Bộ Y tế vừa có công điện khẩn gửi Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu tăng cường giám sát, đề phòng dịch cúm H1N1.
Cảnh giác đặc biệt với H1N1
Ngày 26/4, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế vừa có công điện khẩn gửi Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu tăng cường giám sát, đề phòng dịch cúm heo.
Các đơn vị này có nhiệm vụ theo dõi và phát hiện sớm nhất những trường hợp nghi ngờ mắc cúm heo với các biểu hiện về viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi…. Đặc biệt, chú ý đối với những người di chuyển từ vùng đang xảy ra dịch bệnh trên thế giới về Việt Nam.
"Virus cúm heo có nguồn gen tổng hợp từ người, heo và chim nên độc lực rất mạnh. Việt Nam chưa từng xuất hiện dịch bệnh tương tự nhưng vẫn phải cảnh giác đặc biệt vì mầm bệnh cúm gia cầm H5N1 còn tồn tại và đã có các ca tử vong; tỷ lệ các gia đình nuôi heo lớn trong khi vệ sinh môi trường và chuồng trại không được đảm bả0", TS Nga nói.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết: Hiện nay chưa có ý kiến chính thức để định nghĩa và cảnh báo các triệu chứng lâm sàng của loại bệnh này. Tuy nhiên, H1N1 được xác định là loại bệnh nguy hiểm hàng đầu (tương tự như dịch SARS) và nguy hiểm hơn cả cúm H5N1 vì có thể lây bệnh từ người này sang người khác và gây nguy cơ tử vong rất cao.
Khẩn cấp chuẩn bị phòng ngừa dịch
Theo BS Châu, TP.HCM là nơi giao lưu mạnh về yếu tố con người, đặc biệt, lượng khách nước ngoài đến và đi rất nhiều. Vì vậy, nơi được đặc biệt chú trọng phòng dịch là sân bay quốc tế và các cảng đường biển.
Theo đó, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM phải cấp thiết trong công tác kiểm dịch, đảm bảo theo dõi được tình hình diễn biến thân nhiệt của hành khách vì căn bệnh này cũng gây sốt cao. Đồng thời, nắm được địa chỉ, nơi cư trú của các hành khách nước ngoài đến Việt Nam để có phương án hành động thích hợp.
“Khi kiểm dịch tại sân bay, cảng biển phải chú trọng các chuyến nhập cảnh từ Mỹ, đặc biệt là những chuyến bay quá cảnh tại Mexico… vào trong nước” - BS Châu nhấn mạnh. “Yêu cầu kiểm tra kỹ thuật và tăng cường thêm các máy đo nhiệt độ cơ thể người ở các sân bay nhằm sớm phát hiện bệnh”.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới… phải khởi động ngay từ bây giờ những động tác dự phòng như: chuẩn bị trang phục, thuốc diệt khuẩn… đảm bảo cung ứng đủ khi bùng phát dịch bệnh.
Theo BS Châu, điều khó khăn hiện nay của nước ta là còn tồn tại rải rác các ca bệnh H5N1 gây tử vong ở các tỉnh miền Tây và phía Bắc. Từ nay, các bệnh viện của TP.HCM phải đặc biệt quan sát các ca bệnh liên quan đến hô hấp, phổi, cúm (triệu chứng cúm), báo cáo hàng ngày về cho Sở Y tế để thống kê theo dõi. Phòng Nghiệp vụ y và Trung tâm Y tế dự phòng phải khởi động hệ thống giám sát - ra văn bản gửi ngay cho các cơ sở y tế yêu cầu báo cáo gấp qua điện thoại cho Sở y tế khi thấy những ca bệnh nghi ngờ
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, phát động phong trào ăn chín, uống sôi, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Bắt đầu báo cáo tình hình phòng chống dịch của TP.HCM cho Bộ Y tế trong ngày tới.
BS Phan Văn Nghiệm - Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết, hiện toàn thành phố có 4 bệnh viện lớn gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Phạm Ngọc Thạch đủ điều kiện về phòng cách ly, lực lượng chuyên môn và năng lực trong công tác điều trị bệnh dịch. Cùng với hệ thống xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM có thể xét nghiệm đưa ra kết quả bệnh trong vòng 24h.
Thành lập đội phản ứng nhanh
Thành viên của đội phản ứng nhanh, cơ động với dịch bệnh tại TP.HCM bao gồm các BS của bệnh viện: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch. Với nhiệm vụ trọng tâm là linh động đến tận nơi (kể cả các tỉnh thành khác) phát hiện dịch bệnh để xử lý.
Chủ trương đối phó dịch H1N1 là cách ly ngay tại nơi phát hiện bệnh nhân, sau đó mời các BS thuộc đội phản ứng nhanh đến hội chẩn, tránh tối đa tình trạng chuyển bệnh để không làm lây lan dịch.
Được biết, vào năm 1918 loại bệnh cúm heo này cũng đã xảy ra trên thế giới với hơn 1 triệu người mắc.
BS Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế khuyến cáo phải có ngay giải pháp tăng cường kiểm dịch đối với cả người nhập lẫn xuất cảnh. Cần rút kinh nghiệm qua những ca bệnh SARS trước đây - những phương tiện dụng cụ đặc biệt như mark (khẩu trang y tế), trang phục, mũ… cần chuẩn bị trước đầy đủ.
Song song đó là tổ chức chiến dịch vệ sinh diệt khuẩn, vì hiện nay bệnh tiêu chảy, tay - chân - miệng đang gia tăng nhanh.
Ông Hoàng Ngọc Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM cho biết: Bắt đầu từ sáng 26/4 đã cho tăng cường nhân lực, chú trọng kiểm tra thân nhiệt đối với hành khách từ China Airline đến TP.HCM, trang thiết bị cũng đã chuẩn bị đầy đủ.
BS Châu chỉ đạo các Ban, ngành phải làm việc ngay với cảng vụ Tân Sơn Nhất để phối hợp kiểm tra dịch bệnh; Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế tăng cường công tác giám sát dịch tễ, sẵn sàng hệ thống dự phòng và điều trị cho dịch bệnh.
Ông Phan Xuân Thảo - Phó trưởng Chi cục Thú y thành phố cho biết: Hiện nay, TP.HCM chưa phát hiện cúm trên đàn heo, nhưng Cục sẽ tăng cường lấy mẫu đi kiểm dịch khi có nghi ngờ.