Nơi người dân được phát huy quyền làm chủ

08:21, 07/10/2008

Là đơn vị luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên năm 2005 huyện Phú Bình đã được Sở Nội vụ Thái Nguyên chọn làm điểm về thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở xã, thị trấn. Qua việc thực hiện QCDC, bộ mặt nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thuận lợi hơn cho việc sinh hoạt và phát triển kinh tế của địa phương.

Ngay sau khi được chọn làm điểm, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên. Cụ thể, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng là bí thư chi bộ, trưởng xóm, phố, tổ trưởng nhân dân và đoàn thể về 3 vấn đề cơ bản: Hướng dẫn triển khai xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở như: 14 việc cần thông báo cho dân biết, 5 việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, 9 việc nhân dân tham gia ý kiến trước khi chính quyền quyết định, 11 việc nhân dân giám sát kiểm tra và các tình huống. Quản lý sử dụng, xử lý các quy định pháp luật ở địa phương, bồi dưỡng nghiệp vụ cho trưởng xóm, tổ nhân dân, xây dựng và thực hiện QCDC nội bộ. Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của xóm, phố, tổ nhân dân.

 

Qua đó, cán bộ và nhân dân trong huyện đã nhận thức sâu sắc về QCDC ở cơ sở và tổ chức thực hiện gắn với việc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong quá trình triển khai, các đơn vị đã vận dụng sáng tạo vào đơn vị mình, kết hợp với các cuộc vận động, các phong trào ở cơ sở. Đơn cử như việc nhân dân đóng góp tiền và ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng trong 2 năm trở lại đây đã có bước chuyển biến mạnh.

 

Điển hình là việc đóng góp tiền và ngày công để xây dựng đường bê tông của xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương. Anh Hoàng Anh Luyến, Trưởng xóm cho biết: Trước đây, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, nhưng việc vận động nhân dân đóng góp thêm 50% để làm đường giao thông, xóm cũng không thể vận động được, bởi bà con nhân dân chưa tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của địa phương. Đến năm 2007, sau khi họp bàn nhiều lần, xóm đã cử một số người dân được tín nhiệm đứng ra thu tiền, đồng thời công khai minh bạch các khoản thu, chi cho toàn thể bà con trong xóm được biết.

 

Kết quả, 100% nhân dân ủng hộ, hăng hái tham gia đóng góp với số tiền 600.000 đồng/nhân khẩu để làm 3km đường giao thông của xóm. Cũng với hình thức công khai, minh bạch, tiết kiệm trong thu, chi, từ năm 2005 đến nay, huyện đã xây dựng thêm được 152km kênh mương, sửa chữa hồ đập, trong đó vốn ngân sách là trên 18 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp là trên 14 tỷ đồng; xây dựng 4 trạm y tế ở 4 xã: Nga My, Tân Khánh, Tân Kim, Tân Hoà với gần 3 tỷ đồng vốn ngân sách và nhân dân đóng góp gần 600 triệu đồng. Xây dựng đường giao thông nông thôn được 40km với tổng số vốn là 6,5 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 2,5 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp... Qua đó, bộ mặt nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thuận lợi hơn cho việc sinh hoạt và phát triển kinh tế của địa phương.

 

Để tiếp tục thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, từ nay đến năm 2010, huyện tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở giai đoạn 2006-2010; Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp hoàn thiện các quy chế ở cơ sở như quy ước, hương ước ở xóm, tổ dân phố về thực hiện QCDC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Pháp lệnh 34 về thực hiện QCDC ở các loại hình trong toàn huyện…