Với nhiều người, về hưu là quãng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau hàng chục năm công tác, tuy nhiên, với nhiều bác sĩ thì lòng đam mê nghề nghiệp và mong muốn đáp lại sự tin cậy của bệnh nhân khiến họ không ngừng cống hiến trí lực cho xã hội.
Ở tuổi 64 nhưng Bác sĩ Chuyên khoa II, Thầy thuốc ưu tú Lê Đức Xuân trông như mới “ngoại tứ tuần” với mái tóc đen, khuôn mặt tươi vui và vóc dáng nhanh nhẹn. Ông nguyên là Thượng tá quân đội, Trưởng Khoa Nội IV, Bệnh viện Quân y 91 (Quân khu I) về nghỉ hưu năm 2005. Khi còn công tác tại Bệnh viện Quân y 91, ông là bác sĩ giỏi được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; được trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Hơn 20 năm công tác trong nghề, Bác sĩ Lê Đức Xuân không ngừng nỗ lực hoàn thiện mình để đáp ứng được sự tin cậy của người bệnh và xứng đáng với danh hiệu mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng hằng ngày, người bác sĩ tài hoa này vẫn đến làm việc tại Bệnh viện tư nhân Đa khoa Trung tâm (T.P Thái Nguyên). Ở đây, ông được giao trọng trách làm Trưởng Khoa khám bệnh, đồng thời trực tiếp khám bệnh cho các bệnh nhân vào buổi sáng. Bác sĩ Xuân tâm sự: “Đi làm không chỉ mong có thêm thu nhập mà điều quan trọng hơn là mình được tiếp tục thể hiện khả năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.”
Tuy chỉ dành thời gian làm việc vào buổi sáng nhưng ông cũng khám được cho gần 30 lượt bệnh nhân trong mỗi ca làm việc. Với công việc hiện tại, ông luôn tìm được niềm vui qua niềm vui của bệnh nhân.
Trao đổi với chúng tôi, Thầy thuốc ưu tú Tô Văn Thủ, Giám đốc Bệnh viện tư nhân Đa khoa Trung tâm cho biết: “Bệnh viện có trên 30 bác sĩ, số các bác sĩ từng công tác tại các cơ sở y tế công lập hiện đã nghỉ hưu chiếm hơn một nửa. Những bác sĩ như Thầy thuốc ưu tú Lê Đức Xuân, cùng nhiều thầy thuốc ưu tú khác là lực lượng nòng cốt để làm nên thương hiệu của Bệnh viện.”
Trong một phòng khám nhỏ của riêng mình trên đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên), Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Chuyên khoa II Hà Thị Mơ mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những câu chuyện về nhà nông và nghề nông. Bác sĩ Mơ xuất thân từ một gia đình nông dân ở thị xã Sông Công. Cả thời thơ ấu gắn bó với đồng ruộng nên bà cảm thông sâu sắc với những vất vả của người nông dân trong cuộc sống cũng như những khó khăn đột xuất gặp phải khi bản thân hoặc người nhà không may mắc bệnh. Bà luôn có một tình cảm đặc biệt với những bệnh nhân nghèo bởi sự đồng cảnh xuất thân là nông dân, nhà nghèo. Ở người Thầy thuốc ưu tú có thâm niên trên 30 năm công tác trong ngành Y này, người bệnh luôn tìm được sự đồng cảm bởi sự gần gũi, chân thành của bà.
Bác sĩ Mơ nguyên là Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên về hưu năm 2004. Trên 30 năm công tác, Bác sĩ Mơ đã khám và chữa khỏi bệnh cho rất nhiều lượt bệnh nhân. Bác sĩ cũng đạt được nhiều danh hiệu cấp bộ, cấp tỉnh và cao quý hơn cả là danh hiệu Thầy thuốc ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng. Công việc hiện tại của Bác sĩ Mơ dường như bận rộn hơn cả trước lúc về hưu bởi ngoài phòng khám riêng của mình, bà vẫn thường xuyên tham gia khám bệnh tại một phòng khám tư nhân khác, luôn dành được sự tín nhiệm của các đồng nghiệp cũng về hưu như bà đang làm việc tại đó. Mỗi ngày, Bác sĩ Mơ khám và nội soi cho khoảng gần 30 bệnh nhân.
Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo ngành Y tế Thái Nguyên đánh giá rất cao các bác sĩ này và luôn có chủ trương khuyến khích họ tiếp tục tham gia khám, chữa bệnh. Đồng chí Bùi Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Đây là lực lượng cán bộ y tế có rất nhiều kinh nghiệm và thậm chí một số người còn đang ở “đỉnh cao” về năng lực chuyên môn vì vậy sự đóng góp của họ cho xã hội là rất lớn.”
Bác sĩ Xuân và bác sĩ Mơ chỉ là hai trong số hàng trăm bác sĩ nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục công việc khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo ước tính của ngành Y tế thì gần 90% số bác sĩ về hưu trên địa bàn tỉnh đều tiếp tục công việc chuyên môn đã từng được đào tạo, từng làm tại hơn trên 260 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập. Lực lượng này không những đã đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân mà còn góp phần đẩy mạnh xã hội hóa y tế, giúp giảm tải đáng kể lượng bệnh nhân cho khối y tế công lập thường xuyên quá tải vào các đợt cao điểm.