Thái Nguyên: Ít khả năng dịch sởi bùng phát

08:55, 19/02/2009

Theo thống kê của ngành Y tế Thái Nguyên, tính đến ngày 18/02/2009, trên địa bàn tỉnh đã có 50 trường hợp bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi nhập viện. Tuy nhiên trong thực tế, số bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi có thể nhiều hơn. Mặc dù vậy, theo xác định ban đầu của các cơ sở y tế thì hầu hết số bệnh nhân này không mắc phải virus sởi mà bị bệnh rubella.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, trong vòng 10 ngày nay đã tiếp nhận trung bình từ 2 đến 3 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi nhập viện mỗi ngày. Cá biệt, có ngày Khoa tiếp nhận tới 5 bệnh nhân nhập viện. Những người này khi nhập viện đều có triệu chứng sốt cao, bị viêm đường hô hấp, ho, sổ mũi. Một số bệnh nhân có thêm triệu chứng xung huyết ở mắt. Sốt phát ban dạng sởi là nhóm bệnh bao gồm những bệnh như bệnh sởi do virus sởi gây ra, bệnh Rubella do virut RNA thuộc nhóm Togavirus gây ra… Tính từ đầu tháng 2/2009 đến nay, Khoa đã tiếp nhận gần 50 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi, tuy nhiên chỉ có gần 20 bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm virus sởi, số còn lại được xác định là bệnh nhân bị Rubella. Những bệnh nhân nghi có virus sởi, Khoa đã gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm nhưng hiện nay chưa có kết quả.

Với tất cả gần 50 bệnh nhân, các bác sĩ ở đây đã cho điều trị theo mỗi triệu chứng mà bệnh nhân mắc phải như: Điều trị hạ sốt, bù nước điện giải với bệnh nhân mất nước, điều trị an thần… Đồng thời hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh bội nhiễm cho cơ thể. Cách điều trị trên đã đem lại hiệu quả và Khoa đã cho ra viện gần 30 bệnh nhân hoàn toàn bình phục sau khoảng 1 tuần điều trị. So với cùng kỳ năm ngoái, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận số bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi tăng gấp hơn 2 lần. Số bệnh nhân nhập viện năm nay cũng khá bất thường so với mọi năm vì hầu hết đều là thanh niên lứa tuổi 15 đến 30 tuổi. Đầu tháng 2/2009, bệnh nhân chủ yếu là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh nhưng những ngày gần đây đã phát hiện một vài trường hợp bệnh nhân là người Thái Nguyên cư trú thường xuyên trên địa bàn như trường hợp chị Nguyễn Thị Hương Quỳnh, 25 tuổi, ở xã Phấn Mễ (Phú Lương). Do vậy, nguồn lây sốt phát ban dạng sởi đã không chỉ từ các tỉnh ngoài mà đã có nguồn bệnh xuất phát trong tỉnh.

Bác sĩ Chuyên khoa I Ma Văn Xuân, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh sởi và rubella có thể được phân biệt bởi các triệu chứng lâm sàng như đối với bệnh sởi thì các vết phát ban xuất hiện đầu tiên trên mặt và cổ rồi sau lan xuống cơ thể rồi đến chân, tay còn bệnh rubella thì các nốt ban mọc không theo quy luật trên khắp cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng trên không thể cho kết quả chính xác 100% mà phải qua xét nghiệm cụ thể mới kết luận chính xác. Với các bệnh nhân đã bị sốt phát ban do virus sởi cần hết sức đề phòng trường hợp bệnh tái phát bởi khi tái phát rất dễ gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm gan, viêm ruột. Còn với bệnh rubella thì đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ có thai bởi nó có thể làm thai nhi chết lưu hoặc dị dạng, nhẹ hơn thì ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ sau này. Bác sĩ Xuân cũng lưu ý người bệnh khi phát hiện triệu chứng sốt cao, viêm đường hô hấp, phát ban thì cần đến các cơ sở y tế để điều trị.

Giải thích nguyên nhân về hiện tượng nhiều người lớn bị sốt phát ban có dấu hiệu do virus sởi gây ra, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng, số các bệnh nhân sốt phát ban nghi có virus sởi là thanh niên đợt này có thể chưa được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc đã tiêm một liều nhưng qua thời gian dài không tiêm mũi thứ 2 nên kháng thể đã không còn tác dụng kháng virus sởi. Ông Minh cũng cho rằng người dân cần hết sức lưu ý điều trên bởi có một số người cho rằng đã từng bị sởi hoặc tiêm vắc xin sởi 1 lần thì nguy cơ nhiễm sởi không còn.

Ông Minh cũng nhận định: “Việc rất ít trẻ em bị sốt phát ban dạng sởi đợt này cũng là một sự khẳng định hiệu quả của kết quả tiêm vắc xin phòng sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tuy nhiên cũng lưu ý các phụ huynh nên cho trẻ tiêm mũi vắc xin thứ 2 khi trẻ được 6 tuổi để đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất chống virus sởi. Uống vắc xin đủ 2 liều là biện pháp tốt nhất phòng bệnh sởi do virus sởi”

Ngoài các bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi trên, chúng tôi còn ghi nhận khá nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị tại các nhà thuốc Đông y trên địa bàn tỉnh. Riêng tại Nhà thuốc Y học cổ truyền Trần Trung, Phường Túc Duyên, T.P Thái nguyên đã có khoảng 20 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi. Ông Trần Minh Học, chủ nhà thuốc cho biết: “Hơn 1/3 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi của nhà thuốc Trần Trung có lứa tuổi trên 20 tuổi”. Điều này cho thấy, lượng bệnh nhân thực tế còn có thể cao hơn con số thống kê vì vậy mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành Y tế. Khi có các triệu chứng của sốt phát ban dạng sởi cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị và phải tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi để tránh mắc phải virus sởi.