Liên tục trong hai ngày nay, mưa lớn trên diện rộng tại Quảng Nam. Nhiều nơi trong tỉnh đã xuất hiện lũ lụt cục bộ, thiệt hại về tài sản hiện vẫn chưa thống kê được.
Mưa lớn trên lưu vực của hệ thống sông Thu Bồn, dự báo trong đêm 11/10 và ngày 12/10, mực nước trên sông Thu Bồn sẽ lên mức báo động III, gây ngập úng ở vùng hạ lưu trong những ngày đến.
Ngay tại huyện Tiên Phước, báo cáo ban đầu của Ban phòng chống lụt bão huyện lúc 17 giờ chiều 11/9, mưa lớn đã gây lũ cục bộ tại hầu hết các địa phương. Toàn bộ các tuyến đường từ Trung tâm huyện về 13 xã của huyện bị chia cắt hoàn toàn. Chưa có báo cáo về thiệt hại tại huyện này. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban PCLB tỉnh, đây là nơi có khả năng bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lớn này.
Tuyến đường ĐT 616 từ Tam Kỳ đi Tiên Phước đã bị nước lũ chia cắt từ trưa ngày 11/10 tại hai điểm cầu cây Gáo và cầu Bình An. Giao thông từ tỉnh về huyện này cũng như từ huyện về các xã bị tê liệt hoàn toàn từ sáng sớm ngày 11/10. Đến 18 giờ cùng ngày vẫn chưa được thông tuyến.
Chợ Tiên Phước đã bị ngập sâu trong nước, đã khiến hàng trăm tiểu thương tại chợ này phải di chuyển toàn bộ hàng hóa. Các đoàn công tác của huyện về các xã chỉ đạo công tác ứng phó với bão lụt hiện vẫn chưa liên lạc được với trung tâm và chưa có đoàn nào về huyện do đường bị chia cắt.
Mưa lớn đã gây ngập một số đoạn trên quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Phú Ninh. Nước lũ đã bắt đầu băng qua đường quốc lộ 1A đoạn ngã ba Kỳ Lý, huyện Phú Ninh và Quán Gò, huyện Thăng Bình.
Để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh sát giao thông công an tỉnh đã triển khai lực lượng ứng trực trong đêm nay để hướng dẫn giao thông. "Nếu nước lũ lên nhanh và băng qua đường thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đoạn đường này" - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Quảng Nam, ông Hoàng Minh Thống cho biết.
Đặc biệt tại TP. Tam Kỳ, mưa lớn gây ngập đã làm ách tắc nhiều tuyến giao thông trên địa bàn nội thị… Do nhiều tuyến đường ở nội thị Tam Kỳ ngập sâu trong nước, nên hầu hết các trường THCS trên địa bàn đóng cửa cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến lớp.
Các tuyến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo, Trần Quí cáp bị ngập chìm trong nước đã khiến nhiều xe mô tô của người dân lưu thông trên các tuyến đường này bị chết máy.
Chính quyền phường Hòa Thuận đã chỉ đạo hơn 200 hộ dân tại khu phố 11, phường Hòa Thuận dọn đồ đạc trong nhà để... chạy lụt. Hơn 7 năm qua, người dân trong khu phố này luôn bị nước bao vây mỗi khi có mưa lớn vì hệ thống thoát nước tại đây chưa được khơi thông.
Hàng trăm hộ dân khác sinh sống tại khu vực ven sông Bàn Thạch cũng đang bị nước đe doạ.
"Chính quyền TP. Tam Kỳ đã triển khai phương án di chuyển toàn bộ số hộ dân bị ngập tại các khu dân cư này ngay trong đêm nay nếu trời tiếp tục mưa và nước ngập dâng cao" - Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ Hoàng Xuân Việt khẳng định.
Vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, mưa lớn kèm theo sấm sét đã gây cháy hệ thống biến áp An Mỹ, làm mất điện cục bộ một số phường tại địa bàn TP. Tam Kỳ. Điện lực Quảng Nam đã triển khai phương án khắc phục hậu quả, tuy nhiên, đến 16 giờ chiều cùng ngày hệ thống lưới điện vẫn chưa được xử lý.
Thông tin qua điện thoại từ các huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My cho biết, tuyến giao thông huyết mạch về các huyện này cũng đã bị nước lũ chia cắt nhiều đoạn.
Đến 18 giờ chiều vẫn chưa có con số thống kê về thiệt hại người và tài sản tại các huyện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã có công điện khẩn gửi các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh bốn tại chỗ hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.