Thị trấn Ba Hàng làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa

11:12, 27/07/2009

Thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên) hiện có là 128 hộ thuộc diện chính sách, trong đó có 59 thân nhân liệt sĩ, 54 thương binh, 15 bệnh binh và 2 cán bộ tiền khởi nghĩa. Với 94% hộ gia đình chính sách của Thị trấn có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú, thị trấn Ba Hàng đang là một trong những địa phương làm tốt nhất công tác chăm lo đến các gia đình chính sách và người có công của tỉnh.

 

Có được kết quả ấy là do nhiều năm qua lãnh đạo Thị trấn luôn xác định cần quan tâm, chăm sóc chu đáo thường xuyên đối với người có công để phần nào bù đắp những mất mát, hy sinh mà họ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trước hết, Thị trấn chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình liệt sĩ thương binh, người có công với cách mạng và phát động phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa” một cách sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhằm xã hội hóa công tác đền ơn, đáp nghĩa.

 

Thị trấn có 10 tiểu khu, mỗi tiểu khu đều có 1 tổ chính sách, hoạt động thường xuyên. Tổ chính sách này có nhiệm vụ cung cấp thông tin nhanh nhất cho lãnh đạo Thị trấn về cuộc sống của các gia đình chính sách. Nhờ đó, lãnh đạo Thị trấn luôn kịp thời động viên thăm hỏi giúp đỡ khi các gia đình chính sách gặp khó khăn. Thị trấn cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng... Hàng tháng, các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi trên địa bàn được chi trả chế độ kịp thời, chính xác, các chế độ như quà vào dịp lễ, tết, nghỉ đều dưỡng, bồi dưỡng đều được duy trì và thực hiện đúng quy định. Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 hàng năm, Phong trào Đền ơn đáp nghĩa với các hoạt động như thăm hỏi động viên, vận động quyên góp quỹ đền ơn đáp nghĩa... được đẩy mạnh, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa và nền nếp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

 

Bà Phạm Thị Loan, vợ liệt sĩ Trần Văn Chẩm ở tiểu khu 1, thị trấn Ba Hàng, rưng rưng nước mắt khi nhắc tới những kỷ niệm về người chồng yêu thương, nhưng lại thoắt vui vẻ ngay khi nhắc tới sự quan tâm của Thị trấn. Bà tâm sự: “Tôi rất cảm động về sự quan tâm săn sóc của Thị trấn tới gia đình. Khi tôi ốm đau, vui, buồn đều được động viên kịp thời cả. Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho con tôi đi học thành tài đề xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay.”

 

Sự quan tâm của lãnh đạo Thị trấn cũng là nguồn động viên các thương binh, bệnh binh trên địa bàn không ngừng phấn đấu vươn lên, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ ''Thương binh tàn nhưng không phế”. Điển hình như thương binh Nguyễn Ngọc Hiên, tiểu khu 4, thị trấn Ba Hàng đã vượt qua những khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Hiện anh đang làm chủ nhiện HTX Môi trường của Thị trấn với 16 công nhân, làm việc từ 4 giờ sáng đến 8 giờ sáng, thu nhập ổn định trên 1 triệu đồng/người/tháng. Gia đình anh Nguyễn Xuân Sơn, thôn Thành Lập, có mức thu nhập trên 100 triệu/năm từ kinh doanh dịch vụ xay xát và kinh doanh các đầu máy phục vụ nông nghiệp, kết hợp với chăn nuôi. Thương binh Nguyễn Thanh Hải, ở tiểu khu 5, kinh doanh dịch vụ ăn uống, mỗi năm gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 nhân công với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng....

 

Nói về các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay, đồng chí Hoàng Quốc Bình, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Hàng cho biết: Thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thành lập, đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 15 triệu đồng để tặng quà các gia đình chính sách. Điều trăn trở nhất là hiện nay của Ba Hàng là còn 1 thương binh của Thị trấn vẫn thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, đồng chí Hoàng Quốc Bình cũng khẳng định: “Thời gian tới, Đảng ủy thị trấn Ba Hàng quyết tâm động viên, giúp đỡ để đồng chí thương binh này thoát nghèo”