E dè với thịt ngoại nhập

10:51, 25/07/2009

Thông tin hàng trăm tấn thịt lợn, gà nhập khẩu của Công ty CP Thực phẩm Việt Nam (Vinafood) quá hạn sử dụng vừa được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương lại một lần nữa làm dấy lên sự quan ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của người tiêu dùng.

 

Hàng bảo đảm chất lượng không cần ghi hạn sử dụng?

 

Liên tục trong những ngày qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương và Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh phát hiện hàng loạt vi phạm của Vinafood. Cụ thể, ngày 15-7, Chi cục thú y quận Bình Tân phát hiện 17,5 tấn xương cốt-lết, sườn, giò lợn đông lạnh xuất xứ từ Đức trong kho hàng tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo của Vinafood đã hết hạn sử dụng từ ngày 25-4-2009 nhưng được ghi thêm hạn sử dụng đến ngày 25-4-2010. Ngoài ra, còn có 55,7 tấn đùi lợn có xuất xứ từ Hoa Kỳ và Ca-na-đa không ghi hạn sử dụng trên bao bì.

 

Tiếp đó, ngày 21-7, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương phát hiện tại kho lạnh Sea Sài Gòn (KCN Sóng Thần, huyện Dĩ An) của Vinafood 600 thùng sườn, nạc đầu lợn có hiện tượng dán nhãn mới với hạn dùng đến tháng 1-2010. Một số thùng thịt nạc lợn trong nhãn gốc ghi sản xuất tháng 4-2008 nhưng được dán nhãn phụ ghi là tháng 5-2008. Nhiều lô hàng thịt lợn khác cũng được dán nhãn phụ ghi hạn dùng 2 năm. Bên cạnh đó còn có 50 tấn thịt lợn ghi sai thành "gan lợn". Tại kho lạnh Swire, phát hiện 3 lô hàng thịt ba rọi khoảng trên 50 tấn không có nhãn hàng hóa của nhà nhập khẩu; một lô sườn lợn trên 8 tấn ghi sai ngày sản xuất; một lô hàng ghi là thịt lợn nhưng thực tế kiểm tra lại là lách lợn; rồi gần 1,7 tấn đùi tỏi gà không ghi hạn sử dụng trên nhãn gốc…

 

Tại cuộc họp của Cục Thú y và các nhà nhập khẩu sản phẩm động vật vào ngày 23-7 tại TP Hồ Chí Minh về những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, đại diện của Vinafood đã giải trình rằng, sở dĩ số thịt lợn nhập từ Hoa Kỳ và Ca-na-đa không ghi hạn sử dụng và một số hàng chỉ có nhãn phụ ghi hạn dùng 2 năm là bởi theo quy định của Hoa Kỳ, thực phẩm đông lạnh của nước này chỉ ghi ngày sản xuất! Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó GĐ Trung tâm Thú y Vùng VI, dù các nước trên không ghi hạn sử dụng, nhưng không một loại sản phẩm nào lại không có hạn dùng. Với thực phẩm đông lạnh, hiện Việt Nam đang căn cứ theo TCVN, quy định là hạn sử dụng tối đa chỉ được 18 tháng trong điều kiện bảo quản âm 18 độ C.

 

Một người làm, mười người chịu!

 

Với các vi phạm trên, cơ quan chức năng đã yêu cầu Vinafood không được xuất bán lượng hàng có vi phạm, nhanh chóng tập hợp các giấy tờ văn bản để giải trình và xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay đơn vị này vẫn chưa tìm đủ các giấy tờ cần thiết để làm việc với các cơ quan chức năng mà lại có hành vi tẩu tán hàng vi phạm: 13 tấn đùi heo xuất xứ từ Ca-na-đa ở kho hàng KCN Tân Tạo đã "bốc hơi" khi Chi cục Thú y quận Bình Tân kiểm tra lại vào ngày 22-7.

 

Tại cuộc họp ngày 23-7, nhiều nhà nhập khẩu sản phẩm động vật đã "kêu oan" khi thịt ngoại nhập mấy ngày qua rất ế ẩm do bị các bà nội trợ "săm soi" rất kỹ. Thông tin Vinafood tẩu tán thịt không đạt ATVSTP ra thị trường càng làm cho mặt hàng này gần như không còn tiêu thụ được. Trong khi trước đây, loại thực phẩm ngoại này chiếm ưu thế trên bàn ăn của nhiều người vì có giá rẻ hơn. Ví dụ, giá thịt gà nhập khẩu từ Bra-xin, Hoa Kỳ, Ác-hen-ti-na có giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg trong khi cánh gà của Công ty C.P Việt Nam có giá 63.700 đồng/kg; cánh gà của Công ty TNHH Phú An Sinh là 45.100 đồng/kg, gà nguyên con là 59.300 đồng/kg…

 

Tuy nhiên, khi mối quan tâm về sức khỏe được đặt lên hàng đầu thì giá cả không còn được cân nhắc quá nhiều nữa. Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), các tiểu thương cho biết từ khi có thông tin nhiều lô hàng thịt lợn, gà nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn ATVSTP thì khách hàng ít mua hẳn. Mặc dù các tủ đông lạnh bán gà ngoại nhập vẫn bày bán ở chợ này với giá rẻ hơn gà "nội" từ 10.000 đồng/kg nhưng phần đông chỉ hỏi giá, đắn đo rồi chọn gà "nội" được đóng bao bì nhãn mác. Trước tình hình này, các siêu thị cũng đồng loạt vào cuộc để làm yên lòng người tiêu dùng. Co-op Mart thông báo không kinh doanh hàng của Vinafood; Big C cũng khẳng định không bán thịt lợn nhập... Bên cạnh đó, các siêu thị này cũng thông báo các quy trình kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi vào siêu thị để người tiêu dùng an tâm.

 

Theo quy định, nếu sản phẩm nhập khẩu bị nhiễm khuẩn, không đạt tiêu chuẩn ATVSTP, hết hạn sử dụng... thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan chức năng để chọn giải pháp tiêu hủy hoặc trả về nơi sản xuất. Nếu bị phát hiện, những hành vi này phải bị xử phạt thật nặng để tránh tái diễn. Tuy nhiên, hiện nay mức chế tài xử còn quá nhẹ khiến các nhà kinh doanh luôn "giỡn mặt" pháp luật, coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Đây là một thực tế, bởi trước Vinafood đã có hàng loạt doanh nghiệp khác cũng vi phạm ATVSTP mà không bị xử lý đến nơi đến chốn.