Cần có giải pháp giúp người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng

09:14, 11/02/2009

Là một xóm nghèo thuộc xã Tân Hoà (Phú Bình), trong những năm qua Thanh Lương nổi lên là một trong 3 "điểm nóng" về tệ nạn ma tuý của xã. Hiện nay trong xóm có 224 hộ thì có đến gần 40 hộ có người nghiện ma tuý. Tính từ năm 2000 đến nay cả xóm đã có 8 người chết vì ma túy.

Theo ông Nguyễn Tiến Lưu, Trưởng xóm Thanh Lương: "Số đối tượng nghiện phát sinh đông nhất vào khoảng từ năm 2002-2006, đây cũng là thời điểm tình hình  an ninh trật tự ở địa phương phức tạp nhất, trộm cắp xảy ra nhiều”. Nguyên nhân của tình trạng trên là do những năm 1998-2003 nhiều thanh niên trong xóm đi làm ăn xa, người thì đi làm vàng, người đi làm ở Bắc Ninh, Bắc Giang… Nhiều người trong số này khi trở về làng đã bị mắc nghiện, rồi những con nghiện ngày một tăng khi trong xóm bắt đầu xuất hiện những tụ điểm cung cấp ma tuý phục vụ đối tượng nghiện.

 

Trước tình hình trên, năm 2004, Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn (PCTN) của xã Tân Hòa được thành lập do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Công an, Hội phụ nữ và đại diện 3 xóm có đông số người nghiện là Thanh Lương, Nghè, Giếng Mật là thành viên. Ban chỉ đạo PCTN xã đã lên kế hoạch phối hợp với Công an huyện và các đoàn thể ở xã và xóm Thanh Lương tổ chức tổ chức truy quét các tụ điểm buôn bán tàng trữ và sử sụng chất ma tuý tại xóm Thanh Lương và một số điểm nóng khác của xã, nhờ đó 4 điểm chuyên buôn bán, cung cấp chất ma tuý trái phép tại xóm Thanh Lương đã bị phát giác, triệt phá. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về phòng chống ma tuý được chính quyền xóm và các đoàn thể hết sức quan tâm. Năm 2006, được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ tỉnh, huyện, xóm Thanh Lương đã thành lập được câu lạc bộ (CLB) vận động phụ nữ tham gia phòng chống tệ nạn xã hội.

 

Với sự hoạt động tích cực của các thành viên trong CLB nhận thức về tác hại của ma tuý cũng như các biện pháp phóng tránh về ma tuý của người dân đã được nâng lên. Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, nhận thức của chị em về tác hại của ma tuý được nâng lên, từ đó nâng cao trách nhiệm của mình trong việc khuyên giải chồng, con cai nghiện, tạo điều kiện cho phong trào phòng chống tệ nạn ma tuý ở địa phương phát triển. Với những kết quả bước đầu đạt được, năm 2008 xóm Thanh Lương được chọn để tổ chức hội nghị xây dựng điểm mô hình phòng chống tệ nạn xã hội của xã Tân Hoà, qua đó đã thành lập được 14 tổ đăng ký không có người mắc tệ nạn xã hội, ra mắt 3 tổ vận động chồng con đi cai nghiện và chống tái ngiện. Chính nhờ vậy mà từ giữa năm 2008 đến nay tình hình an ninh trật tự ở địa phương đã được cải thiện rõ rệt, người dân không còn phải ngay ngáy nỗi lo mất cắp như trước nữa. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của người dân xóm Thanh Lương là trong năm 2008 vừa qua xóm không có thêm người mắc nghiện ma tuý mới.

 

Tuy nhiên, Thanh Lương cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp các đối tượng nghiện cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng, vì theo ông Lưu trong xóm đã có đến hơn 10 đối tượng cai nghiện tại gia đình và nhiều trường hợp cai ở Trung tâm giáo dục 05,06 của tỉnh nhưng chỉ được một thời gian lại tái nghiện. Đơn cử như anh Lê Văn Hưng, xóm Thanh Lương, sau khi bị mắc nghiện ma tuý, năm 2006 anh quyết tâm tự cai nghiện tại gia đình. Được sự động viên của vợ và hai con cùng sự giúp đỡ của cộng đồng, anh đã cai nghiện thành công. Tuy nhiên do không có vốn để phát triển kinh tế, không có việc làm, những lúc nhàn rỗi anh lại tụ tập với đám bạn cũ và chỉ 6 tháng sau anh đã tái nghiện. Anh tâm sự: "Tôi cũng muốn cai nghiện, để còn nuôi dạy các con nhưng khổ nỗi ruộng đất thì có hạn, muốn phát triển kinh tế thì phải có vốn, nên …". Do đó, tạo việc làm cho đối tượng sau cai để họ ổn định cuộc sống, tái hoà nhập với cộng đồng luôn là nỗi trăn trở của người dân nơi đây.

 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo PCTNXH xã Tân Hoà cho biết: Ngoài việc duy trì hoạt động của các tổ, câu lạc bộ đã được thành lập, năm 2009 xã Tân Hoà sẽ thành lập hòm thư tố giác tội phạm và người nghiện ma tuý nhằm thống kê đầy đủ số đối tượng nghiện ở địa phương để có biện pháp quản lý, giáo dục và tổ chức cai nghiện. Đồng thời tích cực truyên truyền, động viên các gia đình có con, em mắc nghiện chung sức cùng chính quyền tổ chức cai nghiện cho các đối tượng ngay tại địa phương. Cùng với các biện pháp trên, chúng tôi đang đề nghị Hội phụ nữ huyện, tỉnh tạo điều kiện cho những đối tượng cai nghiện thành công của địa phương được vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống... Được biết, đây là một biện pháp chống tái nghiện hiệu quả mà Hội Phụ nữ tỉnh đã giúp xã Xuân Phương (Phú Bình) thực hiện thành công trong hai năm 2006-2007 vừa qua.