Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nằm ở khu đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường (Gio Linh, Quảng Trị). Nghĩa trang hiện là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn anh hùng liệt sĩ trong cả nước. Trong đó có trên 200 anh hùng liệt sĩ quê ở Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Sau khi làm lễ xong, anh đưa chúng tôi đi 1 vòng quanh Nghĩa trang, giới thiệu: Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn gồm 5 khu. Khu 1 từ dưới cổng đi lên, 2 bên có 6 bức phù điêu được khắc bằng đá tượng trưng cho sức mạnh của các binh chủng của Bộ đội Trường Sơn trong suốt 16 năm chiến đấu (1959-1975). Trên núi rừng Trường Sơn hùng vỹ, ở chính giữa là một tượng đài được xây theo kiểu hình thế chân kiềng, tượng trưng cho tình đoàn kết của 3 nước: Lào, Việt Nam và CamPuChia. Nhìn từ phía dưới lên, bên phải của Đài, gồm có phần mộ liệt sỹ của Hà Nội, Bình Trị Thiên và các tỉnh phía Nam, được đặt theo kiểu kết cấu của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phía bên trái của Đài, gồm 5 cán bộ trung, cao cấp; 8 anh hùng liệt sỹ và 68 ngôi mộ ban đầu chưa xác định được tên tuổi, nhưng gần đây, theo con đường tâm linh, đã có trên 20 ngôi đã xác định được tên tuổi.
Nhìn từ Khu 1 theo bình độ dốc đi xuống là Khu 2, gồm liệt sỹ của tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình và có 78 mộ tử sỹ. Phía sau lưng Tượng đài, qua một quả đồi khác là Khu 3, gồm liệt sỹ các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh và Bắc Giang. Phía bên trái của Đài và theo bình độ dốc đi xuống là khu vực 4, gồm liệt sỹ của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hoá. Đứng từ trên lễ đài nhìn xuống, cách trung tâm hành lễ khoảng 400m là Khu vực 5, gồm liệt sỹ của tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn và Lai Châu.
Trong tổng thể Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, 64 tỉnh, thành trong cả nước đều có liệt sỹ đang an nghỉ tại đây. Ở giữa Khu vực 4 và Khu vực 5 có một loạt quần tượng được khắc bằng đồng, gồm tượng hợp đồng binh chủng. Trong cụm này có một anh quan chắc, một anh công binh và một anh lái xe. Khi anh quan chắc nhìn thấy trên bầu trời không có máy bay thì anh công binh bắn hiệu lệnh để cho anh lái xe đi tới chiến trường. Hình tượng thứ 2 là cô gái đang chữa đường ống xăng dầu. Hình tượng thứ 3 là tuổi trẻ hành quân lên đường vào Nam chiến đấu. Hình tượng thứ 4 là tượng bà mẹ Lào đang buộc sợi chỉ đỏ vào cổ tay anh bộ đội và một đứa trẻ của Lào đang cầm tít sôi (trõ sôi). Theo phong tục của Lào là chúc cho sự may mắn, bình an.
Hình tượng tiếp theo là cô gái Vân Kiều đang tải đạn ra chiến trường; hình tượng cô gái giao liên trên đường đi làm về một tay cầm măng, và một tay cầm rau, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính trẻ trong những năm kháng chiến chống mỹ của bộ đội Trường Sơn. Và đặc biệt ở trong khu vực này có một bia công kích được xây 3 mặt: Mặt thứ nhất trích ghi lại lời phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội. Mặt thứ 2 ghi lại cảm nghĩ những cá nhân và đơn vị xuất sắc được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương anh hùng. Mặt thứ 3 ghi lại chiến công của các binh chủng của Bộ đội Trường Sơn trong nhhững năm kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trường Sơn.
Từ dưới cổng đi vào, nhìn về phía bên tay phải là khu hành tiết, ở đó thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ. Đứng từ nhà khánh tiết, nhìn về phía Tây Bắc khoảng 150m, có hầm chỉ huy thu nhỏ của Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Còn phía trước mặt Nhà khánh tiết là một cái hồ rộng khoảng 4 ha- là một trong những sự tích vì nó không bao giờ cạn. Khi xây dựng nghĩa trang, ông Đồng Sỹ Nguyên, Nguyên Tư lệnh Đoàn 559 cho đào hố để giữ được lượng nước cho xây dựng.
Khi mới đào được khoảng 2m thì gặp một mạch nước ngầm phun lên rất cao. Ông huy động cả nhân lực, vật lực đào rộng ra và sâu xuống. Ở giữa, ông cho đắp một cái cù lao và làm một chiếc cầu bê tông để đi ra chiếc cù lao đó. Ở miền Trung, đặc biệt là ở tỉnh Quảng Trị, thời tiết rất khắc nghiệt, lại trên đồi cao nhưng hồ này không bao giờ cạn. Ở giữa Cù Lao đó có 2 quần tượng được đúc bằng đồng. Một quần tượng là anh lái đò đang chuyển tải đạn qua sông và một quần tượng cô gái giao liên đang nằm nghỉ trên chiếc võng. Đi vào ngưỡng cửa của các khu mộ cũng có một tượng được đúc bằng đồng là một bà mẹ đang tiễn con đi làm nhiệm vụ. Tổng thể có 9 tượng được đúc bằng đồng và có 6 bức phù điêu được đắp bằng đá khối.
Sát sau Đài tưởng niệm, cân đối hài hòa như có bàn tay nghệ nhân sắp đặt là một cây bồ đề. Đây là cây bồ đề tự mọc. Nghĩa trang khánh thành được 6 tháng, vào tháng 10-1977 đột nhiên mọc lên cây bồ đề này. Và dường như sợ có người nhầm lẫn mà nhổ đi, cây bồ đề lớn rất nhanh, chẳng mấy đã vươn cành lá um tùm, che mát Đài tưởng niệm. Anh Ái dừng chân dưới gốc bồ đề nói: “Chúng tôi đã tìm hiểu, trong vòng bán kính khoảng 10 cây số xung quanh đây không hề có bồ đề”. Cây bồ đề trở thành cây thiêng của Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Hàng năm, với tấm lòng tri ân của tất cả các tỉnh, thành, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn được đầu tư nâng cấp hàng tỷ đồng. Nghĩa trang giờ không chỉ là nơi hàng vạn người con ưu tú của dân tộc yên nghỉ, mà còn là nơi thế hệ hôm nay, mai sau tìm về để tưởng vọng những công sức cha anh đã không tiếc máu xương vì hoà bình Tổ quốc; những người bạn cùng chung chiến hào năm xưa tìm về thắp nén nhang tưởng niệm đồng đội; những du khách phương xa dừng lại để ngưỡng vọng về một dân tộc anh hùng. Đây đã trở thành chốn linh thiêng của dân tộc.