Hộ nông dân có thu nhập bình quân đầu người từ 300.000 đồng một tháng trở xuống, hộ thành thị từ 390.000 đồng trở xuống sẽ được xếp vào diện hộ nghèo, được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Sáng nay, ông Ngô Trường Thi, Cục phó Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết, mức chuẩn nghèo trên đã được trình Thủ tướng và nếu được thông qua sẽ áp dụng từ tháng 1/2009.
"Nhằm hỗ trợ người nghèo trước tình hình lạm phát, chuẩn nghèo mới đã tăng 50% so với chuẩn cũ. Áp dụng chuẩn mới này, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ tăng lên 16-17%, khoảng 3 triệu hộ. Đây là một thách thức cho công cuộc giảm nghèo của Việt
Năm 2007, với chuẩn nghèo 200.000 và 260.000 đồng tương ứng với khu vực nông thôn và thành thị, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 14,7%. Mục tiêu của ngành lao động năm nay là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 12%.
"Tuy nhiên, với tình hình lạm phát, cộng với thiên tai ở các tỉnh Đông Bắc, mục tiêu này có thể không đạt được. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn hiện hành năm nay sẽ là 13%, khoảng 2,4 triệu hộ", ông Thi cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Lê Bạch Hồng, hiện số người nghèo chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn miền núi. Kể cả hộ đã thoát khỏi danh sách này thì nguy cơ tái nghèo vẫn luôn rình rập, nhất là sau những đợt thiên tai, dịch bệnh.
"Cuối tháng, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án giảm nghèo bền vững cho 61 huyện nghèo cả nước, nơi có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất những hộ đã thoát nghèo vẫn được duy trì các chính sách hỗ trợ thêm 2 năm nữa để chống tái nghèo", ông Hồng thông tin.
Chuẩn nghèo quốc gia là mức chi phí cho một loạt nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực và phi lương thực thiết yếu, cho phép con người có một cuộc sống khỏe mạnh.