Kỳ nghỉ hè đối với học sinh được coi là học kỳ thứ ba. Trong nhiều năm qua, để thu hút, tập hợp các em tham gia vào các hoạt động tập thể, tổ chức Đoàn ở các địa phương đã tiếp nhận bàn giao học sinh về sinh hoạt hè với các nhà trường. Các trường phát phiếu sinh hoạt hè cho học sinh, Đoàn phường, xã, thị trấn đứng ra tổ chức các hoạt động, cuối đợt sinh hoạt hè xác nhận vào các phiếu để các em nộp cho nhà trường. Tuy nhiên, qua hoạt động sinh hoạt hè nhiều năm nay cho thấy bộc lộ nhiều vấn đề cần được kê chỉnh.
Chủ đề hè năm 2009 mà Ban chỉ đạo hè của T.P Thái Nguyên triển khai tới các xã, phường là "Hãy dành một môi trường thân thiện cho trẻ em". Đồng chí Đặng Thị Vân Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội T.P Thái Nguyên cho biết: "Từ ngày 15 tới 25/5, các trường trong toàn thành phố đã phát phiếu hè và bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại các phường, xã. Các cơ sở Đoàn trực thuộc đã tiếp nhận trên 27 nghìn thiếu nhi về về sinh hoạt hè. Để các phường, xã tổ chức tốt hoạt động hè, Thành đoàn đã tổ chức tập huấn cho 139 cán bộ Đoàn ở cơ sở về nghiệp vụ tổ chức các hoạt động hè. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay cho các đơn vị là thiếu địa điểm để tổ chức các hoạt động cho các em thiếu nhi. Nhiều xã, phường 1/3 số xóm, tổ dân phố không có nhà văn hoá".
Để tìm hiểu về hoạt động hè, chúng tôi tìm đến một phường trung tâm của T.P Thái Nguyên-phường Đồng Quang. Theo Bí thư Đoàn phường Trần Viết Quyền: "Bên cạnh khó khăn thiếu sân chơi cho các em (18 tổ dân phố của phường thì có 6 tổ chưa xây dựng được nhà văn hóa, nhiều đơn vị từ 2-3 tổ chung nhau 1 nhà văn hóa), nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con em mình tham gia sinh hoạt hè. Do không có địa điểm sinh hoạt, một số chi đoàn phải tổ chức sinh hoạt hè ở lòng đường, hè phố, các gia đình lo lắng cho sự an toàn của con em mình. Do vậy, rất khó khăn trong việc tập hợp, tổ chức các hoạt động cho thanh thiếu nhi”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bí thư chi đoàn tổ 8 Nguyễn Phương Thảo cho rằng: “Chi đoàn em tiếp nhận 20 cháu thiếu niên, nhi đồng về sinh hoạt hè. Tuy tổ có nhà văn hóa, nhưng 3 tổ chung nhau nên không thể tổ chức cho các cháu sinh hoạt. Chi đoàn đành tổ chức sinh hoạt tại đường trục của khu phố, còn tổ 13 tuy có nhà văn hóa, nhưng nằm cách nơi tập trung đông dân cư của tổ gần 800m, vì thế chi đoàn phải mượn nhờ sân nhà dân để tổ chức sinh hoạt. Vì thế rất hạn chế trong tổ chức các hoạt động.
Bên cạnh những khó khăn nêu trên thì nội dung sinh hoạt hè cũng là vấn đề đáng bàn. Trao đổi cùng chúng tôi, một số bí thư chi đoàn thẳng thắn nhận xét: Nội dung sinh hoạt hè trong nhiều năm nay không có sự đổi mới. Mặc dù chủ đề hoạt động hè năm nay nêu rất to "Hãy dành một môi trường thân thiện cho trẻ em", nhưng các chi đoàn chỉ biết mỗi tuần tổ chức 2 buổi sinh hoạt. Nội dung chính là dạy hát, múa, chơi trò chơi, tập thể dục. Buổi sáng chủ nhật hàng tuần tổ chức tổng vệ sinh khu phố. Năm nào nội dung cũng chỉ có vậy nên là nguyên nhân gây nhàm chán, không thu hút, tập hợp được các cháu thiếu niên, nhi đồng. Một băn khoăn nữa mà các cơ sở Đoàn đang gặp phải đó là rất nhiều thanh thiếu niên không tham gia sinh hoạt hè, hoặc tham gia không đều, kết thúc đợt sinh hoạt, các chi đoàn xác nhận vào phiếu sinh hoạt hè cho các em để nộp về trường, nhưng chẳng có trường nào phản hồi về biện pháp xử lý đối với những trường hợp không tham gia sinh hoạt. Một số trường sau khi bàn giao học sinh cho địa phương coi như hết trách nhiệm. Vì thế, một số học sinh không sinh hoạt hè, không nộp phiếu sinh hoạt hè cho trường cũng không bị làm sao. Đó cũng là nguyên nhân khiến phụ huynh, học sinh coi nhẹ hoạt động tập thể này.
Thiết nghĩ, để thu hút, tập hợp các em tham gia sinh hoạt hè, các địa phương bên cạnh việc xem xét, bố trí địa điểm sinh hoạt cho các cháu hợp lý thì cần tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu ý nghĩa của hoạt động sinh hoạt hè, từ đó cho con em mình tham gia vào các hoạt động tập thể để xây dựng nhân cách. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong việc bàn giao sinh hoạt hè, cũng như tăng cường thông tin giữa hai bên để có biện pháp giáo dục đối với những học sinh không tham gia hoặc tham gia theo hình thức chiếu lệ. Mặt khác, tổ chức Đoàn cần nghiên cứu đổi mới nội dung sinh hoạt cho sát với tình hình thực tế. Có như vậy mới hy vọng thu hút tập hợp được các em tham gia sinh hoạt hè hiệu quả, để 3 tháng hè thực sự là những ngày vui tươi, bổ ích cho các em