3 người chết, 6 người bị thương

14:35, 17/10/2008

Mực nước tại các sông chạm mức báo động 3; lũ đang lên nhanh . Nhiều địa phương sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. Sau nhiều ngày mưa lớn liên tiếp, đến ngày 17-10, nhiều tỉnh, thành ở miền Trung ngập trong biển nước và chịu nhiều thiệt hại nặng nề.

Thừa Thiên - Huế: Một trẻ sơ sinh chết vì lốc

Đến chiều 17-10, mực nước các sông ở Thừa Thiên - Huế đạt báo động 3 và vượt báo động 3; lũ trên các sông lên nhanh. Mưa lũ đã gây ngập úng trên diện rộng. Nhiều tuyến đường và các phường ở TP Huế ngập sâu bình quân từ 0,5 – 1 m. Các xã dọc theo triền sông Bồ, sông Ô Lâu ngập bình quân 0,5 m; Tỉnh lộ 49B ngập 0,7 m; nhiều vùng ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà ngập từ 0,5 – 1 m... Giao thông tại nhiều khu vực trong tỉnh bị tê liệt trong nhiều giờ.

TTXVN ngày 17-10 dẫn lời ông Hoàng Văn Giải, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, cho biết: Hồi 4 giờ ngày 17-10, một cơn lốc đi qua 5 thôn thuộc xã Lộc An, làm tốc mái 50 nhà dân và 3 phòng học của Trường Mẫu giáo Đại Thành. Lốc làm chìm 5 thuyền của cư dân thôn Đông Hưng, xã Vinh Hưng, làm chết một cháu bé 1,5 tháng tuổi.

Đà Nẵng: Ngập sâu

Sau những ngày mưa lớn liên tiếp, một số tuyến đường tại TP Đà Nẵng ngày 17-10 đã bị ngập sâu trong nước, gây ách tắc giao thông. Mực nước các sông cũng đang lên nhanh. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các phương án phòng - chống, sẵn sàng đối phó với lũ, thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng chống lũ; hạn chế nhân dân đi lại ở những vùng thấp trũng. Đội CSGT đường thủy Công an Đà Nẵng cũng đã sắp xếp các tàu thuyền đánh cá neo đậu trên sông Hàn di chuyển về âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, đề phòng lũ lớn xảy ra.

Quảng Nam: Hai người chết

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Phan Đức Tính, đã có trên 3.000 ngôi nhà trong huyện bị ngập, địa phương phải sơ tán 420 người dân vùng trũng thấp dọc sông Vu Gia đến nơi trú ẩn an toàn. Ở huyện Bắc Trà My, tình trạng sạt lở đất xảy ra liên tiếp tại nhiều tuyến đường, gây ách tắc. Đường đi Quế Trung, Quế Lộc và các xã vùng Tây huyện Nông Sơn ngập sâu hơn 2 m. Các huyện Nông Sơn, Bắc Trà My, Đông Giang... bị mất điện.
Lúc 5 giờ ngày 17-10, tại thôn Lâm Bình Phương, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My đã xảy ra sạt lở đất, làm bà Võ Thị Tùng (SN 1951, quê huyện Quế Sơn - Quảng Nam) chết tại chỗ. Cũng trong sáng 17-10, xác của anh Trương Vĩnh Thịnh (SN 1975, ở thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc - Quảng Nam) đã được tìm thấy tại sông An Điềm. Vào chiều 15-10, anh Thịnh đi làm rẫy về, khi đi qua suối Yều thì bị nước lũ cuốn trôi.

Ngay từ sáng 17-10, Hội An đã chìm ngập trong biển nước. Hơn 2.000 hộ dân đã phải sơ tán tránh lũ. Trong khi đó, trong ngày, mực nước các sông ở Quảng Nam đều xấp xỉ mức báo động 3.

Quảng Ngãi: Hàng loạt nhà sập

Đến chiều 17-10, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn mưa rất to, mực nước các sông Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ đều trên mức báo động 3, mưa lũ khiến giao thông trên một số tuyến đường liên huyện Sơn Hà - Sơn Tây bị gián đoạn. Cầu sông Liên (thị trấn Ba Tơ) bị ngập gây ách tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 24 Quảng Ngãi đi Kon Tum. Một khối lượng lớn đất đá từ núi Tan Via, thôn Huy Măng, xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây) đã bất ngờ bị lở và đổ ập xuống làm sập hoàn toàn 2 căn nhà của ông Phạm Ngọc Minh và ông Nguyễn Duy Sắc, trực tiếp đe dọa 46 hộ dân xung quanh.

Tại huyện Mộ Đức, trong đêm 16 rạng sáng 17-10, một cơn lốc mạnh kèm theo mưa to quét qua 2 xã Đức Chánh và Đức Nhuận làm 57 ngôi nhà tốc mái, làm rơi ngói khiến 4 người bị thương nặng. Vào thời điểm này, tại huyện Nghĩa Hành cũng xảy ra một cơn lốc làm gần 100 ngôi nhà hư hại, 2 người bị thương nặng. Ngay trong ngày, huyện Ba Tơ đã hoàn thành di dời 29 hộ dân đến khu tái định cư mới tại xã Ba Vinh; sơ tán 17 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở tại xã Ba Lế.