''Hà Nội ngày trở về'' - một lần nữa tái hiện những dấu ấn lịch sử

14:39, 08/10/2008

Vào tháng 8/1954, Bác Hồ đã quyết định dời cơ quan của Đảng, Chính phủ về Đại Từ để tiện cho quan hệ đối ngoại và huấn luyện công tác tiếp quản Thủ đô. Vào 20 giờ tối 10/10,  sẽ diễn ra chương trình cầu truyền hình trực tiếp: Hà Nội ngày trở về nhân kỷ niệm 54 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10) tại 5 điểm cầu.

Khi biết Đài PT- TH Hà Nội, Thái Nguyên, Điện Biên xây dựng Cầu truyền hình đặc biệt ý nghĩa này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư động viên: ''Tôi hoan nghênh sáng kiến của Đài PT- TH Hà Nội, Thái Nguyên và Điện Biên tổ chức cầu truyền hình ''Hà Nội ngày trở về'', nhân dịp 54 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Đây là dịp để tôn vinh đồng bào và chiến sỹ nước ta, nhất là đồng bào và chiến sỹ Tây Bắc, Việt Bắc và Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã làm nên một Điện Biên Phủ ''chấn động địa cầu'', để có ngày 10/10 đón Bác và Trung ương trở về Thủ đô''.

Những người làm truyền hình của Hà Nội - Thái Nguyên và Điện Biên xây dựng Cầu truyền hình nhằm một lần nữa tái hiện những dấu ấn, ký ức lịch sử. Đây chính là món quà chào mừng kỷ niệm 54 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/2008), được truyền hình trực tiếp từ 5 điểm cầu vào 20giờ tối 10/10/2008.

Theo trục thời gian, người xem có thể hình dung lại mùa đông năm 1946, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, đó là hình ảnh lúc 20h03'' ngày 19/12/1946, một tiếng nổ vang lên từ Nhà máy điện Yên Phụ, cả Hà Nội chìm trong đêm tối, những phát đại bác được bắn đi từ pháo đài Láng, hiệu lệnh của dân tộc cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm bắt đầu. Tiếp đó là 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh "Trước đau thương Hà Nội không buồn- Hà Nội rắn như thanh sắt nguội... Mỗi con đường cũng muốn thành chiến sỹ- Kiêu hãnh mang thương tích trên mình".

Vốn đã biết trước dã tâm của thực dân Pháp muốn quay trở lại chiếm nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính Phủ đã có sự chuẩn bị cho việc lãnh đạo đất nước trong một căn cứ an toàn- Việt Bắc.

Những đoàn quân, những đơn vị, cơ quan lần lượt rời Hà Nội về với Thủ đô kháng chiến mà "Người ra đi đầu không khoảnh lại- Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Những tình cảm của người Hà Nội đi kháng chiến "Tôi nhớ tôi, tôi nhớ Hà Nội, Hà Nội nhớ Hà Nội. Thân thể còn đây, hồn Hà Nội đã đi rồi...". Hà Nội đi là đi về Việt Bắc để "Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền".

Ngày ấy, cả Thị xã Thái Nguyên chấp hành mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ quốc tiêu thổ kháng chiến, trở thành đống gạch vụn, đón tiếp những đoàn quân về với Chiến khu. Tới Thái Nguyên đồng chí Trường Chinh viết "Có thể nói, Thái Nguyên là cửa ngõ đi vào Việt Bắc, một đội du kích canh gác cửa ngõ Việt Bắc và một nhân viên tiếp tế cho cả ngược và xuôi. Rồi ngót 9 năm những dấu ấn còn để lại giữa núi rừng ATK là nơi Bác Hồ viết tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc", là nơi Quân đội nhân dân tiếp tục trưởng thành, là nơi mà hầu hết các quyết sách quan trọng của Đảng và Chính Phủ đều đã được quyết định. Cầu truyền hình đặc biệt khai thác điểm nhấn, đó là ngày 6/12/1953 tại lán Tỉn Keo- xã Phú Đình, Bác Hồ, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết định cho toàn thắng.

Lán Tỉn Keo (Phú Đình, Định Hóa) nơi Bác Hồ, Bộ Chính trị
đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lịch sử chưa nói nhiều, nhưng chi tiết rất mới của điểm cầu Thái Nguyên lần này là tái hiện những ngày liền kề với tiếp quản Thủ đô. Chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô, vào tháng 8/1954, Bác Hồ đã quyết định dời cơ quan của Đảng. Chính phủ về Đại Từ để tiện cho quan hệ đối ngoại và huấn luyện công tác tiếp quản Thủ đô. Tại đây, Bác Hồ đã tổ chức 2 lớp huấn luyện tiếp quản Thủ đô, Bác căn dặn từng li từng tí, trong đó đặc biệt lưu ý về phẩm chất của cán bộ kháng chiến vốn chịu đựng gian khổ nay về với nơi phồn hoa đô thị sẽ rất dễ xa ngã, bởi những viên đạn bọc đường. Bác huấn luyện cả công tác cải cách ruộng đất, việc làm cuối cùng của mục tiêu "người cày có ruộng". Cũng tại Đại Từ, lúc này đã có các đại sứ quán của các nước Liên Xô, Trung Quốc và một buổi lễ trình quốc thư của đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa La Quý Ba lên Bác Hồ. Cũng chính tại khu trung tâm Bản Ngoại và La Bằng, Bác đã lên đường đi thăm Đền Hùng, tại đây, Người đã nói câu nói nổi tiếng "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Rồi sau đó Bác lại trở lại Đại Từ lo tiếp các phần việc cho ngày tiếp quản Thủ đô. Điều không mấy người được biết, đó là chính ngày 10/10/1954, trong khi các đoàn quân rầm rập tiến vào thủ đô thì tại Đại Từ, với chiếc bàn tre nứa đơn sơ, Bác viết lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng "Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! 8 năm qua, Chính Phủ phải rời thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính Phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân đoàn kết nhất trí, Quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng rồi, Chính Phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn kể".

Với thời gian 150 phút của cầu truyền hình, chắc chắn sẽ không thể nói được hết những điều cần nói, cần tái hiện, nhưng dẫu sao cũng thêm một dịp để chính chúng ta hiểu hơn về mảnh đất chúng ta đang sống, từng nỗ lực phấn đấu xây dựng.