Mở hướng vì một thành phố hiện đại

11:13, 19/10/2008

Trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Thái Nguyên đã có những bước chuyển tích cực, thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội địa phương đi lên, khẳng định được vị thế là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh và vùng Việt Bắc, trong đó công tác quy hoạch xây dựng đô thị đang dần có những nét đổi mới.

Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Phan Ngọc, Phó phòng Quản lý đô thị T.P Thái Nguyên cho biết: ''Muốn có một thành phố phát triển, trở thành đô thị loại I, điều đầu tiên phải có quy hoạc tổng thể, quy hoạch chi tiết, rồi mới đến việc thực hiện từng phần việc cụ thể theo quy hoạch. Tuy nhiên, nói về quy hoạch xây dựng thì rất rộng, phải dựa trên việc quản lý về quy hoạch, đất đai, hạ tầng, về môi trường và việc thanh tra xử lý vi phạm. Thực tế cho thấy, từ quy hoạch cho đến thành hiện thực là cả một vấn đề, thậm chí có những công trình khó thành hiện thực…''

Kể từ năm 1996 đến nay, TP. Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc xây dựng phát triển đô thị. Bộ mặt của Thành phố đã có những thay đổi đáng kể. Hàng trăm ki-lô-mét đường nội thị, ngoại thị đã được cải tạo, xây dựng mới. Nhiều công trình kiến trúc phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân được xây dựng. Hệ thống hạ tầng đã được Thành phố quan tâm cải tạo như điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, cây xanh và công tác trật tự vệ sinh môi trường đô thị… Với những nỗ lực ấy, Thành phố đã được công nhận là đô thị loại II vào năm 2003. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý đô thị của Thành phố cũng còn một số tồn tại: Về công tác quản lý quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đã được Chính phủ phê duyệt năm 1996 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai quy hoạch chi tiết đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát sự phát triển đô thị ở các cấp; công tác quản lý xây dựng của Thành phố chưa theo kịp với tốc độ đô thị hoá. Tình trạng xây dựng trái phép hoặc không phép vẫn còn ở một số phường, xã; công tác trật tự xã hội và an toàn đô thị như chợ cóc, chợ tạm, buôn bán trên lòng đường vỉa hè... vẫn còn nhiều gây ách tắc, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; công tác vệ sinh môi trường đô thị ở những phường xa trung tâm còn chưa tốt. Tình trạng ngập úng về mùa mưa đang trở nên bức xúc và ngày càng gia tăng; các cơ sở sản xuất công nghiệp còn xen lẫn với khu dân cư…

Trước những thực trạng đó, để có đô thị phát triển xứng tầm với vị thế, tiềm năng thì việc quy hoạch xây dựng đô thị cần có đột phá, sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân. Kiến trúc sư Phan Ngọc khẳng định: "Phải nhận rõ được những tồn tại đó mới có những điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, trong điều kiện hạn hẹp về nguồn vốn và nhiều nguyên nhân chủ quan khác dẫn đến chậm chạp của các dự án, đã gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sự khó khăn trong quản lý của các cơ quan chuyên môn…"

Xác định quy hoạch xây dựng Thành phố hiện đại là nhiệm vụ quan trọng, vì thế, cấp uỷ, chính quyền các cấp đang có những định hướng phát triển rõ nét, đặc biệt là việc quy hoạch phát triển theo từng vùng. Cụ thể, phía Tây, sẽ khơi thông dòng chảy bằng hệ thống suối thoát nước theo hướng Đông - Tây, trồng cây xanh để khai thác cảnh quan hai bên dòng suối và cải tạo môi trường đô thị; đầu tư xây dựng khu công viên cây xanh, trung tâm thể dục thể thao cấp vùng; khu công nghệ cao của Thành phố, tổ chức quy hoạch làng sinh thái vườn đồi kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng hồ Núi Cốc.. Phía Đông, mở rộng sang 2 xã Đồng Bẩm và Cao Ngạn, khai thác cảnh quan 2 bên sông Cầu. Phía Bắc, khai thác quỹ đất hiện có đầu tư 2 cụm công nghiệp số 1, số 2 để quy tụ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Phía Nam coi trọng đầu tư các khu ở mới, các khu chung cư cao tầng; cải tạo các khu ở hiện trạng và xây dựng các khu du lịch sinh thái vườn đồi.

Để thực hiện được mục tiêu này, Thành phố đã có kế hoạch phân khu chức năng, giảm bớt quy mô đất đai các khu công nghiệp nằm trong nội thành, sát các khu dân cư đã bố trí trong đồ án cũ; dành quỹ đất hợp lý trồng cây xanh cách ly giữa các khu công nghiệp với các khu ở và các khu chức năng khác của đô thị. Về giao thông, chọn Quốc lộ 3 là giao thông đối ngoại theo trục Bắc - Nam. Mở tuyến đường mới là trục chính theo hướng Đông - Tây, qua khu đất Đại học Thái nguyên, xã Quyết Thắng đi khu du lịch hồ Núi Cốc để khai thác cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch. Về Kiến trúc cảnh quan, hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình thiên nhiên để tạo bản sắc kiến trúc của vùng trung du, khai thác cảnh quan đẹp hai bên sông Cầu…

Trong xã hội phát triển theo nền kinh tế thị trường, việc đầu tư đa dạng đã tạo cho bộ mặt đô thị có nhiều biến đổi lớn, đặc biệt là biến đổi về kiến trúc qui hoạch. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng và môi trường đô thị lại không cân xứng với tốc độ phát triển của đô thị. Quá trình đô thị hoá nhanh chóng tạo ra nhiều thuận lợi, nhưng cũng gây ra không ít bất lợi, vì thế mà các nhà quản lý đô thị nên quan tâm là phải tránh các bất lợi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đô thị phát triển một cách toàn diện và bền vững…