Vốn Chương trình 120 chưa đáp ứng nhu cầu của người dân

10:47, 18/02/2009

Nguồn vốn thuộc Chương trình 120 của Chính phủ để phục vụ mục tiêu giải quyết việc làm đã, đang phát huy hiệu quả đối với các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vì lãi suất cho vay thấp (0,65%/tháng), thời hạn cho vay dài (từ 12 tới 60 tháng). Nhưng lượng vốn tăng trưởng thuộc Chương trình này hàng năm quá nhỏ so với nhu cầu vay của nhân dân trên địa bàn...

Theo quyết định phân bổ của Ngân Chính sách Xã hội Việt Nam, năm 2009, Thái Nguyên được bổ sung thêm 4,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 120 để giải quyết việc làm, tăng 500 triệu đồng so với năm 2008. Số vốn này tiếp tục được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cân đối để phân bổ về cho các huyện, thành, thị, trong đó ưu tiên cho huyện Phổ Yên, T.X Sông, T.P Thái Nguyên vì có nhiều hộ thuộc diện bị thu hồi đất sản xuất để phục vụ các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Ngoài số vốn mới được phân bổ nêu trên, trong năm nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh sẽ chỉ đạo phòng giao dịch ở các địa phương giám sát để thu hồi các khoản vay thuộc Chương trình 120 đã đến hạn trả với số vốn dự kiến khoảng 17,2 tỷ đồng để tái cho vay. Tuy nhiên, nhiều khoản vay đến tận tháng 11/2009 mới đến hạn thu hồi nên việc hoàn tất thủ tục để tái cho vay sẽ gặp những khó khăn nhất định.

 

Như vậy, nguồn vốn vay phục vụ giải quyết việc làm trong năm 2009 của cả tỉnh chỉ có khoảng 21 tỷ đồng, trong khi dự kiến nhu cầu vay của nhân dân lớn hơn gấp nhiều lần. Đồng chí Bùi Mạnh Tuyên, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội T.P Thái Nguyên cho biết: Nhiều hộ sản xuất trên địa bàn đã đăng ký vay vốn phát triển sản xuất từ Chương trình này nhưng nhiều năm qua chưa giải quyết hết được vì lượng vốn phân bổ cho Thành phố quá ít.

 

Theo đánh giá của các ngành chức trong tỉnh, năm 2009, nhu cầu việc làm sẽ tăng cao vì ngoài số người đến tuổi lao động, còn lượng lớn người lao động đã làm việc ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất cá thể sẽ có nguy cơ bị thiếu, mất việc làm do thu hẹp sản xuất, sản phẩm không tiêu thụ được. Vì vậy, việc ưu tiên các nguồn lực để trực tiếp, gián tiếp tạo ra việc làm mới cho người lao động trong tỉnh là điều hết sức quan trọng và cấp thiết đặt ra hiện nay. Riêng đối với nguồn vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động giải quyết việc làm cần được tăng cường hơn, nhất là đối với khu vực nông thôn nhằm tạo ra việc làm tại chỗ cho nông dân. Ông Lê Văn Hồng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ (Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh) có ý kiến: Nguồn vốn ưu đãi thuộc Chương trình 120 của Chính phủ chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân nên để tăng nguồn vốn ưu đãi phục vụ giải quyết việc làm, đề nghị UBND tỉnh nên có kế hoạch bổ sung kinh phí cho hoạt động này.

 

Nếu nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ cho công tác giải quyết việc làm được đáp ứng kịp thời chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt áp lực từ chuyện thiếu, mất việc làm trên địa bàn tỉnh, một vấn đáng quan tâm hiện nay. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, khi nông dân có đủ nguồn vốn cần thiết để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập thì hiệu quả nhiều mặt đạt được sẽ là rất lớn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã đề ra.