Nối vòng tay lớn để sẻ chia

08:55, 13/10/2008

Mới chỉ đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng câu lạc bộ những người có HIV ở huyện Phú Bình mang tên “Nối vòng tay lớn” đã thu hút được trên 40 thành viên đến từ các xã của huyện tham gia sinh hoạt thường xuyên. Đáng khâm phục bởi đây là câu lạc bộ do những người có HIV ở địa phương sáng lập và hoạt động trên tinh thần tự nguyện của chính những người đang hằng ngày phải đối phó với HIV trong cơ thể.

Hôm chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ, tình cờ được gặp chị N.T.X ở xã Tân Khánh đến xin làm thành viên. Chị cho biết, tiếp cận thông tin về HIV ở địa phương là rất khó, vì vậy chị muốn tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ để được giao lưu với những người đồng cảm và cùng nhau chia sẻ. Cùng dự một buổi sinh hoạt với Câu lạc bộ, chúng tôi cảm nhận được những điều ít thấy ở những người có HIV khác đó là sự tự tin và cởi mở của tất cả các thành viên cả nam và nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Người trẻ nhất năm nay mới ngoài đôi mươi, người nhiều tuổi nhất cũng đã trên 50.

 

Ngày đầu thành lập tháng 5-2007, Câu lạc bộ "Nối vòng tay lớn" chỉ có 5 thành viên, đến nay, đã có 43 thành viên từ nhiều xã sinh hoạt thường xuyên mỗi tháng 1 lần. Mới chỉ hơn một năm trước đây, không mấy thành viên được tiếp xúc với các thông tin về HIV/AIDS và không ai nghĩ sẽ có một nơi dành riêng cho người có HIV sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm. Chị N.B.T (xã Đào Xá), 53 tuổi, thành viên cao tuổi nhất cho biết, khi phát hiện mình nhiễm HIV chị đau khổ và tuyệt vọng. Cho rằng mình chẳng sống được bao lâu,  nhiều khi chị đã nghĩ đến cái chết để khỏi mang tiếng là người có HIV nhưng nhìn lại gia đình cùng các con, chị đã không làm vậy. Biết thông tin có thuốc kháng virus (ARV- Anti-retrovirus), làm chậm quá trình phát triển của HIV, chị đã nhiều lần đi bộ cả chục km đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được điều trị nhưng những nơi chị đến đều không có thuốc. Tình cờ chị đến với Câu lạc bộ của những người có HIV mang tên Hoa Hướng dương ở T.P Thái Nguyên. Chị đã được biết thêm nhiều thông tin về HIV và quan trọng hơn là chị giới thiệu đến Trung tâm y tế huyện Phổ Yên để điều trị bằng ARV. Tại đây chị đã làm quen với chị Đặng Thị Thủy, người cùng xã có hoàn cảnh tương tự. Chị và Thủy cùng có chung ý tưởng thành lập câu lạc bộ những người có HIV tại Phú Bình để sinh hoạt chung và giúp đỡ nhau tiếp cận với thông tin về bệnh. Hai chị đem ý tưởng ra bàn và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những người có cùng cảnh ngộ. Ngay sau đó, Câu lạc bộ "Nối vòng tay lớn" ra đời với 5 thành viên ban đầu đều là những người nông dân Phú Bình có HIV. Điểm sinh hoạt Câu lạc bộ được đặt ngay tại nhà Trưởng nhóm Đặng Thị Thủy, tại xã Đào Xá.

 

Ngoài sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm điều trị để giữ gìn sức khỏe, các thành viên đều tham gia tiếp cận, tuyên truyền trực tiếp tới những người có HIV, những người có nguy cơ lây nhiễm và cả cộng đồng về các phương pháp dự phòng lây nhiễm, nâng cao nhận thức, tránh kì thị. Từ những nỗ lực này, nhiều người có HIV đã được tiếp cận với các thông tin về HIV và quan trọng hơn là được tiếp cận với thuốc ARV. Những người này lại trở thành tuyên truyền viên tích cực vì hơn ai hết, họ hiểu sự cần thiết của công tác này. Anh Nguyễn Văn Tảo cho biết, có thời gian anh tưởng như chỉ đợi ngày chết do nhiễm trùng cơ hội, thậm chí anh đã gọi thợ ảnh về để chụp ảnh thờ. Được các thành viên Câu lạc bộ giải thích về bệnh tình và hướng dẫn điều trị, anh đã khỏe lại. Anh cũng được hướng dẫn đi xét nghiệm CD4 để làm thủ tục xin điều trị bằng thuốc ARV. Anh tâm sự: “Sinh hoạt câu lạc bộ mình cảm thấy không khí ấm cúng như ở nhà với những người anh, người chị cùng cảnh ngộ vì vậy mình cũng tham gia tuyên truyền, vận động để nhiều người khác cùng tham gia sinh hoạt.”  Câu lạc bộ còn đứng ra giúp đỡ các thành viên khi họ bị xã hội kì thị…

 

Qua hơn một năm hoạt động, Câu lạc bộ đã thực hiện nhiều buổi truyền thông thay đổi hành vi tới các đối tượng cụ thể. Vào những lúc nông nhàn, các thành viên Nối vòng tay lớn lại chia nhau đi đến các xóm, xã để truyền thông các vấn đề về HIV/AIDS. Chị Đặng Thị Thủy cho biết: “Còn nhiều người có HIV chết do không được tiếp cận với các phương pháp điều trị và các thông tin về HIV, thậm chí có người chết mà không biết mình đã có HIV. Không thể phó mặc cho những số phận như vậy được, chúng tôi thấy trách nhiệm của mình là phải vận động nhiều người có HIV cùng tham gia.” Chị cũng cho biết: “Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ và cả cộng đồng để những người có HIV có cuộc sống tốt đẹp hơn”.