Trong điều kiện mở rộng hội nhập, hợp tác kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ kinh doanh bó hẹp trong nước mà đã vươn tầm ra thế giới, vấn đề giữ gìn bản sắc, giữ gìn văn hóa trong kinh doanh lại càng cần thiết.
Mới đây, chúng tôi có dịp cùng đại diện ba doanh nghiệp của tỉnh là: Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng và HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công về Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội để nhận giải thưởng “Sao Vàng đất Việt”. Đây là những doanh nghiệp, doanh nhân điển hình - những bông hoa đẹp, đại diện cho gần 2.000 doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh vinh dự được nhận giải thưởng này.
Đánh giá một cách tổng quát, thì trong những năm gần đây, do nhiều yếu tố tác động tích cực của xã hội, nhất là những cơ chế chính sách thông thoáng của tỉnh đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp hình thành và phát triển. Giá trị các doanh nghiệp đem lại không chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn có giá trị về xã hội. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người, thậm chí hàng nghìn người; đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước... Qua đó, các doanh nghiệp, doanh nhân đã khẳng định được vị thế, khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng không thể tách rời và chính họ đang có những đóng góp lớn làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, những giá trị mà doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp cho xã hội, thì cũng còn nhiều vấn đề phải bàn, phải suy nghĩ. Thực tế chứng minh, đã có nhiều sai phạm đang diễn ra ở các doanh nghiệp, như: Công ty VEDAN Việt Nam đã 14 năm liên tục đổ nước thải ra sông Thị Vải, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khoẻ, sản xuất của nhân dân; hàng hoạt các công ty đã nhập sản phẩm sữa bột nhiễm độc melamine có nguồn gốc Trung Quốc để pha chế thành sữa tiệt trùng, các sản phẩm bánh kẹo bán ra xã hội; rồi có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng giả, hàng nhái nhãn mác, hàng kém chất lượng để trục lợi; có nhiều doanh nghiệp trốn, nợ thuế kéo dài, vi phạm Luật Lao động đối với công nhân... Và như vậy, lại một lần nữa chúng ta phải bàn về văn hóa kinh doanh!
Trao đổi với tôi, anh Đinh Huy Chiến, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh khẳng định: “Kinh doanh thực chất là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội. Mọi bi kịch đều nằm ở chỗ doanh nghiệp, doanh nhân đó có định vị được bản chất kinh doanh không. Doanh nghiệp, doanh nhân biết cách vì người luôn là cách vì mình khôn ngoan nhất. Có tiền nhưng phải được nể trọng. Không thể kiếm tiền bằng mọi cách mà kiếm tiền phải đi liền với văn hóa...”
Có nhiều người cho rằng, thông thường kinh doanh tất yếu phải có lợi nhuận. Coi kinh doanh là kiếm tiền bằng cách đem lại giá trị cho xã hội, phụng sự xã hội điều này có vẻ khiến doanh nghiệp, doanh nhân phải đi con đường dài, bền bỉ chứ không thể ăn đong bằng một số cách thức “ăn xổi ở thì” nhằm đạt lợi nhuận như mong muốn. Anh Lê Quý Dương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim khí Gia Sàng, người luôn đề cao vai trò của văn hóa trong kinh doanh quan niệm: “Một người khi bước vào thương trường cần trả lời được hai câu hỏi: Doanh nhân là ai? Kinh doanh là gì? Không ai có thể làm tốt nếu không hiểu một cách thấu đáo vài trò và bản chất của công việc mình làm. Lẽ thường trong kinh doanh bao giờ người ta cũng muốn kiếm được tiền nhanh, nhiều và bền, đồng thời được xã hội nể trọng. Nhưng để làm được điều mong muốn ấy, cốt lõi doanh nghiệp, doanh nhân phải có nền tảng văn hóa, phải áp dụng được văn hóa vào kinh doanh. Văn hóa được thể hiện ở nhiều góc độ trong đời sống xã hội, trong cư xử của doanh nghiệp, doanh nhân từ việc nhỏ đến việc lớn. Việc các doanh nghiệp, doanh nhân gia nhập Hội doanh nghiệp trẻ, Câu lạc bộ doanh nghiệp nữ, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa là để hợp tác, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn cũng là hoạt động mang tính văn hóa rất cao...”
Trong điều kiện mở rộng hội nhập, hợp tác kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ kinh doanh bó hẹp trong nước mà đã vươn tầm ra thế giới, vấn đề giữ gìn bản sắc, giữ gìn văn hóa trong kinh doanh lại càng cần thiết. Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hoạt động trong nền kinh tế thị trường mới hình thành và đang chờ đợi sự hoàn thiện, trong khi đó phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt của các đối tác, các doanh nghiệp nước ngoài đang đổ bộ rầm rộ vào Việt Nam, thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là giữ vững nền tảng văn hóa.