Phó Thủ tướng giao lưu văn nghệ cùng sinh viên

16:15, 15/02/2009

Tối 15/02, hàng loạt băn khoăn của sinh viên đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và nhiều lãnh đạo bộ, ngành giải đáp trong buổi đối thoại giữa Chính phủ và sinh viên. Không khí càng cởi mở khi ông cùng các bạn trẻ hát bài "Thuyền và biển".

8h tối, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân có mặt tại hội trường Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội bắt đầu buổi đối thoại, nhân dịp Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam.

 

Khi gặp một câu hỏi khá riêng tư, Phó Thủ tướng đã không ngần ngại thổ lộ rằng, ông yêu từ thủa 18. "Tôi 17 tuổi đi bộ đội, 18 tuổi đã yêu và 10 năm sau tôi lấy vợ nhưng vẫn lấy người đó. Bài hát thời thanh niên tôi thích là Thuyền và biển", ông Nhân cười rất tươi.

 

Ngay sau đó, bản tình ca thời trai trẻ được ông hát trong sự hưởng ứng của cả hội trường. Hàng chục bạn trẻ đầy phấn khích vì không ngờ vị Phó Thủ tướng gần gũi và "hát được" như thế.

 

Trước đó, ông Nhân mở đầu buổi đối thoại rất ngắn gọn: "Không có giới hạn trong việc đặt câu hỏi, các bạn có thể thoải mái nêu tất cả những vấn đề mình quan tâm".

 

Gần 20 câu hỏi đã được đặt ra. Quan tâm hàng đầu của các bạn trẻ là được tạo điều kiện làm đúng chuyên môn khi ra trường, tăng khả năng thực hành trong đào tạo đại học...

 

Bạn Lê Hoàng Minh (ĐH Bách Khoa TP HCM) nói: "Không chỉ trường cháu mà hầu hết các trường đều yếu về thực hành, thực tế". Chàng trai trẻ này băn khoăn liệu Chính phủ có cơ chế, chính sách gì giúp sinh viên được thực hành và tiếp xúc thực tiễn đời sống sản xuất.

 

Phó thủ tướng cho biết, việc đóng mức học phí trung bình khá thấp so với các nước khác cũng như sự thiếu năng động của sinh viên đã hạn chế công tác này. Hiện mới có duy nhất ĐH Sư phạm Thủ Đức TP HCM công bố chuẩn đầu ra.

 

 Với câu hỏi về cơ chế thu hút du học sinh về nước làm việc của bạn Đặng Tấn Đức (du học sinh Singapore), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, du học sinh có điều kiện tiếp xúc, tri thức tốt, ngoại ngữ giỏi nên cần cân nhắc, làm gì tốt cho đất nước.

 

"Nếu học xong, có cơ hội làm tiến sĩ, có cơ hội nghiên cứu cao hơn thì rất nên làm. Làm xong, trái chín rồi thì nên về cội. Sinh viên Việt Nam ra nước ngoài là đại sứ Việt Nam ở chính nước đó", Phó thủ tướng chia sẻ từ những trải nghiệm của bản thân mình.

 

Sinh viên Đỗ Minh Tùng (Đại học Y Hải Phòng) hỏi: "Lạm phát và học phí tăng nên mức cho vay tín dụng 800.000 đồng một tháng như hiện nay là không đủ. Liệu chúng cháu có được vay vốn từ quỹ tín dụng đào tạo để mua máy vi tính để không phải học chay ngoại ngữ và tin học như hiện nay?"

 

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, đây là mức vay bổ sung, nguồn vốn cho vay có hạn. "Có nhiều ý kiến xem xét lại mức cho vay này, nhưng mức hiện nay là chấp nhận được sau khi nhiều bộ, ngành xem xét", ông Lý giải thích.

 

Riêng việc mua máy tính để phục vụ học tập, theo ông Lý, Ngân hàng Chính sách sẽ đáp ứng. "Các bạn đặt vấn đề với ngân hàng để vay một lần trong năm. Chúng tôi sẽ cho vay tiền một lần vào đầu năm để hỗ trợ các bạn", ông Lý khẳng định.