Để những cánh rừng mãi xanh

13:16, 15/02/2009

Sau hai năm thực hiện Đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đến nay độ che phủ rừng của huyện Đồng Hỷ đã đạt 51,48%, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Đề án đề ra trước thời gian 2 năm (phấn đấu đến năm 2010 nâng độ che phủ lên 48%).

Trong không khí tưng bừng của những ngày ra quân đầu xuân Kỷ Sửu, chúng tôi đã có dịp tham gia ngày hội Tết trồng cây của một số địa phương trên địa bàn huyện. Hầu hết những diện tích đất còn để trống, đồi núi trọc đều được cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang, học sinh… rẫy dọn, phát quang, đào hố để trồng các loại cây lấy gỗ, cây che bóng mát. Chỉ tính riêng trong ngày mùng 8 Tết, xã Linh Sơn đã trồng mới được hơn 2 ha rừng, toàn huyện phấn đấu trong năm nay sẽ trồng mới khoảng 650 ha cây lâm nghiệp các loại.

 

Những kết quả đạt được đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân ở Đồng Hỷ vì sự sống còn của “lá phổi xanh”. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn huyện chiếm hơn 24 nghìn ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ là hơn 5.586 ha, rừng sản xuất là hơn 18.531 ha. Ranh giới giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất đã được thể hiện trên bản đồ. Huyện cũng đã xác định rõ ranh giới các tiểu khu, khoảnh, ranh giới của các chủ rừng là các hộ dân ở ngoài khu vực do Công ty ván dăm Thái Nguyên quản lý. Công ty này hiện đang quản lý 11.553 ha rừng. Thực hiện Dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, UBND huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm tổ chức theo dõi sát sao diễn biến rừng và dất lâm nghiệp. Hàng năm, toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp dịch chuyển (thay đổi trạng thái), chuyển đổi mục đích sử dụng đều được cập nhật, theo dõi trên mạng vi tính và trên sổ sách rất cụ thể như năm 2006 có 1.234 ha rừng và đất lâm nghiệp dịch chuyển; năm 2007 có 1.312 ha; năm 2008 có khoảng 960 ha. Huyện đã sát nhập Ban chỉ đạo phòng, chống cháy rừng với Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12 thành Ban chỉ đạo về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; củng cố, kiện toàn 225 tổ quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn xóm với 1.450 thành viên; rà soát đưa các hương ước, quy ước về bảo vệ và phát triển rừng vào quy ước, hương ước ở 210 thôn, xóm. Huyện cũng đã thực hiện phân cấp công tác quản lý, bảo vệ rừng về cho cấp xã, thị trấn. Hàng năm UBND các xã, thị trấn có rừng đều phải xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. UBND các xã, thị trấn được quyền cho khai thác đối với rừng tự trồng, cây trồng phân tán và gỗ vườn nhà; xác nhận chuyển UBND huyện cho khai thác đối với gỗ vườn rừng; trừ gỗ phải đóng dấu búa kiểm lâm, còn lại toàn bộ gỗ, lâm sản khác đều được UBND xã xác nhận cho vận chuyển, tiêu thụ.

 

Do làm tốt công tác  quản lý rừng tận gốc, nên trong 2 năm qua trên địa bàn huyện Đồng Hỷ không xảy ra khai thác rừng trái phép thành tụ điểm lớn. Tình trạng phát nương làm rẫy đã chấm dứt. Toàn huyện đã trồng mới được hơn 3.210 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh được 2.421 ha, bảo vệ 921,9 ha. Tổng diện tích đất có rừng hiện nay là hơn 23 nghìn ha, độ che phủ đạt 51,48%. Hầu hết những diện tích rừng phát triển kém, hiệu quả kinh tế thấp đều đã được khai thác để trồng lại rừng có giá trị kinh tế cao hơn. Nền lâm nghiệp xã hội với sự tham gia của đông đảo nhân dân đã được hình thành. Tình trạng buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép giảm, tình trạng chống người thi hành công vụ giảm, song vẫn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, huyện tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức và biện pháp phù hợp. Đổi mới quản lý Nhà nước về lâm nghiệp ở cấp hyện, xã theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể lãnh đạo xã, nơi nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng thì Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống cây, đối với cây keo chủ yếu trồng keo nhập khẩu giống hạt từ úc. Tận dụng tối đa các nguồn vốn từ các Dự án trồng rừng phòng hộ 661, trú trọng thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nơi có rừng.