Khắc phục khó khăn ở Phục Linh không thể là giải pháp tình thế

15:29, 01/07/2008

Sau vụ sạt lở đất bãi thải số số 3 của Mỏ than Phấn Mễ 4 ngày, chúng tôi có mặt ở xóm Khuôn 2, xã Phục Linh (Đại Từ)- nơi có 16 hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng về tài sản, nhà cửa hoa màu.

Ngay khi sự cố xảy ra, Mỏ than Phấn Mễ đã nhanh chóng cắt cử tổ công tác về địa phương để giúp đỡ những hộ trong vùng nguy hiểm di chuyển chỗ ở và hỗ trợ kịp thời những gia đình bị thiệt hại nặng; tổ chức họp với dân, cán bộ địa phương bàn giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài. Đối với hộ bị vùi lấp nhà cửa, tài sản, cây cối Mỏ than Phấn Mễ đã hỗ trợ 15 triệu đồng (gia đình ông Lương Văn Mạnh); việc bồi thường tài sản, cây cối, hoa màu và đất đai sẽ được thực hiện ngay sau khi có số liệu kiểm tra, kiểm kê, tính toán của tổ công tác cùng với gia đình; đối với các thửa ruộng sau khi có số liệu kiểm kê diện tích, sản lượng bình quân của khu vực đã được thống nhất giữa gia đình và tổ công tác, Mỏ sẽ chi trả bằng tiền mặt theo thời giá hiện tại hoặc bằng thóc. Riêng về phía đất ruộng của các thửa chưa gặt và đã gặt sẽ kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Đường giao thông, cống thoát nước trước mắt Mỏ đã làm tạm và tiếp tục cải tạo cho tốt hơn để phục vụ việc đi lại của nhân dân…

 

Những việc Mỏ than Phấn Mễ đã và đang làm để khắc phục sự cố xảy ra là kịp thời và bước đầu bình ổn được tâm lý của người dân. Song theo ý kiến của các đồng chí Đỗ Tiến Thành, Chủ tịch HĐND, Thường trực Đảng uỷ xã; Lê Đình Thiện, Trưởng Công an xã Phục Linh và ý kiến của một số cán bộ, nhân dân địa phương mà chúng tôi đã trao đổi thì những sự việc tương tự đã từng xảy ra ở Phục Linh đều được Mỏ than Phấn Mễ đến khắc phục kịp thời, nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Xã Phục Linh kiến nghị Mỏ than Phấn Mễ cùng các cấp, ngành có liên quan cần tìm ra giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, thoả đáng giữa hai bên, để giải quyết các khó khăn ở Phục Linh để người dân yên tâm lao động sản xuất. Chưa kể, hiện nay ở cánh đồng Cửa Chùa thuộc 3 xóm Cẩm 1, Cẩm 2, Cẩm 3 có đến gần một trăm hố sụt lún (có đường kính khoảng 5 m, sâu 2-3 m), nên trên diện tích hơn 17 ha nông dân không cấy được lúa mà phải chuyển sang trồng màu 2-3 năm nay (Trước đó cánh đồng này cho năng suất lúa lớn thứ 2 của xã Phục Linh).

 

Ông Vũ Huy Trực, Trưởng xóm Cẩm 3 bức xúc: 100% số hộ ở đây sống bằng sản xuất nông nghiệp là chính, song 2-3 năm trở lại đây chúng tôi không có đất để gieo cấy lúa vì những cánh đồng đất cứ sụt xuống thành những hố sâu, ruộng không giữ được nước để gieo cấy, nhiều lao động đã phải đi làm thuê khắp nơi hoặc vay mượn tiền để đi lao động xuất khẩu. Tất cả các giếng nước ở đây cũng cạn khô, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân. Các hiện tượng này bắt đầu xảy ra khi Mỏ than Phấn Mễ đi vào hoạt động khai thác ở gần khu vực này(?). Theo ý kiến của lãnh đạo địa phương vấn đề này đã được đưa ra chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp HĐND các cấp, song đến nay vẫn chưa được giải quyết thoả đáng…

 

Trước sự việc xảy ra trên địa bàn xã Phục Linh, chúng tôi đã có buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Quang Ngô, Phó Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ. Đồng chí Ngô thẳng thắn nhìn nhận những sự việc đã xảy ra là nằm ngoài mong muốn của 2 bên và hứa tiếp tục cùng với Ban giám đốc tìm giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và triển khai thực hiện trong thời gian ngắn nhất để giải quyết những tồn tại trên, hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra cho người dân (như phần đầu bài viết chúng tôi đã nêu).

 

Còn về việc sụt lún các hố sâu ở các đám ruộng thì đồng chí Ngô giải thích: Theo thông báo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Thái Nguyên số 39 về việc giải quyết vấn đề sụt lún đất tại các cánh đồng kể trên ở xã Phục Linh ngày 11-1-2005, thì tình trạng sụt lún được coi là sự cố môi trường, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. Mỏ than Phấn Mễ đã tích cực chủ động cùng với chính quyền và nhân dân địa phương khắc phục tình trạng sụt lún ban đầu như đổ đất, san lấp để trả lại mặt bằng cho sản xuất nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ cho người nông dân...

 

 Căn cứ vào các tài liệu địa chất khu vực và tài liệu địa chất mỏ, xác định các cánh đồng bị sụt lún chính là một thung lũng cattơ, bên dưới đất canh tác dày 5-6 m hoàn toàn là đá vôi. Trong các tầng đá vôi việc hình thành và phát triển các hang động cattơ do bào mòn của nước ngầm là một qúa trình địa chất tự nhiên. Vì vậy khi mực nước ngầm trong các hang động cattơ bị hạ thấp do hoạt động khai thác mỏ là nguyên nhân chính kết hợp với thời tiết khô hạn đã dẫn đến tình trạng sụt lún trên. (?)

 

Như vậy hiện tượng sụt lún đất đã được các ngành chức năng nghiên cứu và giải thích, còn người dân thì vẫn không có đất để gieo cấy lúa, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn? Câu trả lời vẫn tiếp tục dành cho các cấp, ngành có liên quan!