Việc nhỏ nghĩa lớn

Truyện ngắn của Minh Hà 08:57, 09/06/2024

Ông Bình đứng trước gương, vuốt vuốt mấy nếp nhăn trên bộ quần áo dân phòng. Ông với tay lấy chiếc mũ treo trên mắc, định bước ra cửa. Bà vợ từ trong buồng đi ra, vẻ khó chịu:

 

- Ông lại tí tởn đi đâu hả?

- Tôi ra đứng đường làm nhiệm vụ trật tự giao thông lúc cao điểm chứ đi đâu. Già rồi mà còn ghen bóng ghen gió.

Bà nhớ lại bữa cơm trưa hôm nay, khi vừa buông bát, ông đã đứng dậy cầm cái điện thoại nhắn tin một lúc lâu. Giờ nhìn thấy cử chỉ của ông, nỗi nghi ngờ trong bà đã có cơ sở. Bà lên giọng:

- Ờ! Già mà còn có ối kẻ “gia ma ham” đấy. Việc trật tự giao thông là việc của cảnh sát giao thông chứ mấy ông về hưu thì làm được gì mà cứ mượn cớ.

Ông Bình nhăn nhó:

- Khổ quá! Mình về hưu, còn sức khỏe thì tham gia công tác đoàn thể trong tổ cũng là một việc làm có ích cho xã hội.

- Tôi hỏi ông, ra đứng đường mà sao phải soi gương hàng tiếng đồng hồ ngắm ngắm vuốt vuốt? Ngứa cả mắt. Đúng là “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”!

Biết là bà muốn đay lại chuyện cũ, ông nhăn mặt:

- Tôi xin bà. Chuyện xảy ra lâu lắm rồi sao bà thù lâu làm gì cho tổn thọ - như chợt nhớ ra điều gì, ông hồ hởi nói - Ờ mà cũng như bà đấy, ra đường hễ thấy giấy vụn, vỏ lon là lại tha lôi về gom với phụ nữ trong tổ đấy thôi.

Bà Bình nghe chồng nói có phần nguôi ngoai, nhưng riêng về cái “chuyện kia” thì bà phải quản. Thực ra, kể từ dạo ông đi “ăn phở” đến giờ cũng đã mười năm có lẻ rồi. Thời gian quá đủ để chôn vùi mọi thứ, vậy mà đến giờ nó vẫn cứ ám ảnh bà. Hàng ngày, bà vẫn bình thường, “mềm như lạt, mát như nước” đấy, nhưng cứ thấy ông ngồi cắm mặt vào cái điện thoại nhắn tin là bà muốn sôi máu.

Ông Bình đến gần vợ, nhẹ nhàng:

- Tôi đi sớm là muốn trao đổi với cậu Hòa cảnh sát khu vực một số việc. Dạo gần đây, tại các ngã tư vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về biển báo tín hiệu và đèn giao thông. Nhiều người đứng kín hết cả phần đường nhường cho người rẽ phải, nhiều khi có xe cứu thương, cứu hỏa rú còi inh ỏi mà vẫn không được nhường đường. Không có dân đứng đường như chúng tôi thì khó giàn xếp lắm bà ạ.

Hòa, cảnh sát khu vực từ ngoài đi vào, gọi to:

- Bác Bình ở nhà đấy à?

Ông Bình cười tươi, bắt tay Hòa:

- Tôi đang chuẩn bị ra đây, chú ngồi xuống, ta vừa uống nước, vừa bàn chuyện.

Bà Bình liền lên tiếng:

- Lớ nga lớ ngớ như ông nhà tôi thì chỉ vướng chân các chú cứ được tích sự gì. Thanh niên thời nay hay phóng nhanh vượt ẩu, không khéo có ngày chả phải đầu cũng phải tai ấy chứ.

Ông Bình nghe vợ nói liền chộp ngay cơ hội:

- Cũng chính vì nhiều người đi ẩu như bà nói nên tổ dân phòng chúng tôi mới cần tăng cường ra đường vào những giờ cao điểm đấy. Phải không chú Hòa?

Bất chợt một thanh niên xách túi trái cây bước vào, hỏi:

- Có ai ở nhà không ạ?

Bà Bình nhìn ra:

- Anh tìm gặp ai đấy?

Anh thanh niên lễ phép:

- Dạ, cháu hỏi thăm nhà bác Bình ạ!

Ông Bình tiến lên một bước nói:

- Tôi là Bình đây. Mời anh vào nhà.

Anh thanh niên vội nói:

- Cháu phải hỏi thăm mấy người mới biết được nhà bác đấy ạ. Bác không biết cháu đâu. Hôm nay, cháu đến đây là xin được bày tỏ lòng biết ơn vì bác đã cứu sống vợ con cháu.

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau không hiểu. Bà Bình rót chén nước đưa cho anh thanh niên:

- Uống chén nước đã cháu, có chuyện gì từ từ nói.

- Dạ, chiều thứ Sáu tuần trước, vợ cháu bị ngã, trong khi đang mang bầu tám tháng. Cháu đưa đi cấp cứu đúng lúc tan tầm, đường tắc, mặc dù còi cứu thương rú lên xin đường nhưng chẳng ai chịu nhường đường cho xe qua.

Ông Bình khẽ “à” lên một tiếng:

- Tôi nhớ rồi. Hôm đấy vì cuối tuần nên đường tắc rất lâu, có một chiếc xe cứu thương rú còi xin đường mãi mà không được. Tôi vội lao ra giữa đường hô to “cứu mạng... cứu mạng”... Thì ra là vợ con anh à? Thế giờ chị và cháu khỏe chứ?

- Vâng! May mà hôm đấy bác không sợ nguy hiểm, đứng chặn giữa dòng xe, để xe cấp cứu vợ cháu đến viện kịp thời. Bác sĩ bảo chỉ chậm năm phút nữa thôi là không cứu được cả mẹ lẫn con. Ơn này cháu nguyện suốt đời không quên.

Ông Bình xua tay:

- Ơn huệ gì đâu. Gặp trường hợp đấy ai cũng xử sự như bác thôi.

Người khách xúc động cầm túi trái cây đưa về phía ông Bình:

- Cháu đến đây gọi là có chút quà để cảm tạ, xin bác nhận cho cháu vui ạ.

- Ấy ấy! Anh đừng làm thế. Chị ấy không sao là mừng rồi. Tôi không lấy đâu, lấy để mang tiếng nhận hối lộ à. Phải không đồng chí công an?

Bà Bình cũng lên tiếng:

- Chúc mừng vợ con cháu đã tai qua nạn khỏi. Cháu đem túi quà này về cho vợ ăn để nhanh lại sức nhé.

Anh thanh niên năn nỉ:

- Dạ, cũng chẳng đáng là bao, mong hai bác nhận để cháu được bày tỏ lòng biết ơn. Giờ cháu xin phép chào cả nhà để vào viện với mẹ con cô ấy, khi nào con cháu cứng cáp, cháu sẽ đưa đến chào ông bà sau ạ.

Hòa vui vẻ góp lời:

- Thôi, anh ấy đã nói thế hai bác cứ nhận cho anh ấy vui lòng. Cháu sẽ làm chứng đây không phải là vụ hối lộ.

Mọi người bật cười trước câu đùa của Hòa.

Tiễn khách ra cửa xong, ông Bình quay sang Hòa:

- Sắp đến giờ cao điểm rồi, bác cháu ta cùng ra đứng đường nào.

Bà Bình nhanh nhẹn cầm cái khẩu trang đưa cho ông Bình:

- Ông mang khẩu trang vào kẻo tối về lại ho.

Ông Bình trêu:

- Bà đã thấy rõ tầm quan trọng của việc tôi ra đứng đường chưa nào?

Bà Bình lúng túng:

- Vâng! Mới đầu tôi cứ nghĩ ra đứng cho có lệ chứ giúp ích gì được ai. Hóa ra lắm việc bình thường nhỏ nhoi nhưng lại có ý nghĩa không lớn ra phết.

Hòa chen vào:

- Bác nói rất đúng ạ. Nhiều khi chỉ cần nhìn thấy tổ dân phòng trực trên các ngã tư là người tham gia giao thông như đã nhìn thấy những biển báo di động, giúp họ trên đường. Nếu không có tổ dân phòng chúng cháu cũng khó hoàn thành nhiệm vụ ạ.

Bà Bình quay sang chồng, cười:

- Thì ra cái việc đứng đường của ông cũng quan trọng ra trò. Thôi hai bác cháu đi đi cho kịp giờ.

Ông Bình nói nhỏ vào tai vợ:

- Giờ bà còn trách việc đứng đường của tôi là vô bổ nữa không? Chỉ được cái ghen bóng ghen gió là không ai bằng.

Bà Bình đỏ mặt, nguýt chồng:

- Ai mà thèm. Báu lắm đấy!