Phú Bình là địa phương có ít giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phải thực hiện điều chỉnh cấp đổi theo Quyết định số 1597/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai và hiện chỉ còn 2 tháng là hết thời hạn, toàn huyện mới cấp được 60 GCNQSDĐ (bằng 15,1% KH). Thực tế này đòi hỏi, rất cần sự vào cuộc, hợp tác của các bên: Chính quyền và người dân.
Theo Quyết định số 1597/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc điều chỉnh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với thửa đất ở có vườn, ao đã cấp vượt hạn mức đất ở theo quy định do không tách diện tích đất ở và đất vườn, ao trên địa bàn tỉnh, huyện Phú Bình có 397 trường hợp phải cấp lại.
Được biết, ngay khi UBND tỉnh ra Quyết định 1597 ngày 10-8-2007, huyện Phú Bình đã tổ chức triển khai, quán triệt đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn và yêu cầu các địa phương triển khai đến bí thư và trưởng xóm để thống kê danh sách những hộ thuộc diện phải cấp đổi GCNQSDĐ. Tuy nhiên, việc triển khai của các xã, thị trấn đến người dân còn rất chậm. Huyện đã ra nhiều công văn đôn đốc các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng đến nay, toàn huyện mới cấp đổi được 60 GCNQSDĐ và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện mới tiếp nhận thêm được 112 hồ sơ xin cấp đổi. Như vậy, còn tới 225 hồ sơ (chiếm 56,6%) cần được hoàn chỉnh từ nay đến trước ngày 30/5 để Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kịp hoàn thành theo quy định của UBND tỉnh. Tính đến ngày 20/4, 11/18 xã có hộ dân phải thực hiện cấp đổi nhưng chưa chuyển được hồ sơ nào đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để làm các thủ tục tiếp theo.
Giải thích về việc cấp đổi GCNQSDĐ của thị trấn Hương Sơn còn chậm (hiện còn 64/124 trường hợp chưa thực hiện cấp đổi), anh Phạm Văn Xuyên, cán bộ địa chính thị trấn cho biết: Hơn một năm trở lại đây, trên địa bàn thị trấn thực hiện cùng lúc nhiều dự án giải phóng mặt bằng, trong đó có 2 dự án làm đường phải vận động nhân dân hiến đất, trong khi đó, các công việc khác vẫn phải bảo đảm nên thời gian dành cho việc thực hiện Quyết định 1597 của UBND tỉnh không nhiều. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiên cấp đổi, thị trấn Hương Sơn cũng gặp phải một số khó khăn như: GCNQSDĐ của một số hộ bị mất hoặc đang thế chấp tại ngân hàng; một số chủ hộ đi làm ăn xa nên không thể thực hiện được các thủ tục cần thiết; một số chủ hộ có (vợ, chồng) đã mất nên phải có biên bản họp gia đình để xác định người đứng trong GCNQSDĐ nhưng gia đình lại có thành viên làm ăn xa nên không họp, thống nhất được; diện tích đất của một số hộ có sự chênh lệch quá lớn giữa thực tế với bản đồ 299 và bản đồ bản đồ địa chính chính quy nên phải tiến hành đo đạc lại (những trường hợp này cần ít nhất 1 ngày).
Anh Xuyên cho rằng, thị trấn Hương Sơn cơ bản sẽ hoàn thành các hồ sơ để cấp đổi GCNQSDĐ trước ngày 30/5 (theo chỉ đạo của UBND huyện riêng thị trấn Hương Sơn phải hoàn thành trước ngày 30/4). Tuy nhiên, sẽ còn một vài trường hợp không thể thực hiện được do chủ hộ đi vắng; một số hộ do cố tình không chấp hành (những trường hợp này, cán bộ địa chính sẽ có biên bản làm việc cụ thể với từng gia đình để nếu sau này Nhà nước có điều chỉnh lại hạn mức hay yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí thì hộ dân đó phải tự chịu trách nhiệm).
Không nhiều như thị trấn Hương Sơn, xã Bảo Lý có 10 hộ phải thực hiện cấp đổi GCNQSDĐ. Với số lượng này, đúng ra, Bảo Lý sẽ dễ dàng hoàn thành trong 1 thời gian ngắn. Vậy nhưng đến giờ, mới có 5 hộ nộp lại GCNQSDĐ. 5 hộ còn lại chưa thấy trưởng xóm báo cáo nguyên nhân vì sao chưa chưa nộp. Tìm hiểu thực tế ở 2 gia đình đã có hồ sơ ở xã, điều khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên là cả 2 hộ dân này đều không biết Quyết định 1597 là gì. Ông Lê Xuân Phố, xóm Đại Lễ không chút ngần ngại: Tôi chưa được nghe đến việc cấp đổi GCNQSDĐ do vượt hạn mức đất ở. Tôi cũng không nhớ gia đình tôi có bao nhiêu diện tích đất thổ cư, bao nhiêu diện tích đất vườn tạp. Sở dĩ mới đây tôi nộp lại GCNQSDĐ là vì trước đây, khi xóm thông báo các gia đình nộp lại GCNQSDĐ để Nhà nước điều chỉnh từ bản đồ 299 sang bản đồ F48 (bản đồ địa chính chính quy) lúc đó GCNQSDĐ của gia đình tôi đang thế chấp ở ngân hàng để vay vốn nên chưa nộp được. Hôm trước được lấy về là tôi nộp ngay cho cán bộ địa chính xã. Mặc dù hôm nay mới biết đến việc cấp đổi nhưng gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ.
Trên thực tế, việc triển khai thực hiện Quyết định 1597 của UBND tỉnh đúng là có gặp phải khó khăn do khách quan mang lại như một số trường hợp ở thị trấn Hương Sơn song theo chúng tôi, đây không phải là vấn đề quá khó để có thể thực hiện. Thực tế cho thấy, T.P Thái Nguyên và huyện Đại Từ, mặc dù số lượng GCNQSDĐ phải cấp đổi nhiều nhưng đến nay, về cơ bản đã hoàn thành. Mong rằng, các cơ quan chức năng huyện Phú Bình sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc để việc thực hiện Quyết định 1597 ở Phú Bình sẽ hoàn thành theo quy định. Muốn làm được việc này, rất cần sự nhiệt tình, hợp tác của cả chính quyền và người dân. Có như vậy việc quản lý về đất đai của Nhà nước mới thuận tiện và quyền lợi của người dân cũng được đảm bảo.