Chuyện làm đường ở Mỹ Yên

14:16, 14/04/2009

Gần đây, chuyện người dân hiến đất để mở đường đã trở thành phong trào phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện Đại Từ. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm được khởi công xây dựng tạo sự thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.  

Tuyến đường giao thông liên xã Đại Từ – Mỹ Yên – Văn Yên có tổng chiều dài gần 11 km đi qua địa phận 5 xã, thị trấn. Đây là dự án được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với chủ trương không sử dụng ngân sách Nhà nước đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), nhân dân tự GPMB để làm đường. Vì vậy, sau khi được chính quyền địa phương vận động, trên 450 hộ dân dọc tuyến đường đã đồng lòng hiến đất cho công trình với tổng diện tích trên 20 nghìn m2, trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng.

 

Nằm trong dự án, Mỹ Yên – nơi tuyến đường đi qua địa bàn có chiều dài hơn 7 km với 156 hộ dân của 12 xóm bị ảnh hưởng về đất đai, tài sản. Tổng diện tích thu hồi để GPMB lên tới trên 17.000 m2, trị giá ước tính hơn 2 tỷ đồng. Ngay khi bắt đầu có chủ trương 95% hộ dân địa phương đã đồng ý hiến đất làm đường. Đi tìm hiểu vì sao Mỹ Yên lại vận động nhân dân đồng thuận hiến đất với tỷ lệ cao như vậy, chúng tôi được đồng chí Đào Ngọc Quang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Yên cho biết: Khi nhận được chủ trương của cấp trên, chúng tôi thấy đây thực sự là vấn đề khó khăn vì liên quan đến tài sản của dân. Để dân biết, dân hiểu và ủng hộ, chúng tôi phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, đồng thời lấy công tác kiên trì vận động thuyết phục nhân dân là chính. Còn đối với những trường hợp khó khăn thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trực tiếp bám sát cơ sở, gần dân, vận động các hộ dân vì lợi ích chung của cộng đồng.

 

Được biết, ngay sau khi có quyết định phê duyệt làm đường của cấp trên, Mỹ Yên đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động nhân dân hiến đất, tài sản do đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã làm Trưởng ban, có sự phân công cho từng đồng chí thành viên. Tại mỗi xóm cũng thành lập Tiểu Ban vận động do đồng chí Bí thư chi bộ làm Trưởng tiểu ban. Sau khi kiện toàn về tổ chức và bộ máy hoạt động, xã bắt đầu triển khai họp dân tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để nhân dân tiếp thu và vận động bà con hiến đất làm đường. Khi được tuyên truyền và hiểu được những lợi ích khi có đường mới (thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế…) đa phần người dân nhất trí cao với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó dân hiến đất giải tỏa, Nhà nước bỏ kinh phí làm đường. Sau khi nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, xã tổ chức ký cam kết với dân về hiện trạng sử dụng đất.

 

Nói về vấn đề này, đồng chí Đào Ngọc Quang tủm tỉm cười: Khi tổ chức ký cam kết với các hộ dân, chúng tôi sử dụng các phiếu in sẵn nhưng chưa có số liệu cụ thể mỗi nhà lấy bao nhiêu m2 vì e tâm lý có hộ dân mất nhiều lại… tiếc của. 95% nhân dân ủng hộ ký cam kết xin hiến đất, tài sản là con số minh chứng cho sự đồng lòng của người dân mong mỏi về con đường mới mang lại sự thịnh vượng, ấm no cho họ. Những hộ còn lại phân vân, lưỡng lự chưa nhất trí cao thì cả hệ thống chính trị cơ sở nơi đây vào cuộc. Nếu là đảng viên nhờ chi bộ đến thuyết phục, nếu là hội viên, đoàn viên của đoàn thể nào thì đoàn thể đó vận động. Có những hộ gia đình phải 5 lần vào vận động mới đồng ý hiến đất. Trong vòng hơn 2 tháng (từ tháng 3 đến giữa tháng 5-2008) 100% hộ dân ở Mỹ Yên đã cam kết hiến đất, tài sản làm đường giao thông liên xã Đại Từ – Mỹ Yên – Văn Yên. Nhiều tấm gương xung phong hiến đất với diện tích không nhỏ đã có tác dụng khích lệ lớn đối với các gia đình khác.

 

Chúng tôi đến nhà anh Lê Ngọc Thắng, sinh năm 1966, trú tại xóm Bắc Hà 1 khi gia đình đang chuẩn bị bữa ăn chiều. Trong căn nhà tranh, vách đất, nhìn quanh chúng tôi thấy tài sản của gia đình anh chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi màu đã cũ. Vợ anh, chị Phạm Thị Túc lau nhanh bàn tay, vội vàng khép phên liếp cửa bếp vào dường như để che giấu sự nghèo nàn ẩn chứa trong đó và chạy lên nhà pha chè mời khách. Trong câu chuyện với anh chị, chúng tôi được biết  tuy là gia đình hộ nghèo nhưng anh, chị đã hiến trên 650 m2 cho Nhà nước làm đường. Anh Thắng cho biết: Lấy đất thì tôi không tiếc vì dù gì đó cũng là do lợi ích chung cả cộng đồng, nhiều nhà mất chứ không riêng nhà tôi. Nhưng tôi tiếc nhất là 5 cây trám đen  đã trên 20 năm tuổi và là nguồn thu nhập chính cho gia đình khoảng chục năm nay. Vào mùa trám, có thời điểm giá quả trám cao lên tới trên 30 nghìn đồng/kg, mỗi năm cũng được vài ba triệu đồng thêm thắt vào lo cho con cái. Nhà có 4 người, ngoài 2 vợ chồng, anh chị có cháu lớn sinh năm 1990 đã nghỉ học còn cháu nhỏ sinh năm 2002 mới đang học lớp 1. Kinh tế gia đình anh chủ yếu trông vào 5 sào chè, nhưng do ít vốn đầu tư, chăm sóc nên năng suất, sản lượng chè thấp, thu nhập từ chè cũng chỉ đủ ăn. Bình quân thu nhập của gia đình là 120 nghìn đồng/người/tháng. Trước khó khăn của gia đình, xã Mỹ Yên đã trích ngân sách ủng hộ anh chị 400 nghìn đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng cũng phần nào thể hiện sự quan tâm của địa phương đối với các hộ nghèo. Ngoài anh Thắng, xã Mỹ Yên còn có những tấm gương khác như bà Chu Thị Động, xóm La Vương hiến 445 m2 đất ruộng 2 vụ; anh Nguyễn Thái Học ở xóm Chùa hiến trên 200 m2 mà không đòi hỏi yêu sách gì.

 

Chính nhờ vào sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân trong xã mà tuyến đường Đại Từ – Mỹ Yên – Văn Yên được thi công thuận lợi, phấn đấu hoàn thành vào tháng 10-2009 đi vào sử dụng. Không chỉ được đánh giá là xã điển hình làm đường giao thông nông thôn của huyện mà Mỹ Yên còn trở thành điểm sáng trong phong trào vận động nhân dân hiến đất mở đường của toàn tỉnh.