Trăn trở Phú Cường

08:34, 27/07/2009

Đến với xã Phú Cường (Đại Từ) vào một ngày giữa tháng 7, trước mắt chúng tôi là hình ảnh của miền quê êm đềm, trù phú với màu xanh của những nương chè, những cánh đồng lúa và những rừng keo thẳng tắp. Vậy nhưng đi sâu vào cuộc sống của người dân nơi đây, chúng tôi mới thấy: Phú Cường vẫn còn lắm gian nan.

 

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh khu trung tâm xã, đồng chí Đinh Văn Chỉ, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã giới thiệu vài nét sơ lược về đất và người nơi đây: Phú Cường có tổng diện tích đất tự nhiên 19 km2, dân số 5 nghìn người, trong đó dân tộc Tày chiếm 75%. Từ trước đến nay, đời sống của bà con vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp như cây lúa, cây ngô, cây chè, và phát triển kinh tế đồi rừng…

 

Vụ mùa này, trên những cánh đồng của xóm Khuân Thông, Bán Luông, Na Quýt, Na Mấn…, người dân tích cực đưa những giống lúa lai mới phù hợp với đồng đất địa phương cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Năm nay, người dân Phú Cường còn đưa các phương tiện cơ giới hóa vào đồng ruộng từ các khâu làm đất đến gieo sạ… để kịp thời vụ và giảm công lao động. Ngoài 230 ha đất chuyên trồng lúa, Phú Cường còn trên 120 ha chuyên trồng ngô, nhờ vậy từ năm 2006 đến nay, sản lượng lương thực cây có hạt của xã bình quân đạt trên 2.200 tấn/năm, hệ số sử dụng đất tăng 0,5 lần so với 4-5 năm về trước.

 

Những năm gần đây, cây chè đã khẳng định là cây mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương. Năm 2003, người dân Phú Cường bắt đầu đưa chè cành vào trồng với diện tích chỉ khoảng 2 ha. Sau 3 năm, thấy hiệu quả từ chè cành cao gấp 3 lần so với chè giống cũ nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn phá bỏ chè trung du chuyển sang trồng chè cành với những giống: LDP1, TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… Những xóm đi đầu trong việc thâm canh, cải tạo, trồng mới chè cành là Khuân Thông 10ha, xóm Chiềng 10ha, Văn Cường 1 trên 11ha… Nhờ tuyên truyền, vận động nhân dân thâm canh, cải tạo, đưa những giống chè cành vào trồng, đến nay toàn xã có 254ha chè, trong đó diện tích chè cành là 90 ha. Năng suất chè của Phú Cường từ chỗ chỉ đạt 50 tạ chè búp tươi/ha (năm 2000) đến nay đạt bình quân 90 tạ/ha, sản lượng đạt gần 1.800 tấn/năm. Toàn xã hiện có gần 700  ha rừng, trong đó có 131 ha rừng phòng hộ, còn lại trên 500 ha rừng sản xuất. Kinh tế đồi rừng không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn từ 40% (năm 2005) lên gần 43% (năm 2008), phấn đấu đến năm 2010 tăng lên 45%...

 

Tuy nhiên, theo đồng chí Đinh Văn Chỉ thì: Bức tranh kinh tế của Phú Cường sẽ sống động hơn nếu hệ thống giao thông, thuỷ lợi của địa phương đáp ứng được nhu cầu người dân. Bao đời nay, con sông Công huyền thoại đã chuyên chở trong mình dòng nước mát trong lành tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa, màu, chè của Phú Cường. Vị phù sa của dòng sông đậm đà trong từng hạt gạo, từng búp chè khiến ai xa quê cũng nhớ đến nao lòng. Nhưng cũng bởi con sông chạy giữa địa hình của xã với chiều dài trên 10 km đã gây khó khăn cho người dân về vấn đề giao thông. Ngoài 2 chiếc cầu treo được xây dựng cách đây khoảng 20 năm hiện đã xuống cấp, Phú Cường còn có 4 chiếc cầu tạm do nhân dân tự bắc qua sông. Những cây cầu này hiện không còn đủ sức gánh đỡ những nhu cầu của người dân nơi đây. Đơn cử như việc vận chuyển phân bón về phục vụ sản xuất, mua vật liệu xây dựng về xây nhà cửa, công trình hay mang hàng nông sản ra chợ bán…. đều rất khó khăn. Từ Quốc lộ 37 rẽ vào, theo đường tỉnh 264 chỉ khoảng 10 km là đến trung tâm xã Phú Cường nhưng do đường tỉnh 264 vẫn là cấp phối đường gập ghềnh khó đi nên người dân mất nhiều thời gian cho vận chuyển hàng hóa. Rồi từ trung tâm xã, người dân lại phải chuyên chở hàng hóa về các xóm bên kia sông bằng xe máy, xe đạp và phải đi lại nhiều lần mới vận chuyển đủ số lượng, vì nếu chở với khối lượng lớn sẽ rất nguy hiểm khi đi qua cầu…

 

Cùng với đó, việc học hành của các cháu nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Vào mùa mưa bão, dòng sông Công thường ngày hiền hòa cũng trở nên hung dữ. Các cháu học sinh bờ bên này chỉ còn biết đứng nhìn trường, lớp, thầy cô, bạn bè mà không thể sang khi nghe tiếng trống trường báo hiệu giờ học đã bắt đầu. Một vấn đề khó khăn nữa của Phú Cường là trong tổng số trên 35 km đường liên xóm của xã đến nay vẫn chưa có một mét đường bê tông nào. Được biết, trên địa bàn xã đang triển khai thi công tuyến đường liên xã Na Mao - Phú Cường - Đức Lương theo tiêu chuẩn đường nông thôn loại A, xã đã vận động trên 100 hộ dân hiến đất để làm đường. Theo kế hoạch, tháng 10 này tuyến đường liên xã sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng. Nhưng khi được chúng tôi phỏng vấn, nhiều người dân cho biết: Nếu tuyến đường hoàn thành mà không có cây cầu cứng bắc qua sông Công thì đường cũng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã Phú Cường, chúng tôi được biết, năm 2008, dự án xây dựng cầu Na Mấn đã được khảo sát, thiết kế nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền (?).

 

Có thể nói, do kết cấu hạ tầng nông thôn của Phú Cường chưa được đầu tư đúng mức nên đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy tỷ lệ hộ nghèo của xã hàng năm giảm không đáng kể. Nếu như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 37,8% thì đến nay (sau gần 4 năm) mới giảm được 2,3%, còn lại 35,5%. Mặc dù 90% số hộ dân đã có nhà xây nhưng hầu hết vẫn chỉ là nhà cấp 4. Chúng tôi xin khép lại bài viết bằng một mong ước cháy bỏng của những người dân Phú Cường: Chúng tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để xây dựng những cây cầu giúp người dân được đi lại, giao thương thuận lợi...