Cầu nối của chị em phụ nữ

08:47, 23/07/2009

Tình trạng phụ nữ, trẻ em (PNTE) từ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa bị lừa bán đến các các nhà hàng, quán karaoke, bị ép buộc làm tiếp viên nhưng thực chất là làm gái mại dâm đang xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

 

Từ những cơ sở kinh doanh dịch vụ này, các PNTE có thể tiếp tục bị lừa gạt bán sang Trung Quốc hoặc cũng có những đường dây buôn bán phụ nữ thẳng sang Trung Quốc. Những phụ nữ không may bị lừa bán chủ yếu là làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp vì mục đích bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, buộc phải lao động trong điều kiện tồi tệ hoặc bị sử dụng vào mục đích thương mại, vô nhân đạo khác. Rất ít trong số đó may mắn được trở về quê hương với người thân, gia đình. Những người được trở về gia đình nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, sức khoẻ suy giảm, mắc các bệnh xã hội, bi quan, mặc cảm, khó hòa nhập với cộng động… Tổ chức Hội phụ nữ các cấp chính là cầu nối giúp họ trở lại với cuộc sống đời thường, quên đi sự mặc cảm.

 

Theo số liệu của ngành Công an, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 2.400 phụ nữ đi khỏi địa phương, trong đó có khoảng 2 nghìn trường hợp bị lừa gạt hoặc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và đã có 484 trường hợp kết hôn với người nước ngoài sinh được 32 trường hợp là con lai (đã trở về địa phương). Riêng năm 2008 đã có 92 phụ nữ Việt Nam từ Trung Quốc trở về thăm người thân (tăng 53 người so với năm 2007). Từ năm 1998 đến nay đã phát hiện, điều tra, xử lý, giải quyết 19 vụ việc, 21 đối tượng có liên quan đến tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, đã xử lý hình sự 15 vụ, 18 đối tượng. Những tháng đầu năm 2009, Công an tỉnh đã khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng đã lừa bán 4 phụ nữ sang Trung Quốc và giải thoát được 2 người bị hại. Hiện nay, tỉnh xác định có 475 PNTE nghi bị buôn bán sang Trung Quốc qua 3 cửa khẩu chính: Lạng Sơn, Cao Bằng, Móng Cái (Quảng Ninh).

 

Trước thực trạng đó, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán PNTE tỉnh từ 2004-2010, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Đề án Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán PNTE (2005-2010), xây dựng chương trình hành động của các cấp hội phụ nữ, thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở... Phối hợp với ngành Công an, Tư pháp tổ chức được 567 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác phòng, chống buôn bán PNTE lồng ghép với kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, kỹ năng sống… cho gần 31 nghìn cán bộ, hội viên; tổ chức 14 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống buôn bán PNTE cho 840 báo cáo viên và tuyên truyền viên ở một số địa phương trọng điểm; thành lập 30 tuyên truyền viên nòng cốt truyền thông về phòng, chống buôn bán PNTE thông qua biểu diễn nghệ thuật ở huyện Phổ Yên và Đại Từ.

 

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật kết hôn có yếu tố nước ngoài. 5 năm qua, Trung tâm đã tư vấn cho 390 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trên cơ sở hôn nhân tự nguyện bình đẳng, giúp chị em và gia đình có được thông tin cần thiết, tránh tình trạng bị lừa qua môi giới hôn nhân. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tích cực khai thác các dự án của nước ngoài để hỗ trợ cho các hoạt động về phòng, chống buôn bán PNTE như: Dự án Bảo vệ quyền và lợi ích cho những người bị buôn bán trở về do Quỹ Châu Á tài trợ đã gặp gỡ và tư vấn cho 66 nạn nhân bị buôn bán trở về, hỗ trợ vốn cho 34 nạn nhân với số tiền 74 triệu đồng để phát triển kinh tế; Dự án Tạo sự gắn kết trò chuyện giữa trẻ vị thành viên và cha mẹ về cuộc sống, tình yêu và sức khoẻ tình dục do Quỹ FORD tài trợ…

 

Cùng với đó, Hội LHPN thành lập 107 câu lạc bộ (CLB) với 3.295 thành viên tham gia như mô hình CLB phòng, chống buôn bán PNTE ở 5 xã của huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương và Phổ Yên; CLB phụ nữ đơn thân tại 6 xã của huyện Phổ Yên; CLB phòng, chống bạo lực gia đình tại 8 xã của huyện Phú Bình… Từ việc chọn điểm thành lập các mô hình cho thấy công tác tuyên truyền về buôn bán PNTE được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trong việc quản lý, nắm rõ các nạn nhân bị buôn bán trở về, các đối tượng có nguy cơ cao trong xã hội, từ đó sàng lọc phát hiện đối tượng để ngăn chặn kịp thời.

 

Công tác tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ trong phòng, chống buôn bán PNTE đã góp phần làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của nhân dân và chị em phụ nữ về đấu tranh phòng, chống các TNXH. Sau khi được tư vấn, giúp đỡ đã có nhiều chị em mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận với xã hội, dám nói lên sự thật và tố cáo tội phạm lừa bán phụ nữ trẻ em, xâm hại trẻ em…