Tiếp tục thực hiện Chương trình giám sát về công tác trợ giúp pháp lý, ngày 22/4, Ban Pháp chế của HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát công tác này tại Sở Tư pháp.
Tại buổi giảm sát, các thành viên trong đoàn đã đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Sở Tư pháp làm rõ một số vấn đề như: Kết quả của việc trợ giúp lý từ khi thành lập Trung tâm; việc tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và nhân dân vùng đặc biệt khó khăn; vai trò của các luật sư được cử bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là các đối tượng như: trẻ vị thành niên, người dân tộc thiểu số…
Qua báo cáo của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, bình quân mỗi năm, đơn vị này thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trên 1.400 lượt đối tượng chính sách; đã thành lập được 113 câu lạc bộ pháp lý tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện hàng trăm buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động tại các xóm bản; cử các luật sư có trình độ, nghiệp vụ chuyên tham gia bào chữa miễn phí tại các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, qua giám sát của Ban Pháp chế cũng cho thấy nhu cầu được tư vấn, trợ giúp pháp lý của nhân dân trong tỉnh rất cao, song, Trung tâm mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu; đội ngũ cán bộ, cộng tác viên pháp lý vẫn còn thiếu nên chưa tổ chức được nhiều phiên tuyên truyền lưu động. Đối với các kiến nghị, đề nghị của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn, nguồn kinh phí phục vụ công tác này cũng đã được đoàn giám sát ghi nhận và sẽ chuyển kỳ họp tới của HĐND tỉnh để xem xét, giải quyết.