Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao (17,7%), trong đó, một bộ phận hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tập trung nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, vùng cao. Hàng năm T.W còn phải cân đối ngân sách cho tỉnh từ 50 đến 70%. Do vậy việc hỗ trợ cho hộ nghèo còn hạn chế.
Theo đánh giá chung, hầu hết các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đều ở nhà tạm, nhà dột nát, nhà tranh tre, nứa lá, chất lượng không đảm bảo. Các hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao nên cuộc sống còn khó khăn do mức thu nhập thấp; điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thiếu; điều kiện về vệ sinh môi trường chưa được quan tâm, tình trạng thiếu nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày còn phổ biến ở hầu hết các vùng nông thôn.
Nhiều năm qua, Nhà nước đã có các chính sách giúp hộ nghèo cải thiện nhà ở. Từ đó đã khơi dậy tinh thần "tương thân tương ái" trong toàn thể cộng đồng, anh em dòng họ cùng chung tay đóng góp hỗ trợ người nghèo. Qua đó đã có 12.500 hộ cán bộ, công nhân viên chức được mua nhà ở thanh lý theo Nghị định 60 - 61 của Chính phủ về bán thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và hợp thức đất ở cho cán bộ, công nhân viên chức; 328 trường hợp được hỗ trợ để cải thiện nhà ở theo Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ (TTCP) về hỗ trợ hộ có người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng 8/1945 cải thiện nhà ở; 336 hộ được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định 118 và Quyết định 117 của TTCP về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở (dự kiến đến năm 2010 các trường hợp còn lại sẽ giải quyết xong); 4.201 hộ được hỗ trợ theo Quyết định 134 của TTCP về việc hỗ trợ hộ xoá nhà dột nát, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; Thực hiện Đề án vận động xoá nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005-2007 toàn tỉnh đã huy động số tiền đóng góp vào "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa" 15 tỷ đồng hỗ trợ xây được 561 nhà tình nghĩa; vận động được 27.712,5 triệu đồng để hỗ trợ sửa chữa và làm mới được 4.389 nhà ở cho hộ nghèo (trong đó làm mới 4.077 nhà, sửa chữa 312 nhà).
Tuy nhiên, việc vận động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng đối với hộ nghèo còn hạn chế, chủ yếu chỉ giúp đỡ một phần vật liệu có sẵn và ngày công lao động. Về chính sách, mức hỗ trợ còn thấp so với điều kiện giá cả vật liệu tăng cao; lại ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, khả năng giúp đỡ của cộng đồng, dòng họ cũng còn nhiều. Vì vậy số hộ nghèo cần được tiếp tục hỗ trợ trên địa bàn tỉnh khá lớn. Theo rà soát bước đầu của của UBND các huyện, thành phố, thị xã, đến 15/4/2009 tại 144 xã trên địa bàn tỉnh thì 134 xã có 8.316 hộ nghèo hiện chưa có nhà ở hoặc ở nhà dột nát có nhu cầu đề nghị Chính phủ hỗ trợ về nhà ở; có 7.601 hộ có nhu cầu vay thêm để bổ sung cho làm nhà.
Ngày 12/12/2008, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định 167 về chính sách hỗ trợ nhà ở. Việc thực hiện chính sách này sẽ cùng với các chính sách thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 góp phần giúp hộ nghèo có nhà ở ổn định, nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo bền vững. Vì thế, theo quy định tại Quyết định 167, bên cạnh việc hỗ trợ từ ngân sách T.W 6 triệu đồng/hộ (vùng khó khăn hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ) thì ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng không dưới 20% so với nguồn ngân sách T.W đảm bảo và huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện mục tiêu, chính sách này. Theo Đề án hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, dự kiến làm một căn nhà cho hộ nghèo theo quy định có diện tích tối thiểu 24m2, thời hạn sử dụng trên 10 năm cần khoảng 24 triệu đồng. Số còn lại sẽ huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp, dòng họ trong gia đình. Với số lương 8.316 hộ thuộc diện đối tượng hỗ trợ về nhà ở tại khu vực nông thôn theo Quyết định 167 sẽ được phân kỳ thực hiện như sau: năm 2009 hoàn thành công tác chuẩn bị; triển khai hỗ trợ làm nhà cho 3.000 hộ; năm 2010 hỗ trợ làm nhà cho 4.800 hộ; năm 2011 thực hiện hỗ trợ cho 516 hộ; năm 2012 giải quyết việc trả nợ vốn vay và các trường hợp phát sinh.
Để đảm bảo tính chính xác, không gây khiếu kiện thì việc quan trọng hàng đầu là bình xét đối tượng và phân loại ưu tiên theo đúng quy định (ưu tiên thứ tự hỗ trợ cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, chưa có nhà ở, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số); đảm bảo công khai, minh bạch. UBND cấp xã tổng hợp danh sách số hộ được hỗ trợ; lập danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn báo cáo UBND cấp huyện để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Việc thực hiện xây dựng nhà ở, UBND cấp xã giao Ban Giảm nghèo cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo theo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở. Đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp và huy động cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình đóng góp thêm và vận động các hộ tự xây dựng. Đối với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…) không thể xây dựng được thì Ban Giảm nghèo cấp xã tổ chức xây dựng cho đối tượng này.
Hiện nay, các cấp ngành liên quan đang khẩn trương triển khai các công tác liên quan như lựa chọn thiết kế mẫu cho hộ nghèo; rà soát lại các đối tượng chính xác; chuẩn bị tổ chức hội nghị để quán triệt nội dung của Quyết định 167…hấn đấu đến hết tháng 4/2009 sẽ hoàn tất các công việc trên. Để thực hiện theo đúng tiến độ của Đề án đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác chỉ đạo, vận động, tuyên truyền giúp người dân nắm bắt được mục đích, ý nghĩa của Quyết định và tham gia hưởng ứng đóng góp hỗ trợ; coi đây là cơ hội tốt góp phần giảm nhanh số hộ nghèo chưa có nhà ở trên địa bàn tỉnh.