Có một ngày để nhắc nhớ, nghĩ suy

Xuân Anh 08:16, 23/06/2024

Tháng Sáu có nhiều ngày để nhớ, trong đó có ngày tôn vinh những người “lặn lội” cùng con chữ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”: Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6).

 

Ngược dòng thời gian, trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Đến những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ. Nhưng mỗi tờ báo lại có một khuynh hướng chính trị riêng, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Báo chí Việt Nam chỉ bước sang trang sử mới khi có một sự kiện quan trọng diễn ra: Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên. Từ đây, dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.

Kể từ khi có “Thanh niên”, báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam, đó là cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên, trải qua các thời kỳ cách mạng của dân tộc, đến nay, đã 99 năm tuổi. Trong dòng chảy lịch sử 99 năm đó, Thái Nguyên vinh dự và tự hào là “cái nôi” của nền báo chí cách mạng, nơi ghi dấu sự ra đời của nhiều cơ quan báo chí lớn và nhiều sự kiện báo chí quan trọng. Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 20/10/1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, Báo Quân đội Nhân dân cho ra số đầu tiên ở bản Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa). Đây là tờ báo do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Một năm sau, ngày 11/3/1951, vượt qua bộn bề khó khăn chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để in ấn, Báo Nhân dân ra số đầu tại xưởng in đặt ở thôn Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa) trong niềm vui khôn tả của đông đảo cán bộ, chiến sĩ quân bưu cùng Nhân dân địa phương.

Không chỉ là nơi ghi dấu sự ra đời của nhiều cơ quan báo, Thái Nguyên còn là nơi ra đời cơ sở đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên vào năm 1949. Lịch sử còn ghi: Khi cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc đang diễn ra ác liệt, trong điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn đủ mọi bề của Nhà nước dân chủ nhân dân mới thành lập, Đảng và Chính phủ vẫn quyết tâm mở lớp dạy viết báo để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Tổng bộ Việt Minh thành lập và đặt tên cho trường là Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Khóa học đầu tiên khai giảng ngày 4/4/1949, tại ấp Bờ Rạ, nay thuộc xã Tân Thái (Đại Từ). Trong bức thư đề ngày 9/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “... Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú, các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng!”.

Mới đó mà đã 99 mùa Xuân, lịch sử đã ghi nhận những thành tựu của báo chí ngày hôm qua thì lịch sử cũng đang kỳ vọng vào những đóng góp của báo chí ngày hôm nay và mai sau trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Bởi thế, nhắc nhớ lại lịch sử với những ai đã chọn nghề để có thêm một ngày trăn trở, nghĩ suy.

Nghề báo là đi và viết. Sẽ chẳng có một bài báo nào đọng lại khi người làm báo chỉ ngồi ở nhà trên những chiếc sô pha dịu êm trong phòng điều hòa. Bởi thế là nhà báo, bạn hãy cứ khoác ba lô lên và đi, có thể đi trên chiếc xe lạnh, cũng có thể đi trên những chiếc xe khách hay phi xe máy độc hành. Bạn có thể nằm trong khách sạn năm sao sang trọng, nhưng cũng đừng từ chối thao thức với tiếng côn trùng kêu trong ngôi nhà trú tạm ven đường. Mỗi chuyến đi sẽ là một kỷ niệm, một cảm xúc, có những chuyến đi bạn sẽ thấy vui, nhưng cũng có những chuyến đi bạn sẽ thấm đẫm nỗi buồn. Nhưng chắc rằng, bạn sẽ thấy cuộc đời mình may mắn hơn rất nhiều mảnh đời bất hạnh bạn gặp trên nhiều chuyến đi, bạn sẽ thấy hình như mình đã đắp quá phần trong chiếc chăn hạnh phúc, vì thế, bạn sẽ có nhu cầu cho đi nhiều hơn nhận lại và sẽ thấy cuộc đời thanh thản, nhẹ nhàng hơn.

Nghề báo là luôn giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh. Bạn hãy giữ tim nóng để yêu thương muôn người; để căm giận trước những hành vi, việc làm sai trái; để đớn đau khi hạnh phúc, nhân phẩm và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của một ai đó bị dập vùi. Trái tim nóng sẽ thôi thúc bạn dùng ngòi bút của mình viết nên những bài báo bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải và loại bỏ những tư tưởng, hành vi, việc làm sai trái của bất cứ ai. Nhưng trái tim nóng phải đi cùng đầu lạnh để đủ tỉnh táo, xem xét và nhìn nhận thấu đáo đúng, sai, để có phương pháp đấu tranh chống lại những sai trái, xấu xa một cách hiệu quả.

Vâng, nếu bạn đã chọn nghề hay nghề chọn bạn thì đó đều là duyên. Đã là duyên thì bạn hãy gắn bó, cháy hết mình và tự hào với chữ duyên mình đã giăng mắc, như câu hát của những người làm báo cất lên mỗi dịp Tháng Sáu về: Tôi tự hào với nghề báo của tôi/Ơi nghề báo đầy nhọc nhằn vất vả/Ngày dài đêm thâu trải lòng trên con chữ/Luôn cảm thấy mình mắc nợ với thời gian/Tôi tự hào về đồng nghiệp anh em/Cuộc đời phóng viên chân trời góc bể/Thương bao đồng đội đêm đêm không nghỉ/Để ngày mai trang báo đến tay người”… (Tự hào nghề báo của tôi - Nguyễn Đình Thậm).