Việc kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm không khí chưa được chú trọng, trong khi nguồn khí thải từ môtô, xe máy tham gia giao thông là nguồn phát thải chính gây ô nhiễm.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 3,7 triệu xe gắn máy và gần 370 nghìn xe ô tô cá nhân, chưa kể một số lượng lớn xe cá nhân từ các tỉnh tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Đồng thời, mỗi ngày có gần 1.000 xe môtô, xe gắn máy và 100 xe ôtô cá nhân đăng ký mới.
Các nghiên cứu và kết quả quan trắc đã cho thấy môtô, xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở các thành phố lớn khác.
Theo Giáo sư Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, trong việc kiểm soát nguồn khí thải từ xe cộ, trước hết cần ban hành và thực thi chính sách thu phí khí thải giao thông và chính sách khuyến khích giảm khí thải giao thông.
Theo đó, không cho các xe quá cũ vận hành, cấm hoặc giảm lưu lượng xe ở khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe trong đô thị, để tất cả các xe ôtô, xe máy định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm phải qua kiểm tra khí thải, xe đạt tiêu chuẩn thì cấp giấy lưu hành hoặc tem lưu hành...
Cục Đăng kiểm – Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất kế hoạch kiểm soát khí thải môtô, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn với các biện pháp chủ yếu: Thực hiện kiểm tra khí thải định kỳ bắt buộc tại cơ sở cố định và kiểm tra khí thải, kiểm soát trên đường nhằm bảo đảm môtô, xe máy đang sử dụng luôn đạt tiêu chuẩn khí thải khi tham gia giao thông.
Tất cả môtô, xe máy thuộc phạm vi, đối tượng thực hiện phải qua kiểm tra khí thải định kỳ bắt buộc 1 năm/lần. Xe đạt tiêu chuẩn mới được phép tham gia giao thông. Kết hợp tuyên truyền về chủ trương và vận động người dân hưởng ứng thực hiện kiểm soát khí thải môtô, xe máy.
Nếu được Chính phủ phê duyệt, đề án trên sẽ được triển khai thực hiện thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2010.