Thái Nguyên: Chủ động phòng cháy rừng mùa khô

08:13, 08/10/2008

Bắt đầu từ tháng 10 năm nay cho đến tháng 4 năm sau, tiết trời heo may, lá cây rừng khô vàng và chỉ cần một đốm lửa nhỏ có thể dẫn đến thảm hoạ thiêu rụi cả cánh rừng trong chốc lát. Vì thế, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô luôn được coi trọng và đó là trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm  tỉnh Thái Nguyên thì nguyên nhân dẫn đến cháy rừng chủ yếu là do trẻ em đốt ong, nướng khoai sắn trong rừng; do quá trình phát nương đốt rẫy, chuyển đổi cây trồng, người dân đã sơ ý để lửa cháy lan vào rừng; cũng có thể do sự thù hằn cá nhân... Việc bắt và xử lý các đối tượng gây ra cháy rừng cũng rất khó, vì chưa phát hiện ra đối tượng, nếu có phát hiện được thì phần lớn lại là trẻ em.

 

Mùa khô năm ngoái, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, với tổng diện tích thiệt hại trên 20ha, trong đó chủ yếu là rừng trồng. Hiện nay, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm thì toàn tỉnh có trên 160 nghìn ha rừng, trong đó có nhiều diện tích rừng thuộc vùng trọng điểm dễ cháy, như: Trung tâm khu vực hồ Núi Cốc, Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên. Khi lửa đã cháy trong rừng thì công tác cứu hộ của cơ quan chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể cứu nổi, vì đường xa, khó đi lại, hơn nữa khi có gió thổi mạnh thì rừng cháy rất nhanh. Cũng vì những khó khăn đó, nên phương châm bốn tại chỗ được xem là hữu hiệu hơn cả: Chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Với phương châm này, cơ quan chuyên môn đã tham mưu, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thành lập được 1.168 tổ PCCCR trên địa bàn 125 xã có diện tích rừng dễ cháy; cùng với đó đã thành lập được 125 ban giải quyết các vấn đề cấp bách trong quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR ở 125 xã.

 

Được biết, bước vào mùa khô năm nay, để công tác PCCCR đạt hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm đã kịp thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương, các ngành, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt công tác PCCCR. Đẩy mạnh việc thực hiện Dự án nâng cao năng lực PCCCR, kịp thời cung cấp trang thiết bị hiện đại, thô sơ cho lực lượng PCCCR chuyên ngành và lực lượng PCCCR cơ sở. Tổ chức tốt công tác dự báo, thông tin cháy rừng; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân thực hiện tốt Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo các hạt kiểm lâm giám sát chặt chẽ các hoạt động trong rừng và ven rừng có thể gây ra cháy rừng, như: Xử lý thực bì trồng rừng, khai thác rừng, đốt nương làm rẫy... để xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra các chủ rừng trong việc thực hiện phương châm bốn tại chỗ để PCCCR; kiện toàn lực lượng, yêu cầu thường trực PCCCR 24/24 giờ trong những ngày cao điểm, sẵn sàng chữa cháy khi xảy ra cháy rừng..