Hiệu quả từ phong trào thi đua lao động sáng tạo

09:49, 14/07/2009

Mỗi năm Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đội ngũ kỹ sư, công nhân đưa ra để phục vụ sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty.

 

Anh Lê Viết Ba, kỹ sư hoá, Quản đốc phân xưởng cốc, Nhà máy Cốc hoá với sáng kiến giải pháp phun trát làm kín đỉnh buồng tích nhiệt đã góp phần làm lợi 52 triệu đồng cho Nhà máy. Anh Ba cho biết: Trước khi có giải pháp thì việc sửa chữa đỉnh buồng tích nhiệt không có vật liệu thay thế phù hợp mà phải thay thế bằng gạch cao nhôm. Vật liệu này nhiệt độ biến dạng thấp, độ co phụ lớn nên quá trình sản xuất dẫn đến độ co giãn lớn gây nên dò hở ở khu vực buồng tích nhiệt dẫn đến hiệu suất nhiệt thấp gây khó khăn cho công tác nấu luyện cốc. Sau khi áp dụng giải pháp phun trát làm kính đỉnh buồng tích nhiệt đã làm tăng sản lượng cốc luyện từ 65 buồng lên 68 buồng/ngày; thay đổi vị trí phóng xả đường ống khí than nhánh lò cốc; cải tiến gờ đỡ tấm đậy cửa gió bình khí thả; cải tạo hệ thống thoát hai bình phong thuỷ; cải tiến bộ đồ gá máy cắt gạch chịu lửa. Với giải pháp đồng bộ đó đã góp phần tăng năng suất 6 tháng đầu năm của Nhà máy lên 75.300 tấn nhưng vẫn đảm bảo công nghệ sản xuất thép truyền thống từ luyện cốc, sản xuất gang, sản xuất thép.

 

Kỹ sư chế tạo máy Nguyễn Trường Thọ, Phòng Kỹ thuật cơ điện, Nhà máy Cán thép Lưu Xá có sáng kiến cải tiến, thiết kế, chế tạo hệ thống gom cân, đóng bó thép hình (sàn thu thập thép hình sau máy nắn A600) và cải tiến hệ thống đường con lăn sau máy định kích thước dây chuyền cán cây với giá trị làm lợi trên 58 triệu đồng. Giải pháp góp phần làm tăng năng suất nắn thép đầu bó thép thẳng hơn nhờ vỗ đầu bằng máy, chất lượng bó thép đảm bảo hơn và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Khi chưa có giải pháp trên thì theo thiết kế cũ, thép hình sau khi được nắn thẳng qua máy nắn A600 được trải đều trên sàn thu thấp thép hình và được đưa xuống hố gom nằm ở cuối sàn. Cách làm này bộc lộ nhược điểm: Bụi nhiều, người công nhân trực tiếp theo tác bó buộc tại vị trí có nhiều bụi bẩn, mạt thép tạo ra sau khi thanh thép rơi xuống hố gom; mất nhiều thời gian chờ khi xếp, bó buộc và cân, làm giảm tốc độ nắn thép và năng suất bó buộc; không có hệ thống cân tự động mỗi bó thép mà sau khi đóng bó xong phải vận chuyển về cân 10 tấn của Nhà máy để cân.

 

Bên cạnh những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, còn có những nghiên cứu chế tạo máy thay thế những thiết bị cũ, lạc hậu. Điển hình như sáng kiến chế tạo máy cắt 100T  của kỹ sư chế tạo máy Đinh Tiến Tân, Nhà máy Cán thép Lưu Xá với giá trị làm lợi 400 triệu đồng. Từ thực tế của Nhà máy sau nhiều năm sử dụng máy cắt 250T dùng để cắt đầu và đuôi phôi trước khi đưa vào giá cán, các cơ cấu bị dơ dão khi máy làm việc có tiếng ồn lớn, thiết bị mỗi tháng phải dừng sản xuất từ 7 đến 8 lần để sửa chữa đã ảnh hưởng đến năng suất sản lượng sản phẩm. Sau khi chế tạo máy cắt 100T đã giảm bớt thời gian ngừng sửa chữa, giảm tiếng ồn, giảm lượng tiêu hao dần, mỡ, vật tư, phụ tùng thay thế và đặc biệt làm giảm điện năng tiêu thụ (máy cũ dùng động cơ 75KW còn máy mới dùng động cơ 11KW).

 

Có thể nói phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tiết kiệm trong công nhân viên chức lao động đã thu được kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty. Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái đã ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nói chung và ngành thép nói riêng. Sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Gang thép gặp nhiều khó khăn, trước tình hình đó, Ban Giám đốc và Công đoàn Công ty đã phát động các phong trào thi đua nhằm tập trung giải quyết các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất các dây chuyền công nghệ, sửa chữa bảo quản các thiết bị, chuẩn bị tốt nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm.

  

Từ phong trào đó, Công đoàn Công ty đã cụ thể hoá thành phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tiết kiệm gắn với phong trào "Luyện tay nghề, rèn tác phong, sống đẹp, sống tình nghĩa" trong công nhân viên chức lao động. Triển khai xây dựng các công trình, phần việc mang tên công đoàn; xe, máy, thiết bị công đoàn; tham gia quản lý, tổ chức thao diễn kỹ thuật gắn với xây dựng các điển hình tiên tiến. Qua cuộc thi chọn công nhân viên chức giỏi được tổ chức tháng 5 vừa qua đã có 18 tập thể đạt danh hiệu tập thể giỏi, 52 cá nhân đạt công nhân viên chức giỏi toàn diện.

 

Đồng chí Phan Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Trong năm 2008 và những tháng đầu năm nay, Công đoàn đã phát động 133 đợt thi đua, đảm nhận 42 công trình, việc làm công đoàn, tổ chức 54 cuộc tọa đàm chuyên đề. Nhiều công trình được công nhân thực hiện với chất lượng tốt, đảm bảo tiến độ và tuyệt đối an toàn, góp phần phát triển sản xuất tiêu biểu như: Công trình máy đúc liên tục 4 dòng của Nhà máy luyện thép Lưu Xá, công trình lắp đặt thiết bị phân xưởng cán thép Nhà máy Cốc hoá… Bên cạnh đó, nhiều công nhân, viên chức lao động không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, sử dụng thành thạo và làm chủ thiết bị công nghệ mới, chủ động tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Với 450 đề tài, sáng kiến sáng tạo được công nhận, làm lợi trên 3,1 tỷ đồng, tiết kiệm giảm giá thành 91,3 tỷ đồng và đã lựa chọn được 22 sáng kiến đề nghị Tổng liên đoàn Lao động tằng Bằng khen, 6 sáng kiến đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen.