Xây dựng Thành phố tương xứng là đô thị trung tâm vùng Việt Bắc

14:55, 16/10/2008

Năm 2002, Thành phố Thái Nguyên được công nhận là đô thị loại II với quy mô dân số gần 30 vạn người, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thái Nguyên, đô thị Trung tâm vùng Việt Bắc, là một trong những trung tâm về công nghiệp, giáo dục-đào tạo của cả nước.

T.P Thái Nguyên thành lập ngày 19-10-1962, trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, Thành phố đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Là địa phương có truyền thống đấu tranh anh dũng, yêu nước nồng nàn, cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc T.P Thái Nguyên đã chung sức, chung lòng, kiên trì, bất khuất, bền bỉ đấu tranh chống các thế lực ngoại xâm, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam qua mọi thời kỳ, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Với tinh thần đổi mới, T.P Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng và phát triển toàn diện, minh chứng cho những đóng góp đó được thể hiện qua 2 tấm Huân chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2002) và Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2007) do Đảng và Nhà nước trao tặng.

 

Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XV nhiệm kỳ (2005-2010) đã đề ra là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đến sau năm 2010, Thành phố có cơ cấu kinh tế Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp - Đô thị; đẩy mạnh phát triển đô thị nhằm vượt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2010; phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2015, trở thành một trong những đô thị trung tâm có uy tín trong cả nước…

 

Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, ngay từ năm 2006, Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện 8 chương trình công tác lớn, đó là: Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển dịch vụ; phát triển nông nghiệp; hiện đại hóa đô thị; phát triển văn hóa - xã hội; cải cách hành chính… Trong mỗi chương trình, Thành phố đều chỉ đạo xây dựng đề án trọng tâm, cụ thể nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả.

 

Trong năm 2007, Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung chỉ đạo hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong năm đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng 11 công trình trọng điểm và hàng chục công trình khác được đăng ký xây dựng với tổng mức đầu tư hàng tỷ đồng  nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Thành phố.

 

Nếu như năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 14,26% thì đến năm 2008 dự báo sẽ đạt 16,5%. Tính riêng trong 9 tháng năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương trên địa bàn Thành phố đã đạt gần 1.700 tỷ đồng, bằng 78,93% so với kế hoạch, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2007; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 13.000 tấn; thu ngân sách đạt gần 186 tỷ đồng, bằng 83,2% kế hoạch tỉnh giao; giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động; xóa nhà dột nát cho 137 hộ nghèo với tổng kinh phí 733 triệu đồng; công tác văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; công tác cải cách hành chính bước đầu đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả tích cực…

 

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng T.P Thái Nguyên tương xứng là đô thị Trung tâm vùng Việt Bắc gắn với quy hoạch đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục chủ động xây dựng các cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hoàn chỉnh xây dựng Chính phủ điện tử để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước và trong cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đặc biệt, Thành phố sẽ tập trung cao độ mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển  theo Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 278/2005/QĐ-TTg ngày 2-11-2005. Theo đó, Thành phố tiếp tục duy trì  và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2010 đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập trung học cơ sở; 100% trường lớp được kiên cố hóa; 100% phường, xã đều đạt chuẩn Quốc gia về y tế; giảm hộ nghèo xuống dưới 5%; giảm tối thiểu 30% số người nghiện ma túy trên địa bàn... Không gian đô thị được mở rộng sang 2 bên bờ sông Cầu và phát triển nối liền với khu du dịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc; quy mô dân số đến năm 2020 là 600 ngàn người. Duy trì phát triển đô thị bền vững đi đôi với công tác bảo đảm an sinh xã hội…

 

Với truyền thống 46 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc T.P Thái Nguyên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo; phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách; ra sức thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết đại hội Đảng các cấp… Qua đó tạo động lực quan trọng để xây dựng T.P Thái Nguyên phát triển nhanh, vững chắc, tương xứng với trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh và đô thị Trung tâm vùng Việt Bắc.