Lấy mình làm minh chứng sống về ảnh hưởng của chất độc dioxin trong chiến tranh, Trần Thị Hoan, 23 tuổi, với 2 chân cụt tới gối và một tay trái không có bàn tay, từ TP HCM đã gửi thư đến Tổng thống Barack Obama.
Gặp gỡ VnExpress.net sáng 20/4, tròn một tháng sau khi bức thư vừa được gửi sang Mỹ, cô sinh viên năm thứ hai, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM (Huflit) cho biết, cô quyết định viết thư cho Tổng thống Obama sau khi nghe tin Tòa án tối cao Mỹ một lần nữa bác đơn kiện dân sự đòi công lý của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam gửi hồi tháng 10/2008.
"Buồn lắm vì một lần nữa, tiếng nói của những người Việt Nam cả đời không lành lặn vì chất độc lại bị bỏ qua. Ban đầu em cũng không định viết, nhưng khi vô tình đọc được nội dung một bức thư mà ông Obama gửi cho hai con gái trên Internet với nội dung "mong muốn mọi trẻ em trên thế giới được hạnh phúc", nghĩ ông ấy là người có tình cảm, em đã quyết định viết thư", Hoan tâm sự.
Hoan cho biết, tháng 9/2008, cô cùng bà Đặng Hồng Nhựt - Chánh văn phòng Hội nạn nhân chất độc da cam TP HCM lên đường sang Mỹ. Qua nhiều buổi tiếp xúc với luật sư, cựu binh và trí thức Mỹ, lòng Hoan dâng lên một niềm tin rằng, cô và những nạn nhân chất độc da cam vẫn còn được nhiều giới tại đất nước này quan tâm, trân trọng. "Khi đó tất cả hy vọng được gửi trọn vào lá đơn của Hội gửi Tòa án tối cao Mỹ, để rồi cuối cùng lại bị từ chối", Hoan nói.
Thất vọng nhưng không tuyệt vọng, Hoan cho biết, lá thư lần này là nỗi lòng của cô. "Chỉ mong sao Tổng thống Barack Obama dành chút thời gian đọc và suy nghĩ về những bức xúc của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam", Hoan nói.
Đang thổ lộ những tâm tình gửi gắm trong thư, ánh mắt Hoan chợt xa xăm khi từ ô cửa nhỏ trong căn phòng Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), nơi cô được cưu mang từ năm 6 tuổi bởi những tật nguyền, lất phất những hạt mưa.
"Lại mưa nữa rồi, em sợ nhất mùa mưa vì mỗi lần mưa là mỗi lần em nhớ bố mẹ. Nó làm em nhớ cái xã nghèo hạ nguồn sông Là Ngà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Nơi đó, bố mẹ vẫn dõi theo em từng ngày. Nơi đó cạnh nhà em vẫn còn nhiều trẻ tật nguyền nghi ngờ do bị nhiễm độc. Tất cả đều vô vọng đợi chờ. Tiền đâu mà xét nghiệm, kinh phí đâu mà chữa trị. Bởi thế, em luôn hy vọng vào bức thư gửi Tổng thống về một tương lai sáng sủa hơn cho người VN nhiễm độc da cam", giọng Hoan trùng hẳn.
Hoan kể, cả xóm quê em ở đều là người nhập cư từ huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái, sau chuyển vào Thái Bình, nơi bị ảnh hưởng nhiều bởi chất độc dioxin. Gia đình Hoan có 7 người, bố mẹ và năm anh chị em nhưng chỉ mình em bị tật. Gia đình vốn làm ruộng.
"Mẹ kể, ngày sinh em ra, bố và mẹ đã mất không biết bao nhiêu nước mắt. Nỗi mừng vui vì gương mặt con xinh giống mẹ chưa kịp dâng lên thành nụ cười đã vội vo tròn thành giọt đắng nghẹn vào trong khi 2 chân và 1 tay con gái cụt ngủn khác thường", nói đến đây, nước mắt Hoan lăn tròn trên má.
Không có tay chân, sinh năm 1986, cô bé cứ bất chấp tật nguyền lớn lên từng ngày. Nhà không đủ ăn. Cả gia đình buồn. Con gái bệnh tật. Cha mẹ đã buồn càng não lòng hơn khi Hoan đến tuổi tới trường nhưng không nơi nào nhận. May mắn, một người quen đã giới thiệu em đến với mái ấm Làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ.
Hoan nhớ lại, năm ấy khăn gói theo mẹ về Sài Gòn, lúc đó mẹ chỉ bảo đi chơi nên em vui lắm, vì trong xóm nghèo này có đứa lành lặn nào biết mặt thành phố. Chỉ đến khi mẹ bảo "con ở lại với các cô", em mới chợt khóc òa rồi lê gối chạy theo. Gối quen cát đất, giờ được bước trên nền gạch láng mịn nên em chạy nhanh lắm. Mẹ khóc nhiều. Mấy chú bảo vệ bế vào, em la lối khuấy động cả bệnh viện. "Vậy mà đã hơn năm. Giờ đây, sau giờ học, em tranh thủ phụ các cô chăm sóc các em khác tại mái ấm, cũng bệnh tật như mình ", Hoan bày tỏ.
Mở máy tính lấy tấm ảnh chụp hồi sang Mỹ, cô sinh viên ngành Công nghệ thông tin thẹn thùng dùng chiếc cùi tay nhỏ xíu, teo quắt, che vội bức ảnh mình chụp với người bạn trai hiển thị trên màn hình như thể có điều gì ái ngại.
Ở Làng Hòa Bình, có hàng chục em bé tật nguyền vì là nạn nhân chất độc màu da cam, những thế hệ thứ 2, 3 và cả thứ 4. Từ trong những thân thể không lành lặn vì chất độc da cam, những bàn chân teo, những đôi tay không đủ ngón hay những gương mặt biến dạng, miệng đầy đờm nhớt, trái tim họ vẫn đập, đập mạnh hơn bao giờ hết. Thế nên, tự hào mình may mắn và lành lặn hơn bao số phận khác, Hoan vẫn mong lá thư bé nhỏ của mình đến được tận tay ông Obama.
Bà Đặng Hồng Nhựt - Chánh văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM, cho biết, lá thư của Hoan đã được Hội Cứu trợ và trách nhiệm nạn nhân chất độc da cam (Mỹ) dịch sát nghĩa và chuyển đến cho Tổng thống.
Bản thân cũng là nạn nhân chất độc da cam, bà Nhựt chưa dám hy vọng nhiều từ bức thư, tuy nhiên theo bà, lá thư sẽ cung cấp thêm thông tin rất thực về nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam, để Tổng thống Mỹ biết nạn nhân Việt Nam hiện sống như thế nào và mong đợi gì.
Tại Làng Hòa Bình, Hoan cùng với một em nữa đã được xét nghiệm là những nạn nhân chất độc da cam.