Cứu tôi… Cứu tôi… tiếng thét kinh hoàng như xé toạc màn đêm tịch mịch. Ông Bình vùng vẫy chân tay, vừa thét vừa thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa ướt đẫm chiếc áo ba lỗ có một vết rách ở mạng sườn lâu ngày chưa vá lại, toác ra, khiến sợi vải tua rua, lờm xờm. Bịch. Ông Bình ngã lộn xuống mặt đất, may vướng vào cánh màn nên cú ngã chỉ khiến ông bừng tỉnh. Một góc màn bị đứt phựt xòa vào mặt ông. Ông Bình khua khua đôi bàn tay gầy guộc, gân guốc, đen sạm, tìm cách thoát ra. Cuối cùng, ông cũng thò được chiếc đầu ra khỏi đống vải màn lùng nhùng. Ông ngồi tựa lưng vào thành giường, thở dốc. Bất giác, ông đưa tay nhéo vào đùi non, đau điếng. Thì ra là mơ.
Ông với tay bật chiếc công tắc điện ở đầu giường, cả gian phòng sáng trưng, mắt ông nheo lại vì chói. Mất vài giây ông mới nhìn rõ đồ vật xung quanh. Ông tiến thẳng đến hốc tủ, thò tay xuống dưới gầm lôi ra một chiếc hộp sắt nhỏ cũ kỹ, phủ bụi, có nhiều vết hoen gỉ. Ông cúi rạp ôm nó vào ngực, thở phào. Nó vẫn còn ở đây, nguyên vẹn.
Sau khi đẩy chiếc hộp vào vị trí cũ, ông Bình mới yên tâm ra ngồi ở góc bàn, vo viên sợi thuốc lào đút vào tẩu, vừa châm lửa vừa rít sòng sọc một hơi dài. Ông khoan khoái gác cả hai chân lên trên ghế, người hơi ngả ra sau, nghênh nghênh cái đầu thả làn khói trắng như đụn mây, rồi lờn vờn lướt qua mái tóc bạc trắng như cước. Ông với tay cầm ấm trà rót nước, nhưng cạn khô. Ông cố chấp, dốc ngược cái ấm, khiến nắp ấm rơi lủng liểng. Cổ họng ông chát đắng.
***
Ông Bình có 4 cậu con trai. Vợ ông mất khi sinh thằng út được 3 tháng. Giờ ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng ông vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi ân hận với người vợ đã quá cố. Ông cho rằng, cái chết của vợ là do lỗi của mình. Ông đã “ép” vợ phải sinh thêm đứa con thứ 4 vì sợ “bất phú”. Mà sau đó, gia đình ông cũng trở nên giàu có thật. Công việc làm ăn của ông đang gặp khó khăn bỗng như có “quý nhân phù trợ” lên như diều gặp gió. Ngày bệnh viện trả vợ ông về nhà để gia đình lo hậu sự, ông bàng hoàng nghe bác sĩ nói: Chị nhà sinh con khi đã lớn tuổi nên gặp nhiều biến chứng sau sinh, sức khỏe suy kiệt, không thể cứu vãn.
Những đêm con khóc ngằn ngặt đòi sữa mẹ, ông Bình luôn có cảm giác như có hàng trăm mũi kim đâm nát trái tim mình, đau đớn, bất lực đến tuyệt vọng. Ông phải trả giá cao để thuê một bảo mẫu đang nuôi con nhỏ. Thương con, nhớ vợ và cảm giác áy náy, hối hận luôn giày vò tâm can ông, khiến ông không còn rung động mà chỉ lao vào làm ăn để quên sầu. Theo tháng năm, các con khôn lớn, lần lượt xây dựng gia đình riêng. Đầu năm ngoái, cậu út cũng lấy vợ. Sau đám cưới thằng tư ít hôm, ông cho gọi tất cả con trai, con dâu về họp gia đình, có bao nhiêu tài sản ông chia đều cho 4 đứa, chỉ dành lại một phần nhỏ gửi ngân hàng để lấy tiền lãi chi tiêu cho việc ăn uống, thuốc men hằng ngày. Các con ông đều vui vẻ, phấn khởi, chúng giành nhau việc đón ông về ở cùng cho bớt hiu quạnh. Thấy các con có hiếu, ông xúc động đến rơi nước mắt. Ông không muốn giấu giếm các con nên nói luôn tâm nguyện: Bố cảm ơn các con! Giờ đứa nào đứa đấy đã yên bề gia thất, bố cũng muốn có người bầu bạn, nâng khăn sửa túi lúc tuổi già để không phải phiền đến các con…
Ông Bình vừa nói đến đây, con trai cả đã ngắt lời:
- Lúc trẻ chẳng nói, giờ bố già rồi, lại nghĩ đến chuyện lấy vợ. Con không đồng ý! Tuổi này, họ lấy bố chỉ vì tiền của bố thôi, chứ thương yêu gì nữa.
Cậu hai và cậu tư cũng đồng thanh:
- Đúng vậy! Bố lấy vợ, sau này bố mất đi thì cái cơ ngơi cả đời bố đổ mồ hôi, sôi nước mắt gây dựng sẽ về tay mẹ con họ à?
Cả nhà bỗng im lặng. Còn ông Bình thì ngỡ ngàng, ngơ ngác, bởi ông không ngờ chuyện tưởng chừng rất đơn giản lại khiến các con có phản ứng gay gắt như vậy. Ông hướng ánh mắt về phía cậu con trai thứ ba như cầu cứu. Hiểu ý cha, con trai thứ ba từ tốn nói:
- Các anh và em trai út nói cũng có phần đúng, nhưng cứ bình tĩnh để xem bố nói hết câu chuyện đã, biết đâu người phụ nữ bố chọn cũng yêu thương bố thật lòng?
Người nói qua, người nói lại đến gần nửa đêm, việc ông Bình muốn lấy vợ vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các con.
Nhờ câu nói của cậu ba, ông Bình đồng ý về ở với con một thời gian cho khuây khỏa. Vợ chồng cậu ba chăm sóc ông ân cần, chu đáo. Hằng ngày, ông chỉ việc nằm nghỉ ngơi, xem ti vi, lướt điện thoại… Nhưng nhà con trai không khác gì cái hộp, ông cứ loanh quanh, luẩn quẩn đến cuồng cả chân tay. Muốn hút điếu thuốc lào lại phải tụt theo cầu thang máy từ tầng 23 xuống tận tầng trệt mới có. Ông đánh liều mua luôn cái điếu cày về giấu ở góc nhà, đợi con đi làm thì hút cho xả láng. Nhưng một lần chợt tỉnh giấc giữa đêm, ông lại tình cờ nghe các con to nhỏ:
- Bố anh ở bẩn quá, em không hầu được đâu. Giờ còn lôi cả cái điếu cày về nhà. Em hết chịu nổi rồi. Sao anh em nhà anh không để ông lấy vợ quách đi cho xong…
- Em bé bé cái miệng thôi, còn cái nhà của ông đó, có muốn lấy nốt thì ngậm miệng lại, cố mà chịu đựng. Giờ để ông lấy vợ thì cái bìa đỏ sẽ về tay ai?
- Thế anh tỏ ra đồng ý là giả vờ à?
- Chứ sao! Anh không như vậy sao lừa được ông về đây ở với vợ chồng mình. Đợi thêm thời gian nữa, để ông tin tưởng sẽ lấy được sổ đỏ từ tay ông thôi. Em cứ chờ xem, mai mốt, các anh kiểu gì chả đến đây đòi rước ông về nuôi, mình phải khéo mới lừa được bố và các anh chứ!
Nghe tới đây, ông Bình như muốn ngã khuỵ. Đầu óc ông quay cuồng, tim đập loạn xạ. Đứa con mà ông tin tưởng, yêu thương nhất sao lại có thể thốt ra những lời như vậy? Ông không dám bước, sợ gây tiếng động mà bò về giường nằm trằn trọc tới sáng.
Đúng như dự đoán của cậu ba, ngay hôm sau, vợ chồng anh cả đến một mực đòi đưa bố về nhà mình. Rồi cậu hai, cậu tư cũng lần lượt tới thăm, đưa ra đủ lý lẽ thân tình, đạo lý để nhận trách nhiệm nuôi bố.
Nghĩ các con có lòng hiếu thuận, ông Bình từng có dự định bán nốt căn nhà về ở với con, nhưng ông không ngờ mình đã phải rời khỏi nhà các con như một kẻ trốn chạy. Trong cơn ác mộng, ông thấy 4 thằng con trai ông, phùng mang trợn mắt, đứa ghì chân, đứa khóa tay, đứa bóp cổ… bắt ông đưa cho chúng chiếc hộp sắt, trong đó cất bìa đỏ. Nếu trao nốt căn nhà cho các con, ông sẽ ở đâu? Ông quyết phải giữ thật chặt nó cho tới hơi thở cuối cùng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin