DN sữa có quyền khiếu nại

13:46, 12/10/2008

Liên quan đến việc nhiều xét nghiệm của Bộ Y tế và doanh nghiệp cho kết quả trái ngược nhau, đại diện Bộ Y tế cho biết, mẫu của Bộ được thừa nhận về tính chất pháp lý, còn mẫu của doanh nghiệp tự kiểm nghiệm có giá trị đối với chính mẫu sản phẩm mang đi kiểm nghiệm đó.

Chánh thanh Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết, những labo kiểm nghiệm mà Bộ Y tế gửi mẫu đi làm đều đạt chuẩn. Bộ Y tế cũng đã có những labo làm “trọng tài” để kết quả xét nghiệm được chính xác. Doanh nghiệp vẫn có quyền có ý kiến theo luật khiếu nại tố cáo.

Sau ngày thực hiện xét nghiệm, mẫu sản phẩm vẫn còn lưu tại labo sau 3 tháng. Trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị làm lại xét nghiệm, chúng tôi sẽ lấy mẫu còn lưu trong labo, mang đi xét nghiệm tại 1 trong 3 labo “trọng tài”. Sau khi xét nghiệm lần 2, mẫu lưu sẽ không còn. Do đó, kết quả xét nghiệm lần 2 sẽ là kết quả cuối cùng.

Chánh thanh tra Trần Quang Trung khẳng định: “Vừa qua Cty cổ phần Á Châu (Cty Á Châu) có sản phẩm nguyên liệu thực phẩm Non Dairy Creamer do Viện Vệ sinh y tế công cộng (VSYTCC) TP.HCM kiểm nghiệm cho kết quả dương tính với melamine. Thế nhưng, Cty tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 TP.HCM (TT 3) và Central Laboratory (Thailand) Co.,Ltđ thì lại cho kết quả không có melamine. Mẫu sản phẩm của Cty cổ phần Á Châu được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM lấy mẫu đi có biên bản bàn giao, đánh số trước sự chứng kiến của lãnh đạo Cty, mẫu nguyên liệu sữa có tính chất đại diện cho cả lô sản phẩm. Mẫu được giao cho Viện VSYTCC kiểm nghiệm được thừa nhận về tính chất pháp lý. Còn mẫu sản phẩm của Cty tự lấy mẫu, gửi đi tới các trung tâm xét nghiệm không có sự chứng kiến của cơ quan chức năng nào, thì chỉ có giá trị đối với chính mẫu sản phẩm mang đi kiểm nghiệm đó”.

Bộ Y tế cũng đã trả lời băn khoăn của doanh nghiệp rằng, mẫu gửi kiểm nghiệm melamine tại các cơ quan kiểm nghiệm của Cty Á Châu là chưa đồng nhất về quy trình lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển, quy cách đóng gói... Vì vậy, theo quy định, kết quả xét nghiệm melamine trong 2 phiếu kiểm nghiệm chỉ có giá trị đối với từng mẫu đơn lẻ.

Liên quan đến sữa nhiễm melamine, Thanh tra Bộ Y tế cũng có công văn xác nhận 11 sản phẩm và nguyên liệu của Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) không nhiễm melamine do Trung tâm Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (Viện Dinh dưỡng xét nghiệm). Đó là sữa tiệt trùng IZZI có đường, sữa tiệt trùng IZZI hương dâu, sữa tiệt trùng IZZI dưa mật, sữa tiệt trùng IZZI socola, sữa chua uống YOTUTI hương cam, sữa chua uống YOTUTI hương dâu, sữa tươi Hanoimilk 100% có đường, sữa tươi nguyên liệu mẫu 2, SKIMMILKPOWDER 1, WHOLE MILKPOWDER 2, SKIMMILKPOWDER 3.

Siêu thị kinh doanh hoa quả mốc, không có hạn sử dụng

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm trên địa bàn quận Hoàng Mai, mục đích chính nhằm vào các mặt hàng sữa và chế phẩm chế biến từ sữa, nguyên liệu sữa. Qua kiểm tra tại khu vực kinh doanh rau quả của Metro, đoàn đã phát hiện một số sai phạm quy chế ATVSTP.

Cụ thể, siêu thị bày bán nhiều túi nho đỏ của Mỹ, Mexico nhưng trên gói sản phẩm bán lẻ không ghi hạn sử dụng, cũng không có nhãn phụ tiếng Việt. Tương tự, táo đỏ, táo xanh đóng gói có ghi nguồn gốc xuất xứ tại Chi Lê, New Zealand nhưng không có hạn sử dụng. Rất nhiều thùng đựng cam, số cam này có xuất xứ từ Mỹ nhưng không hề ghi nguồn gốc, xuất xứ trên sản phẩm bán lẻ. Đặc biệt, đoàn đã phát hiện một số quả cam đã bị giập, nẫu, mốc trắng vẫn được bày bán.

Kiểm tra tại kho nguyên liệu của Công ty cổ phần kinh doanh và chế biến thực phẩm Thắng Lợi (phường Vĩnh Hưng) thấy, công ty sử dụng nhiều bao nguyên liệu sữa nhằm phục vụ sản xuất bánh quy, bánh xốp. Phần lớn là sữa nhập từ Australia và không nằm trong danh mục các loại sữa nhiễm melamine đã được công bố.