Thái Nguyên hiện có 156 xã, thị trấn chưa có công an chính quy và chức danh trưởng công an xã chưa chuẩn hóa (có trình độ từ trung cấp trở lên theo quy định của Chính phủ). Vì thế chức danh trưởng công an ở nhiều xã chưa được công chức hóa hoặc đã trở thành công chức nhưng đang "nợ" bằng chuyên môn. Hạn chế về trình độ chuyên môn đã, đang ảnh hưởng nhiều đến công tác của bản thân các đồng chí trưởng công an xã…
Trưởng công an xã là 1 trong 7 chức danh ở cấp xã yêu cầu phải chuẩn hóa để bổ nhiệm công chức nhằm phục vụ cho việc tăng thẩm quyền cho công an xã nói riêng, nâng cao trình độ, ổn định bộ máy cấp xã nói chung. Thực hiện quy định này, Sở Nội vụ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện chuẩn hóa đối với chức danh trưởng công an xã, song trong quá trình tiến hành 100% số xã, thị trấn chưa có công an chính quy đều vướng vì không có trường hợp nào đang đảm nhiệm chức danh trưởng công an cấp xã đã được đào tạo chuyên ngành.
Trước thực tế đó, từ năm 2007, Công an Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Nội vụ, 9 huyện, thành, thị chỉ đạo các xã, thị trấn chọn lựa các đồng chí trưởng công an xã có đủ tiêu chuẩn: sinh sau năm 1960, có trình độ THPT để đào tạo chuyên môn hệ trung cấp. Ngay trong năm 2007 đã có 77 xã, thị trấn trong tỉnh cử các đồng chí đang giữ chức vụ trưởng công an có đủ điều kiện theo quy định tham gia học khoá I và những trường hợp này sau hơn 2 năm học tập đã tốt nghiệp. Đối với 77/ 79 xã còn lại cũng đã cử cán bộ tham gia khóa học hệ trung cấp công an lần thứ II của tỉnh nhưng riêng xã Phúc Thuận và thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên) không có cán bộ tham gia với lý do không tìm được nguồn theo tiêu chuẩn quy định!
Ngoài 2 chức danh trưởng công an xã, phó công an xã, ở cơ sở hiện có thêm lực lượng công an viên của các xóm bản, tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ nắm bắt tình hình, xử lý các vụ việc mất an ninh trật tự thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện trực tại trụ sở theo lịch phân công của công an xã; tham gia các vụ việc mang tính chất tập trung của xã như: bảo vệ các sự kiện chính trị lớn, giải tỏa, xử lý vi phạm giao thông…Do vậy, vai trò của lực lượng công an xã, công an viên ở cơ sở rất quan trọng, là mạng lưới chân rết không thể thiếu ở cơ sở của ngành Công an.
Tuy nhiên, vì lý do chức danh trưởng công an xã chậm được chuẩn hóa theo quy định, việc bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục về chính trị, tư tưởng, tác phong cho đội ngũ công an viên của các xóm bản, tổ dân phố (2.453 người) lại chưa được các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục. Chính điều này đã dẫn tới một số công an viên khi đi làm nhiệm vụ có những hành động, việc làm vi phạm quy định của Ngành như: đánh người, nói năng thô tục, sử dụng rượu bia trước khi làm việc…Trung tá Ngô Đức Khánh, cán bộ Phòng Xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh) cho biết: Về đào tạo nghiệp vụ đã được phân cấp rất cụ thể, Công an tỉnh bồi dưỡng cho chức danh trưởng công an xã, phó công an xã và 100% đối tượng này được tập huấn hàng năm. Riêng lực lượng công an viên do công an 9 huyện, thành, thị đảm nhiệm việc tập huấn nghiệp vụ nên phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy chỉ có T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình, T.X Sông Công là tổ chức bồi dưỡng cho 100% công an viên hàng năm, các địa phương còn lại tổ chức luân phiên theo cụm nên ít, nhiều ảnh hưởng tới việc trang bị kiến thức chuyên môn, tư cách, tác phong cho lực lượng này.
Chức năng, nhiệm vụ của công an cấp xã sẽ còn được tăng thêm khi Pháp lệnh Công an xã có hiệu lực trong thời gian tới, do vậy, vấn đề đào tạo để chuẩn hoá, việc trang bị kiến thức chuyên môn, ý thức kỷ luật, tác phong cho công an cơ sở không được quan tâm thực hiện thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công tác chuyên môn, làm xấu hình ảnh người cán bộ, chiến công an. Anh Nông Thanh Bình, công an viên xã Cúc Đường (Võ Nhai) tâm sự: Vụ việc ở cơ sở xảy ra thường xuyên và chúng tôi là những người trực tiếp giải quyết hoặc là người tiếp cận đầu tiên nên nếu không có kiến thức, nghiệp vụ sẽ rất dễ để xảy ra thiếu sót, sai lầm. Được tập huấn nhiều hơn, chúng tôi sẽ biết cách ứng xử nhanh, phù hợp với các tình huống khác nhau. Còn Đại tá Lê Cường, Trưởng công an T.P Thái Nguyên lại nhận định: Lực lượng công an ở cấp xã thông thạo địa bàn, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân nên ở những nơi lực lượng này mạnh thì vần đề an ninh trật tự được đảm bảo và ngược lại.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy việc chuẩn hoá cho 2 chức danh trưởng công an xã, phó công an xã và thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cho công an viên ở cơ sở là hết sức cần thiết và nên thực hiện đều đặn hàng năm.