Đôi điều về việc thực hiện một chính sách

08:49, 28/07/2009

Để giải quyết những khó khăn khi triển khai Dự án 5 triệu héc-ta rừng, ngoài những cơ chế ưu đãi mà người dân được hưởng theo quy định, Chính phủ còn có thêm cơ chế hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số khi chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất.. Một chính sách có lợi cho dân như vậy nhưng việc triển khai trên địa bàn tỉnh lại không được tốt

 

Trở ngại lớn nhất trong công tác phát triển và bảo vệ rừng của cả nước nói chung, trên địa bàn Thái Nguyên nói riêng chính là vấn đề đời sống của nhân dân miền núi còn khó khăn, nhiều nơi một số người dân cố tình phá rừng để duy trì cuộc sống. Cùng với đó là các dự án trồng rừng triển khai ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng chưa nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân vì khi đầu tư trồng rừng phải mất từ 5 tới 7 năm mới được khai thác và trong khoảng thời gian này bà con sẽ không có lương thực, thu nhập để duy trì cuộc sống. Giải quyết khó khăn này, ngày 6-7-2007, Chính phủ đã có Quyết định số 100 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661 ngày 29-7-1998 (Dự án trồng rừng 661). Trong đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số khi chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ với mức 1ha rừng khi chuyển đổi sẽ được nhận 700kg gạo/năm hoặc mỗi khẩu được nhận 10kg gạo/tháng (không quá 4 khẩu/hộ) trong thời gian 7 năm liên tục.

 

Mặc dù chính sách của Nhà nước đã có từ hơn 2 năm nay nhưng vì nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh không được triệt để, đến hết tháng 6-2009 mới có 3 huyện là Võ Nhai, Phú Lương và Đồng Hỷ gửi danh sách gồm 1.505 hộ thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định 100 với tổng diện tích nương rẫy chuyển đổi sang trồng rừng là 2.460,14ha để đề nghị Trung ương hỗ trợ gạo. Còn các địa phương khác như: Đại Từ, Định Hóa, T.P Thái Nguyên, Phổ Yên đều có văn bản trả lời các ngành chức năng của tỉnh là trên địa bàn không có diện tích nương rẫy cần chuyển đổi sang trồng rừng. Cá biệt huyện Phú Bình và T.X Sông Công còn không có văn bản trả lời về vấn đề này.

 

Qua khảo sát của chúng tôi thì hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có diện tích đất đồi để phát triển trồng cây lâm nghiệp. Đặc biệt là tại các huyện miền núi như: Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ và một số xã phía Nam của huyện Phổ Yên thì các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu chuyển đổi từ nương rẫy (đất trống hoặc đất đã, đang trồng các loại cây có giá trị kinh tế thấp bị tái hoang hóa) sang trồng rừng là rất nhiều. Nhưng không hiểu tại sao sau hơn 2 năm triển khai chính sách này chỉ có 1.505 hộ dân thuộc 13 xã của 3 huyện có nhu cầu chuyển đổi sang trồng rừng. Cụ thể, huyện Đồng Hỷ có 2 xã (Văn Lăng, Tân Long), huyện Phú Lương có 3 xã (Yên Ninh, Yên Lạc, Yên Đổ) và nhiều nhất là huyện Võ Nhai có 8 xã.

 

Ông Đặng Văn Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đại Từ cho biết: “Ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách này, các kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đã làm việc với UBND các xã và đều có biên bản xác nhận trên địa bàn các xã không có diện tích nương rẫy cần chuyển đổi sang trồng rừng”. Đối với các cơ quan chuyên môn của một số địa phương khác trong tỉnh khi chúng tôi hỏi cũng khẳng định là không có nương rẫy hoặc có thì đã thống kê hết rồi. Tuy nhiên, khi đi thực tế ở cơ sở, chúng tôi thấy diện tích nương rẫy của người dân đã chuyển đổi (sau khi Quyết định 100 có hiệu lực) hoặc đang có nhu cầu chuyển đổi sang trồng rừng là vẫn còn. Đơn cử, diện tích rừng ở các xã của huyện Định Hóa giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn hoặc diện tích đất đồi mà trong những năm qua người dân ở các địa phương trong tỉnh đã phát nương rẫy tại sao chính quyền các xã lại không kê khai?

 

Thêm một thông tin nữa là mới đây huyện Võ Nhai đã chính thức có văn bản đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh bổ sung thêm diện tích nương rẫy chuyển đổi sang trồng rừng của xã Cúc Đường nhưng đã không được chấp thuận vì muộn thời gian. Ông Đồng Văn Tú, Trưởng phòng Quản lý - Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) khẳng định với chúng tôi: "Việc bỏ sót diện tích nương rẫy chuyển đổi sang trồng rừng là còn nhiều, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Nhưng diện tích cụ thể là bao nhiêu thì cần phải có thời gian mới tiến hành kiểm tra, xác minh được…".

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi còn một số nguyên nhân dẫn tới để sót diện tích nương rẫy chuyển sang trồng rừng là: Một số người dân cho rằng nếu khai diện tích rừng phòng hộ bị phát làm nương rẫy Hóa ra tự nhận mình phá rừng nên bà con không phối hợp với chính quyền địa phương khi kê khai. Khái niệm "nương rẫy" cũng chưa được hiểu một cách thống nhất, rõ ràng nên trong quá trình kê khai chính quyền các xã cũng có những cách hiểu khác nhau, ví dụ như: Diện tích trồng sắn, trồng chè từ nhiều năm trước nay đã bị tái hoang Hóa lại không được cấp xã và kiểm lâm viên địa bàn coi là nương rẫy; diện tích đất đồi cọ, đồi cây tạp (có độ dốc cao hơn 25 độ) cũng không được coi là nương rẫy; các văn bản hướng dẫn cụ thể thì mãi đến cuối năm 2008 mới được triển khai tới cơ sở…

 

2.460,14ha nương rẫy đã được thống kê là chưa đầy đủ nhưng nếu được Trung ương phê chuẩn thì 1.505 hộ dân của 3 huyện sẽ nhận được trên 1,7 triệu kg gạo/năm và đây sẽ là một khoản lương thực vô cùng quý giá với đồng bào nghèo. Không chỉ vậy những hộ nêu trên trong những năm tiếp theo khi còn diện tích nương rẫy chuyển đổi sang trồng rừng sẽ tiếp tục được Chính phủ bổ sung lượng gạo hỗ trợ tùy theo diện tích chuyển đổi. Nhưng điều đáng tiếc là theo kế hoạch, trong tháng 8-2009, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ chốt danh số hộ đề nghị hỗ trợ gạo của các tỉnh, thành phố nên việc bổ sung những hộ còn sót không thể kịp. Vẫn theo đồng chí Đồng Văn Tú thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chốt danh sách, có quyết định gửi các cơ quan Trung ương về việc hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích nương rẫy chuyển đổi sang trồng rừng nên giờ các địa phương có bổ sung danh sách cũng không còn kịp. Về trách nhiệm để sót các hộ thuộc diện theo Quyết định 100, Chi cục không có trách nhiềm vì đã có tới 2 văn đốc thúc các địa phương...

 

Việc triển khai chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích nương rẫy chuyển đổi sang trồng rừng chưa được triển khai triệt để sẽ gây thiệt lớn cho nhân dân ở miền núi, góp phần làm khó khăn thêm cho công tác phát triển, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua bài viết này chúng tôi cũng không có ý “bới lông tìm vết” mà chỉ hy vọng khi triển khai các chính sách của Nhà nước tới cơ sở trong thời tới, các cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh đừng để lặp lại tình trạng nêu trên.