần lại canh cánh nỗi lo cha mẹ không lo đủ tiền mua vở viết và đóng học đầu năm...

Dù nhà nghèo, thiếu sách vở nhưng tôi lại rất ham học. Mỗi lần mượn được quyển sách của bạn, tôi đọc ngấu nghiến, quên cả ăn. Chính sự yêu thích ấy đã giúp cho tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức bổ ích để phục vụ cho việc học Văn. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố năm ấy, đội tuyển của trường có 10 bạn tham dự (trong đó có tôi). Đi thi với tâm thế vui vẻ, tôi luôn xác định chỉ để giao lưu học hỏi là chính bởi năm ấy, trường chuyên cấp 2 của thành phố (sau này là Trường THCS Chu Văn An) được thành lập và thu hút được nhiều “anh tài” ở các trường khác về học. Họ chính là đội quân chủ lực tham dự kỳ thi quan trọng này và tôi nghĩ, mình không có “cửa” để giành giải. Vì lẽ ấy, làm bài thi xong, tôi không hề bận tâm đến kết quả. Nhưng thật bất ngờ khi 2 tuần sau, cô tổng phụ trách gọi tôi lên phòng Ban Giám hiệu thông báo, tôi là 1 trong 2 thành viên của đội tuyển đoạt giải Nhì môn Văn cấp thành phố (năm ấy không có giải Nhất). Tôi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc.

Biết con gái đoạt giải, bố mẹ tôi rất vui và phần thưởng cho kết quả ấy là bố hứa sẽ tham gia buổi họp phụ huynh ở trường (thay vì để chị cả đi như mọi lần). Hiểu được sự vất vả của bố mẹ nên với tôi, thế cũng đã là phần thưởng rất quý giá. Tôi tin rằng, bố rất hạnh phúc và tự hào về con gái khi tham gia buổi họp, để bố thấy rằng, dù tôi không phải là con trai như bố mẹ hằng mong đợi nhưng tôi luôn có sự bền bỉ, kiên trì và nỗ lực hơn lũ con trai trong lớp rất nhiều.

Sinh ra, lớn lên và học tập trong những năm tháng khó khăn như vậy đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm, để hiểu rằng, muốn biến ước mơ thành hiện thực, bản thân phải luôn nỗ lực không ngừng. Chính giải Nhì môn Văn cấp thành phố năm ấy đã thôi thúc tôi phải thi đỗ bằng được vào lớp chuyên Văn, Trường Năng Khiếu của tỉnh (nay là Trường THPT Chuyên)... Và cứ thế, nghề báo đến với tôi như một cơ duyên “trời định” khi tôi đăng ký thi vào Khoa Báo chí chỉ để dự phòng và chống trượt...

Cuộc đời là một chuỗi những kỷ niệm buồn vui. Mỗi khi mùa Hè đến, người thì miên man với hoa sim, kẻ lại mơ màng với sắc tím của bằng lăng. Riêng tôi, mỗi khi tiếng ve kêu râm ran báo hiệu Xuân qua, Hè đến, tôi không khỏi hoài niệm, thương nhớ về những tháng ngày của thời thơ ấu và tuổi trẻ đã đi qua... Điều gợi cho tôi nhớ nhất đó chính là cảm giác được hòa mình vào không khí rộn ràng của dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 hằng năm. Rồi cả ngày mà cả nước tưng bừng kỷ niệm sinh nhật Bác (19-5). Khi còn nhỏ, đất nước còn khó khăn, không ít gia đình dù trong cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai” nhưng vẫn làm một mâm cơm tươm tất hơn thường ngày để chào đón những ngày trọng đại của đất nước.

Còn hôm nay, khi “cơm ăn, áo mặc” đã không còn là mối bận tâm, các gia đình đều có cuộc sống đủ đầy, sung túc, chất lượng cuộc sống được nâng lên, dịp nghỉ lễ mừng đất nước thống nhất, trên khắp các nẻo đường của quê hương tôi, đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Người dân quê tôi mừng chiến thắng bằng và kỷ niệm sinh nhật Bác bằng những buổi biểu diễn văn nghệ sôi nổi; các chị, các mẹ thì tích cực tham gia hội thi dân vũ sôi động... Dịp này, nhiều gia đình, con cháu về tụ họp đông đủ trong niềm vui, hạnh phúc của mẹ cha...

Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được sinh ra vào đúng dịp trọng đại của đất nước. Càng hạnh phúc hơn khi người dân quê mình đã vượt qua bao tháng ngày gian khó để dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay. Khi ngồi viết những dòng chữ này, trong tôi đang trào dâng bao cảm xúc. Đâu đó, tiếng hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân...” vang lên thật rộn ràng. Chúng ta, ai cũng cảm nhận được những đổi thay trên quê hương hôm nay. Có Đảng, có Bác là cuộc sống mãi đẹp tươi…